Cổ đông, anh là ai?

Cổ đông, anh là ai?

(ĐTCK-online) Thị trường bất động sản (BĐS) nóng hầm hập, giá căn hộ tăng vùn vụt, đặc biệt với những dự án ở trung tâm TP. Hà Nội và TP. HCM khiến không ít cổ đông của các công ty kinh doanh BĐS đứng ngồi không yên khi thấy thông tin về phương án kinh doanh hoặc bán nhà của DN trong vòng “mù mờ”. Đã có không ít cổ đông lên tiếng đề nghị DN thay đổi cung cách bán hàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho công ty, tuy nhiên theo lãnh đạo một số DN, đây là đề nghị quá khó và cổ đông đừng can thiệp quá sâu vào công việc của Ban điều hành.

Không ít cổ đông của Vinaconex đặt câu hỏi dự án xây dựng 3 khối nhà chung cư cao 25 tầng tại Phường Trung Hoà, Hà Nội có được công khai minh bạch trong việc bán các căn hộ hay không? Có nguồn thông tin cho rằng, khu này đang khởi công xây dựng nhưng Ban quản lý dự án đã tiến hành xong việc tổ chức đăng ký ghi tên bán căn hộ. Đối tượng được đăng ký chủ yếu là thân quen, muốn đặt chỗ sớm để kiếm chênh lệch giá. Trên mạng và các tờ rơi đã thấy việc rao mua các suất có đăng ký. Vậy sau này, việc bán các căn hộ trên cơ sở giá nào, có theo giá thị trường hay không?

Trong một văn bản gửi Vinaconex mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI)  cho rằng, bất kỳ dự án nào về nhà ở thuộc Tổng công ty đều thuộc tài sản của các cổ đông và không thể để xảy ra tình trạng hưởng chênh lệch giá trong việc phân bổ suất mua theo dạng thân quen. Những nhà đầu tư này đề nghị, tất cả dự án nhà của Tổng công ty phải được tiến hành bán đấu giá công khai theo giá thị trường hoặc theo phương thức bán thành nhiều đợt, mỗi đợt phải theo giá thị trường và bãi bỏ chuyện đăng ký mua nhà trước. Việc chào bán các căn hộ phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Chuyện không chỉ ở Vinaconex, tại buổi roadshow của một DN kinh doanh BĐS khác, đã có nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Nếu tôi là cổ đông của công ty, muốn mua nhà trong những dự án công ty làm chủ đầu tư, liệu tôi có được ưu tiên gì hơn so với các khách hàng khác không hoặc chí ít, đơn của tôi cũng được chấp nhận xem xét, thay vì toàn phải tìm đến “chân gỗ” như hiện nay?”. Ông Chủ tịch HĐQT công ty đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của nhà đầu tư này, mà chỉ nói chung chung là tuỳ từng dự án, anh/chị có nhu cầu cứ liên hệ với công ty.

Mong muốn của cổ đông Vinaconex và ngay cả nhà đầu tư tại trường hợp trên là hoàn toàn chính đáng, nhất là khi giá những căn hộ nằm ở vị trí “đắc địa” tăng vùn vụt, thậm chí có nơi tăng gấp 3 - 4 lần so với giá gốc, nếu bán theo giá thị trường, đương nhiên doanh thu và lợi nhuận của từng dự án đội lên và quyền lợi của mỗi nhà đầu tư sẽ tăng lên.

Chuyển câu hỏi này tới lãnh đạo một số DN kinh doanh BĐS, họ trả lời: “Biết là làm như vậy, DN có lợi lắm nhưng chưa thể thực hiện được”. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho hay, việc bán nhà, xét duyệt khách hàng đủ tiêu chuẩn và cả giá bán nhà, Tổng công ty phải tuân theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và những quy định của Nhà nước, chứ không phải muốn bán cho ai thì bán. Cổ đông có quyền đóng góp ý kiến cho Ban điều hành DN nhưng những việc cụ thể để triển khai chỉ tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hãy để Ban điều hành thực hiện, cổ đông đừng nên can thiệp quá sâu vào quản trị DN.

Đem hỏi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một cổ đông lớn nhất trong DN và là đại diện phần vốn nhà nước, liệu SCIC có thể can thiệp thay đổi phương thức bán nhà tại DN nhằm tối đa hóa lợi nhuận, bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT SCIC cho biết: “Việc này hãy để ban lãnh đạo DN quyết định”. Nói như vậy không có nghĩa SCIC không quan tâm tới quyền lợi của cổ đông Nhà nước, nhưng để thay đổi ngay một cung cách, một phương thức kinh doanh đã có hàng chục năm thì cần phải có thời gian.

Khi cơn sốt BĐS tăng nhiệt, có dự án tại Hà Nội chỉ có 700 căn hộ nhưng đơn đăng ký mua (dù không công bố rộng rãi) lên tới 7.000, chỉ cần sang nhượng suất mua thôi, người ta đã kiếm lời hàng tỷ đồng/căn hộ. Lợi như vậy nên dễ nhận thấy, nếu không minh bạch việc bán nhà, cổ đông thắc mắc và bức xúc là điều dễ hiểu. Đối với DN, họ có cái khó và thậm chí có cả những chuyện “nhạy cảm” khi quyết định, xem xét từng lá đơn. Tuy nhiên, khi đã trở thành công ty đại chúng, DN hãy công khai và minh bạch đến mức tối đa (có thể), chí ít cũng là công bố phương thức bán nhà một cách rộng rãi  Có như vậy, cổ đông mới bớt xì xào “bán rẻ tài sản công ty”.