Cổ đông DVD “chết đứng” vì nguy cơ mất trắng

Cổ đông DVD “chết đứng” vì nguy cơ mất trắng

(ĐTCK-online) Chết lặng, giận giữ, bất lực, có cảm giác bị lừa… là những gì NĐT chia sẻ với Báo ĐTCK kèm theo một câu hỏi chung: khi CTCP dược phẩm Viễn Đông (DVD) phá sản, số cổ phiếu họ đang nắm giữ có còn giá trị gì, nếu không thì có cách nào để cổ đông bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ!?

Những người đang nắm giữ cổ phiếu DVD thực sự chết lặng khi ngày 30/8, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thông báo ngày giao dịch cuối cùng cổ phiếu DVD là 1/9 và ngày 5/9 sẽ chính thức huỷ niêm yết. Trước đó, NĐT cũng đã hơn một lần "chết đứng" khi Toà án ra quyết định cho phép mở thủ tục phá sản đối với DVD theo đơn của chủ nợ là Ngân hàng ANZ. Sự việc diễn tiến quá đột ngột, khiến cổ đông không kịp xoay xở. Nếu NĐT có kịp trở tay thì chỉ là động tác đẩy hàng sang tay những NĐT cũng tội nghiệp như họ. Một điều có lẽ không mấy NĐT nào muốn, bởi cái họ mong đợi là cách hành xử có trách nhiệm hơn của DVD, cũng như cơ quan quản lý trước khi sự việc đi đến tình trạng bi bét như hiện tại.

DVD có chuyện, đương nhiên họ không dại gì "vạch áo cho người xem lưng", nên điều NĐT bức xúc là cơ quan quản lý đã thiếu mạnh tay khi xử lý các vi phạm về công bố thông tin của DVD, đẩy NĐT vào nguy cơ trắng tay như hiện nay. Một NĐT đang sở hữu 20.000 cổ phiếu DVD không giấu được vẻ lo lắng khi hỏi: nếu DVD phá sản, liệu Công ty có còn tiền trả nợ cho cổ đông hiệu hữu khi họ là những người thụ hưởng tài sản sau cùng?

NĐT trên bức xúc, cuối tháng 11/2010, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông báo về việc ông Lê Văn Dũng, khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố bắt giam để điều tra về hành vi thao túng giá chứng khoán, tiếp đó là HOSE đưa cổ phiếu DVD vào diện cảnh báo, bẵng đi một thời gian sau đó, gần như không có thông tin phản ánh xác thực về tình hình hoạt động của DVD, nên cổ phiếu này vẫn được giao dịch như không có chuyện gì xảy ra. Đầu tháng 12/2010, nghĩa là sau thời điểm ông Dũng bị bắt không lâu cho đến đầu năm 2011, cổ phiếu DVD vẫn được giao dịch với giá trên dưới 4 "chấm" kèm theo khối lượng khá cao, mà không hề có bất cứ cảnh báo nào từ phía cơ quan quản lý. Thậm chí, lúc đó có người tỏ ý ngạc nhiên khi việc bắt giam một loạt cán bộ chủ chốt của DVD chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động của Công ty, bởi giá cổ phiếu vẫn tăng đều, thậm chí không ít phiên tăng trần…?

"Chính diễn biến trên, cộng với tâm lý ‘hay quên’ của thị trường đã hút NĐT lao vào giao dịch cổ phiếu DVD, nên mới khiến họ sập bẫy như hiện tại. Điều tệ hại nhất là biết mất tiền mà chẳng thể làm gì để vớt vát. Phải chi kể từ khi phát hiện DVD làm ăn gian dối, cùng với việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, UBCK có biện pháp buộc DVD mua lại toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành, thì đã giúp NĐT đâu phải trắng tay như bây giờ. Tôi thực sự mất niềm tin vào thị trường..", NĐT trên chua chát.

Cũng trong cảm giác bị lừa, một cổ đông đang sở hữu 12.000 cổ phiếu DVD cho biết: "Tôi và vài người bạn nắm giữ cổ phiếu DVD đang rất sốc. Rủi ro này chưa có tiền lệ trên TTCK Việt Nam và ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Không thể tin là bị mất tiền kiểu này. Nếu những lổ hổng tương tự không được cơ quan quản lý khắc phục, thì niềm tin của NĐT vào thị trường sẽ còn bị sứt mẻ nhiều hơn".

Giải đáp câu hỏi mà nhiều NĐT đang nắm giữ cổ phiếu DVD quan tâm là họ có còn chút hy vọng thu nợ nào không, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật ngân hàng, chứng khoán và đầu tư, cho biết, theo quy định của pháp luật về phá sản, cổ đông hiệu hữu rất ít có cơ hội được trả nợ, bởi họ là đối tượng cuối cùng được thanh toán sau khi DVD trả hết khoản nợ khá lớn cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo.

Ông Hải phân tích thêm, trong trường hợp DVD có thể thanh toán được nợ, thì Toà án sẽ tuyên phục hồi hoạt động sản xuất cho Công ty, khi đó cổ đông còn chút hy vọng. Tuy nhiên, nếu DVD không thể trả nợ (khả năng này cao hơn), thì Toà án sẽ ra quyết định thanh lý tài sản. Kể từ khi ra quyết định này đến thời điểm Toà án tuyên bố DVD phá sản, thì Toà án phải đưa ra quyết định với đầy đủ cơ sở chứng minh DN không thể hoạt động, không còn tài sản gì. Thực tế áp dụng pháp luật về pháp sản cho thấy, Toà án rất ngại đưa ra quyết định này, mà thường yêu cầu DN phải giải quyết hết các khoản nợ trước khi Toà chính thức tuyên DN phá sản. Vì thực tế này nên nhiều khả năng DVD sẽ rơi vào cảnh sống lay lắt kéo dài, chứ không dễ phá sản sớm. Dù DVD phá sản theo kịch bản nào đi nữa, thì cổ đông hiệu hữu vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất do hy vọng được trả nợ gần như không còn.