Dây chuyền kéo sợi Nhà máy sợi Thiên Nam II.

Dây chuyền kéo sợi Nhà máy sợi Thiên Nam II.

Đầu tư thời USD mất giá

Công ty ITG Phong Phú đang bán hồ sơ thầu dự án đầu tư thiết bị máy dệt của châu Âu để sản xuất các sản phẩm cao cấp xuất khẩu cho tập đoàn ITG hàng đầu của Hoa Kỳ. Thế nhưng định hướng này có thể sẽ gặp khó khăn khi giá đồng USD mất giá so với đồng EURO trầm trọng.

Bài toán tỷ giá

 

Ông Trần Gia Huyến, đại diện tập đoàn chế tạo thiết bị máy dệt Picanol của Bỉ tại Việt Nam, cho biết Picanol muốn trở thành nhà cung cấp thiết bị cho dự án của ITG Phong Phú. ITG hiện sở hữu công ty con Burlington Worldwide, là một tập đoàn lớn sản xuất và phân phối sản phẩm ngành dệt may tại Hoa Kỳ và thế giới.

 

Burlington đang nắm bí quyết công nghệ xử lý vải cotton cho ra sản phẩm có chất lượng cao với công nghệ xử lý có thể tạo ra 3-4 loại vải khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu thiết kế các loại thời trang.

 

Việc sử dụng máy dệt của Picanol sẽ mang lại nhiều lợi thế cho cả hai bên. Nhưng với tỷ giá như hiện nay giữa đồng EURO với đồng USD, cơ may cho Picanol bán thiết bị rất thấp. Theo thông lệ, các doanh nghiệp thường thanh toán bằng tỷ giá đồng USD, khiến các thiết bị hiện đại của châu Âu mất lợi thế.

 

Ông Đặng Vũ Hùng, phụ trách dự án đầu tư ITG Phong Phú, cho biết ITG Phong Phú đang phải tính toán bài toán hiệu quả, khả năng thu hồi vốn của dự án. Trong bài toán đầu tư này, ITG Phong Phú vẫn thực hiện quy trình khi chấm thầu là chất lượng thiết bị ưu tiên số một, sau đó mới đến giá cả.

 

Vì vậy, theo mặt bằng giá hiện nay, chất lượng máy dệt của châu Âu có tính năng kỹ thuật cao nhất nhưng về giá lại … quá hớp! Trong khi đó máy dệt của Nhật Bản có chất lượng cũng không thua kém nhưng giá có thể thấp hơn khá nhiều.

 

Ông Hùng đưa ra con số so sánh: Về chất lượng, máy châu Âu 10 điểm thì máy của Nhật Bản cũng đạt 7-8 điểm. Về giá, máy dệt của Nhật Bản giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 50%-70% máy của châu Âu. Vì thế, trong vòng chấm điểm phần kỹ thuật, máy châu Âu vẫn được chọn vào để vòng trong. Tuy nhiên khi tính toán khả năng thanh toán thì các công ty rất phân vân, chưa biết nhập hàng của đơn vị nào.

 

Thận trọng lựa chọn ngoại tệ thanh toán

 

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn còn nhớ bài học của Dệt Nam Định cả chục năm trước đây, khi đơn vị này đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị đã chọn máy Nhật Bản. Ngay sau khi sau khi ký hợp đồng, giá đồng yên đột ngột tăng cao gấp 3 lần, đẩy giá trị hợp đồng tăng thêm hàng triệu USD vào thời điểm bắt đầu trả vốn và lãi.

 

Áp lực này cùng với năng lực quản lý kém đã khiến Dệt Nam Định không thể cạnh tranh và rơi vào vòng xoáy phá sản. Ngay cả Dệt Thành Công, dù có nhiều kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, mấy năm trước đây khi đầu tư nhà máy sợi theo công nghệ của Nhật Bản, cũng gặp trường hợp tương tự, khi ký hợp đồng tính giá mua máy bằng đồng yên. Sau đó đồng yên tăng giá, giá trị đầu tư của nhà máy tăng cao, trong khi đó thị trường xuất khẩu lại gặp khó khăn, đã khiến Thành Công lao đao một thời gian dài.

 

Mới đây, Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã động thổ xây dựng Nhà máy bia Quảng Ngãi có công suất giai đoạn 1 là 100 triệu lít/năm. Tổng vốn đầu tư dự án này là 36 triệu EURO và 320 tỷ đồng Việt Nam . Nhưng đến nay, khi đồng EURO tăng giá so với đồng USD và sự trượt giá của đồng tiền Việt Nam , trị giá của dự án có khả năng tăng tới gần 30%.

 

Vì thế, vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng nên cân nhắc lựa chọn thiết bị công nghệ cùng với giá mua, nên quy đổi về loại ngoại tệ có tỷ giá tương đối ổn định, tránh thiệt hại trong trường hợp thị trường ngoại tệ tăng giảm bất thường.