Còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn với kinh tế Việt Nam

“Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến những tiến bộ tuyệt vời trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sau gia nhập WTO. Liên minh châu Âu (EU) luôn ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO nhưng khi mục tiêu đã được hoàn thành, vẫn còn có những nguy cơ tiềm tàng đối với tính phát triển bền vững”.

Tiến sĩ Markus Cornaro, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã cho biết như vậy tại buổi họp báo công bố “Cuốn sách xanh” - Báo cáo phân tích về môi trường kinh doanh và những phát triển tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2006, tổ chức tại Hà Nội, sáng 29/5.

Cuốn sách là tập hợp báo cáo của nhóm các Tham tán thương mại EU, bao gồm các phân tích dựa trên các số liệu thống kê, đồng thời nêu rõ những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế của mình cũng như những gợi ý, đề xuất cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, cho các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Dễ bị tổn thương

Báo cáo đưa ra những cảnh báo về sự thiếu tính đa dạng trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, hiện tại tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như: dệt may và may mặc, giày da, hải sản, cà phê và đồ gỗ. Điều này làm cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu khó được bảo vệ cho đến bị biến động.

Cụ thể, dệt may - một trong những thế mạnh của Việt Nam - không những đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu những nguyên liệu thô. Tình hình tương tự cũng diễn ra trong ngành giày dép, một tỉ lệ phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc tới 85% nguyện liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

“Nó cũng thể hiện một sự dễ tổn thương của ngành công nghiệp này khi xuất khẩu sang các thị trường khác, tiêu biểu nhất và vụ kiện chống bán phá giá của EC với mức thuế áp đặt cho năm ngoái”, ông Cornaro nói.

Với vị thế là đối tác thương mại và nhà cung cấp viện trợ ODA lớn nhất thế giới, EU-27 hiện đã trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều hàng hoá Việt Nam . Năm 2006, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba trong trao đổi mậu dịch hai chiều với Việt Nam , đứng sát ngay sau Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam , tổng khối lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam với EU đạt khoảng 9,87 tỉ USD so với 10,4 tỉ USD của Trung quốc và 9,93 tỉ USD của Nhật Bản.

Ngành thủy sản, xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong năm 2006 tăng 7%, nhưng “Cuốn sách xanh” cũng đang đặt câu hỏi về tính bền vững của ngành này xét tới năng lực sản xuất, năng lực xác định và loại trừ những tồn dư hoá chất có hại cho sức khoẻ, thương hiệu của chính ngành này của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sự thách thức không nhỏ cũng đang tồn tại đối với ngành nông lương của Việt Nam khi tỉ lệ cà phê Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trong những năm vừa qua tăng trưởng 9% và với kim ngạch là 610 triệu Euro, nhưng ngành này của Việt Nam cũng phải đối mặt với việc hạn chế về chế biến trong tất cả các giai đoạn sau khi thu hoạch và khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm. Điều này rất cần đặt ra khi Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính.

Sự “dễ tổn thương” cũng diễn ra tương tự tại các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam như: năng lượng, viễn thông, tài chính... xét về giá cả, công nghệ, về khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội...

Tăng cường chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu

Trước những thực tế trên, báo cáo đã đưa ra những gợi ý giúp Việt Nam giảm bớt tính phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguyên liệu thô và sự biến động giá cả là tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao và đẩy mạnh thương hiệu bằng cách cải thiện vấn đề bảo vệ bản quyền.

"Để giảm bớt sự phụ thuộc và dễ thay đổi của môi trường bên ngoài, các nhà sản xuất của VN cần lưu ý hai điều rất quan trọng là dịch chuyển lên thang giá trị cao hơn trong quá trình sản xuất, bao gồm cả việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, và xây dựng thương hiệu mạnh tại nước ngoài, bởi rất nhiều sản phẩm của VN được xuất khẩu ra người ngoài nhưng người ta lại không biết có phải do VN sản xuất hay không", ông Cornaro nhấn mạnh.

Hiện nay EU quan tâm nhiều nhất tới mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam và đã có những phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản (Nafiqaved) trong việc thiết lập nên một hệ thống đăng kí về mặt chất lượng, đăng kí về mặt tiêu chuẩn và quy trình sản xuất cho những nhà xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam.

TS.Cornaro cũng cho hay, “Trong suốt nhiệm kì làm đại sứ của tôi tại đây, 3-4 năm qua, tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng rất lớn của những công ty Việt Nam tham gia vào hệ thống này, khoảng 200 công ty và chúng tôi dựa trên những hệ thống này trao đổi với những đoàn điều tra về lĩnh vực thú y, bảo vệ sức khoẻ con người với những chuyến viếng thăm định kì”.

Bên cạnh mặt hàng thuỷ sản, mật ong là sản phẩm thứ hai của Việt Nam mà EU quan tâm tới. Nhà tiêu dùng châu Âu rất quan tâm tới việc mật ong của Việt Nam cần phải được sản xuất và thu lượm đúng theo tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của EU.

“Chúng tôi nhận biết rằng, mật ong cũng là một sản phẩm có một vai trò khá chú ý trong việc cải thiện đời sống của chính những người nông dân Việt Nam tại khu vực nông thôn. Đó là lý do tại sao chúng tôi quan tâm tới việc nâng cao năng lực, đồng thời xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm, thay vì ngay lập tức nghĩ đến việc trừ phạt hoặc hạn chế xuất khẩu từ Việt Nam”, TS.Cornaro nhấn mạnh.