Muốn mua hàng mới, nhiều NĐT buộc phải bán bớt cổ phiếu đang sở hữu.

Muốn mua hàng mới, nhiều NĐT buộc phải bán bớt cổ phiếu đang sở hữu.

Cung hàng ồ ạt, cầu cần “cú hích”

(ĐTCK-online) Những phiên giao dịch gần đây, NĐT rỉ rả câu chuyện cung hàng trên thị trường tới đây có thể bội thực, bởi một loạt doanh nghiệp sẽ thực hiện tăng vốn trong quý I này. Trong khi đó, hàng chục công ty đã có kế hoạch chào sàn trong cùng thời điểm càng làm gánh nặng kim tiền thêm sức ép, chỉ riêng xoay tiền để mua cổ phần phát hành thêm, NĐT nhỏ cũng phát oải.

Trong bối cảnh này, NĐT chuyên nghiệp chẳng vội gì giải ngân, mà chờ thị trường xuống thấp nữa để có giá "ngon ăn" hơn. Thị trường đang vang lên mong muốn, chờ đợi giải pháp kích cầu.


Sức cung: Dồi dào

Trong một động thái khác, các ngân hàng đã và đang khẩn trương tăng vốn. Có lẽ vì "khẩn trương" nên theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), gần 10 ngân hàng cổ phần đã vi phạm quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng với những lỗi từ phát hành không báo cáo đến phát hành không đúng nghị quyết ĐHCĐ. Những vi phạm này sẽ bị xử phạt, tuy nhiên nếu UBCK phạt tiền thì theo một văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại cổ phần khi bị phạt từ 5 triệu đồng trở lên liên quan đến an toàn tín dụng sẽ không được mở chi nhánh, tăng vốn. Chính vì quy định này mà trong thời gian qua, việc xử phạt ngân hàng vi phạm hầu như án binh bất động và thường chỉ ở mức cảnh cáo.

Mới đây, UBCK và NHNN đã thống nhất việc xử phạt trên không liên quan đến an toàn tín dụng, điều này có nghĩa, UBCK cứ phạt "thẳng tay" và ngân hàng cổ phần nếu đủ điều kiện vẫn có thể tăng vốn theo kế hoạch. Tính sơ sơ, 10 ngân hàng này sẽ tăng vốn thêm 4.000 tỷ đồng mệnh giá, tính theo giá phát hành vào khoảng 8.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng 10 ngân hàng đã hút một lượng vốn như vậy, còn các doanh nghiệp khác thì sao? Tổng giám đốc một CTCK lớn dự đoán, để hấp thụ hết lượng cổ phiếu phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp trong quý I này, NĐT cần bỏ ra 64.000 tỷ đồng. Nếu như trước đây, doanh nghiệp tăng vốn, chia thưởng là NĐT hào hứng, còn hiện nay, chỉ xoay tiền để mua cổ phần phát hành thêm NĐT đã toát mồ hôi, nói gì tới đầu tư vào cổ phiếu mới!

Trong khi đó, lượng hàng mới trên sàn cũng không hề khiêm tốn. Tại HOSE, hiện có trên 20 doanh nghiệp với quy mô vốn trung bình khoảng 100 tỷ đồng/doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết. Còn tại HASTC, trong tổng số 75 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin niêm yết trong năm 2007, đã có 28 công ty được cấp phép (tính đến ngày 26/12/2007) để chào sàn trong thời gian tới, 8 doanh nghiệp được chấp thuận về nguyên tắc, số còn lại đang tiếp tục được xét duyệt. Muốn mua hàng mới, nhiều NĐT sẽ buộc phải bán bớt cổ phiếu đang sở hữu. Nếu sức cầu của thị trường yếu thì khả năng này khó có thể thực hiện, ngoại trừ phải "bán rẻ, bán đổ".

Sức cầu: Chờ đợi

Một điều dễ nhận thấy là lượng cung hàng hóa sẽ rất lớn trong khi sức mua hiện đang yếu, làm mất cân bằng thị trường. Thực tế, một số đại gia trên sàn đang rút dần vốn nằm im hoặc đổ sang nhà đất. Một NĐT kỳ cựu cho biết, bà vừa đặt cọc mua lô đất trị giá 15 tỷ đồng tại khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, hiện đã có người trả giá 16 tỷ đồng. Cũng có những NĐT dư dả đang thực hiện hoạt động mua vào, song tín hiệu nâng đỡ từ nguồn vốn của NĐT chuyên nghiệp (cả cá nhân lẫn tổ chức) chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tin tưởng cơ hội ở phía trước, một trong những bằng chứng là các quỹ mới thành lập vẫn có khả năng huy động vốn khá dễ dàng. Ngoài ra, vai trò của kênh dẫn vốn dài hạn đối với nền kinh tế đã được nhìn nhận và trong phiên mở hàng năm 2008 tại sàn Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, nhu cầu về vốn là rất lớn. Chính vì vậy, việc phát triển các thể chế thị trường, trong đó có thị trường vốn, TTCK đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Cơ quan quản lý phải đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai. Ở góc độ của mình, UBCK cũng đã trình Chính phủ một loạt giải pháp kích cầu, khi được phê chuẩn sẽ sớm công bố để thị trường biết.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng UBCK là không đủ. Sự liên thông giữa TTCK, thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản hiện đã khá rõ ràng. Thực tế các nước cho thấy, cần phải có những chính sách để điều khiển luồng vốn chảy vào những nơi cần thiết, có lợi cho nền kinh tế. Được biết, Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý thị trường bất động cũng đã lên tiếng và có văn bản đề xuất kiểm soát hoạt động đầu cơ đất đai, đánh thuế diện tích bất động sản để không áp thuế kinh doanh bất động sản cao... nhằm điều chỉnh dòng vốn nhàn rỗi đi vào sản xuất, kinh doanh vào TTCK.         

Cuối tháng 12/2007, hai đại gia trong lĩnh vực rượu bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có quyết định thực hiện IPO. Sabeco có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng, sẽ bán đấu giá công khai 20% vốn điều lệ, giá khởi điểm là 70.000 đồng/cổ phần, tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vào ngày 28/1. Còn Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, bán đấu giá 15% vốn điều lệ, giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phần, tại TTGDCK Hà Nội (HASTC). Như vậy, riêng hai đợt IPO này, lượng hàng đã lên tới hơn 162 triệu cổ phần. Đáng nói là số cổ phần này tung ra đúng thời điểm nguồn vốn của NĐT đang có dấu hiệu khan hiếm và thời điểm nộp tiền mua cổ phần Vietcombank, ước tính khoảng 10.517 tỷ đồng tính theo giá bình quân đang cận kề (trước ngày 23/1).