Điều lệ mẫu, càng mổ xẻ càng… sai?

Sau bài viết : “Rắc rối Điều lệ mẫu”, đăng tải trên ĐTCK số 31 phản ánh ý kiến của luật sư Lê Thanh Sơn, điều hành Công ty Luật AIC về nội dung của Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết, ĐTCK tiếp tục nhận được ý kiến của luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQUANG & Cộng sự về vấn đề này.

Theo ông Quang, việc ban hành Điều lệ mẫu để hướng dẫn các DN cách soạn thảo điều lệ là cần thiết trong bối cảnh nhiều DN Việt Nam chưa biết cách lập điều lệ cũng như coi trọng điều lệ. Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã có riêng một điều (Điều 22) quy định những nội dung cơ bản của điều lệ DN. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định, những nội dung khác ngoài những nội dung cơ bản do Luật quy định  thì sẽ do thành viên, cổ đông quyết định và DN có quyền tự chủ quyết định công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ. Do đó, Điều lệ mẫu do các cơ quan nhà nước hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp chỉ mang tính “khuyến khích áp dụng” hoặc là “mô hình tham khảo” chứ không thể là “bắt buộc áp dụng”. Bởi nếu không thì Điều lệ mẫu sẽ là mô hình cứng nhắc và không phù hợp với mọi DN. Nó cũng sẽ có thể khó được thực thi một cách triệt để vì không được xây dựng trên cơ sở của sự tự chủ của DN và đồng thuận của các thành viên cổ đông.

Lập luận trên được củng cố bởi một thực tế rằng, khi Điều lệ mẫu được ban hành và “bắt buộc áp dụng” thì các quy định của Điều lệ mẫu sẽ được coi là quy định pháp luật. Mọi hành vi sửa đổi Điều lệ mẫu sẽ bị coi là trái luật. Các phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan tài phán sẽ coi những quy định tự thoả thuận của điều lệ mà khác với quy định mẫu là trái luật thì vấn đề là một trở ngại lớn cho các DN trong quá trình đăng ký kinh doanh và hoạt động DN. Cụ thể, những DN đang hoạt động (DN niêm yết) lại phải đăng ký lại điều lệ của mình nếu quy định của nó trái với Điều lệ mẫu. Sự tốn kém chi phí về đăng ký lại, tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) để phê duyệt lại điều lệ và những khó khăn khác chắc chắn sẽ xảy ra.

Ngoài những vấn đề trên, ông Quang cho rằng, Điều lệ mẫu còn một số “lỗi” sau:

Thứ nhất, đối với việc bầu thành viên HĐQT, Điều lệ mẫu đã “quên” không quy định về thủ tục và cơ chế “bầu thành viên HĐQT” mà chỉ có cơ chế “đề cử” và “miễn nhiệm”, trong khi cơ chế bầu thành viên HĐQT theo Luật Doanh nghiệp 2005 theo nguyên tắc “bầu dồn phiếu” là hoàn toàn mới và không phải ai cũng có thể hiểu và áp dụng được ngay. Do đó, nhiều DN đã phải diễn giải quy định này trong điều lệ để cho cổ đông và những quản lý công ty hiểu và biết cách áp dụng.

Thứ hai, Điều 16 của Điều lệ mẫu quy định việc thông qua quyết định của ĐHCĐ về việc thay đổi hay huỷ bỏ các quyền đặc biệt gắn liền với từng loại cổ phần sẽ chỉ được thông qua khi có sự nhất trí bằng văn bản của những người nắm giữ ít nhất “75% quyền biểu quyết của cổ phần đã phát hành loại đó” là trái Luật Doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chỉ cần “ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận hoặc 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận trong một số trường hợp cụ thể” là có thể  thông qua.

Thứ ba, HĐQT không thể thông qua con dấu chính thức của DN được (Điều 49), bởi lẽ, theo quy định tại Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu thì chỉ có Bộ Công an mới có thẩm quyền quy định về mẫu của con dấu.

Thứ tư, ngôn ngữ của nhiều quy định trong Điều lệ mẫu không rõ ràng, dễ hiểu, vì cấu trúc ngữ pháp được dùng ở thể “bị động” theo lối văn phong của nước ngoài, không phải ở thể “chủ động” của văn phong pháp lý Việt Nam.

Thứ năm, Luật Doanh nghiệp quy định: “HĐQT có không ít hơn 3 thành viên, không quá 11 thành viên”, Điều lệ mẫu tự bó hẹp quyền của DN so với Luật Doanh nghiệp thông qua quy định: “Số lượng thành viên Hội đồng quản trị ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 11 người”.

Thứ sáu, Điều lệ mẫu ấn định: “Trường hợp không có đủ số lượng đại biểu cần thiết trong vòng 30 phút kể từ thời điểm ấn định khai mạc Đại hội, Đại hội phải được triệu tập lại trong vòng 30 ngày” (Điều 18). Việc này rất khó thực thi trên thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt đối với những DN mà số cổ đông lên tới hàng trăm người.