Đa dạng hoá loại hình DN

Đa dạng hoá loại hình DN

(ĐTCK-online) Những quyền lợi khá rõ ràng của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) khi thực hiện đăng lý lại, tổ chức quản lý, hoạt động theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP về đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các DN ĐTNN theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư vẫn chưa phát huy được đầy đủ hiệu lực như mong đợi.

Thực tế cho thấy, sau một năm thực hiện, số lượng DN ĐTNN đăng ký lại cũng như chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần (CTCP) ở các địa phương còn hạn chế. Trong tổng số 105 dự án đang hoạt động tại Đà Nẵng, chỉ có Khách sạn Furama đã hoàn thành thủ tục chuyển sang hình thức CTCP và 3 DN thực hiện đăng ký lại. Tương tự, Bắc Ninh cũng có 1 trong tổng số 70 dự án ĐTNN thực hiện chuyển đổi và 4 DN thực hiện đăng ký lại. Không những chuyển đổi mà cả số DN ĐTNN đăng ký mới theo hình thức CTCP theo Luật Đầu tư, Luật DN năm 2005 cũng nằm trong tình trạng hiếm hoi.

Có lẽ về vấn đề quyền lợi thì hầu như không có gì nhiều để bàn cãi, bởi Nghị định 101/2006/NĐ-CP đã quy định rõ về quy trình, thủ tục và đặc biệt là quyền lợi của các DN ĐTNN sau khi thực hiện đăng ký lại hay chuyển đổi loại hình DN. Cơ hội mở ra cho họ là rất lớn khi các nhà đầu tư được quyền mở rộng ngành, nghề kinh doanh, đa đạng hoá loại hình DN, có điều kiện thuận lợi hơn để huy động vốn,  cũng như không bị giới hạn về thời hạn kinh doanh, điều mà trước đây theo Luật ĐTNN họ chưa có được.

Không những thế, theo Điều 14, Nghị định 101/2006/NĐ-CP, DN chuyển đổi được kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, được tiếp tục hưởng các ưu đãi đầu tư ghi trong Giấy phép đầu tư đối với dự án đầu tư đã được cấp phép nếu các nhà ĐTNN nắm giữ không thấp hơn 30% vốn điều lệ...

 Song, nếu đứng từ góc độ các nhà ĐTNN, dường như sức hấp dẫn của các quyền lợi này lại chưa đủ nặng cân. Nhiều DN tỏ ra lo ngại về những phức tạp khi thay đổi tổ chức bộ máy DN theo Luật DN, đặc biệt là khi các DN 100% vốn nước ngoài trước đây được tự tổ chức cơ cấu bộ máy của mình, còn các DN liên doanh thì rất khó tạo được sự đồng thuận của các đối tác khi chuyển đổi.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật AIC nhận xét, hiện tại, việc đăng ký lại không tạo được sự khác biệt đáng kể cho nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh, trong khi đó, những xáo trộn đương nhiên sẽ xảy ra khi tiến hành các thủ tục hành chính bắt buộc.

Còn Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự cũng phân tích rằng, các chiến lược kinh doanh của các nhà ĐTNN, nhất là các DN lớn, đã được tính toán rất kỹ lưỡng và thường họ đã cố gắng đạt được khi có Giấy phép đầu tư. “Đối với các DN này, nếu như không có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, họ không muốn có sự xáo trộn, thay đổi nào về cấu trúc DN. Đặc biệt, các công ty con của các tập đoàn lớn sẽ buộc phải tuân thủ các quy trình lấy ý kiến của công ty mẹ về vấn đề này”, ông Quang nói.

Riêng đối với các công ty liên doanh, vấn đề khá phức tạp khi thường các bên thiểu số không muốn có sự thay đổi, bởi điều này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề phải đàm phán lại những nội dung mà trước đây các đối tác thường đã phải mất nhiều thời gian mới có được sự thống nhất.

Luật sư Lê Thanh Sơn cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các DN ĐTNN chưa quan tâm đăng ký lại là do Luật Đầu tư và Luật DN cho phép các DN được quyền chọn một trong hai phương án đăng ký lại, chuyển đổi hoặc không đăng ký lại chuyển đổi. Điều này khó tạo nên động lực để các DN này tiến hành các thủ tục đăng ký lại, chuyển đổi...

Hình thức thành lập mới công ty cổ phần, vốn được dự tính rằng, sẽ rất hấp dẫn các DN ĐTNN khi mở ra kênh huy động vốn lớn cho các DN này, cũng chưa được đón nhận một cách hồ hởi. Ông Vũ Văn Kiền, Phó trưởng phòng Đầu tư và Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tây) cho biết, số hồ sơ đăng ký mới theo hình thức CTCP của các nhà ĐTNN rất ít nếu so với loại hình công ty TNHH và cũng không có nhiều DN đến hỏi về loại hình DN này. Một số nhà đầu tư cho biết, họ vẫn chưa cảm thấy yên tâm với những bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển của loại hình DN này ở Việt Nam, nhất là khi sự khống chế về quy mô sở hữu vốn ĐTNN ở nhiều ngành, nghề vẫn chưa cụ thể.

Về mặt nào đó thì có lẽ việc giữ nguyên hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn cũng là dấu hiệu tích cực, cho thấy các nhà đầu tư thực sự chú tâm vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo các dự án đầu tư trực tiếp của mình. Điều này cũng sẽ giảm thiểu những lo ngại về khả năng rút vốn ồ ạt khi có những bất ổn xảy ra trên thị trường tài chính - tiền tệ. Tuy nhiên, chủ trương chuyển đổi và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập CTCP là một bước tiến mới trong hệ thống pháp luật về đầu tư của nước ta; sau một năm thực hiện cần có khảo sát đánh giá thực tế để tiếp tục hoàn chỉnh các quy định.