Điều lệ mẫu - sự tiến bộ hay rối rắm?

Sau 2 bài viết “Rắc rối Điều lệ mẫu – ĐLM - cho công ty niêm yết” (đăng trên ĐTCK số 31, ngày 16/04/2007) và “ĐLM, càng mổ xẻ càng …rối” (đăng trên ĐTCK số 32, ngày 19/04/2007) phản ánh 2 ý kiến của Luật sư Lê Thanh Sơn, điều hành Công ty Luật AIC và Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQUANG & Cộng sự liên quan đến ĐLM (ĐLM) được Bộ Tài chính ban hành theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC, ĐTCK đã nhận được Công văn số 82/UBCK ngày 4/05/2007 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giải thích về những vấn đề mà 2 bài viết đề cập.

 

Để rộng đường dư luận, ĐTCK xin trích tóm tắt ý kiến của UBCK (được đăng tải trên www.ssc.gov.vn) và ý kiến của một số luật sư về cùng vấn đề.

 

Ý kiến của UBCK

 

Thứ nhất, về ý kiến “ĐLM là mô hình cứng nhắc và không phù hợp với mọi DN. ĐLM không có quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị”: theo Điều 1, Quyết định 15/2007/QĐ-BTC quy định đối tượng áp dụng ĐLM chỉ bao gồm các công ty niêm yết chứ không phải áp dụng chung cho các DN theo Luật Doanh nghiệp như các tác giả hiểu. Quan điểm khi xây dựng ĐLM là chỉ quy định những nội dung tối thiểu chủ yếu liên quan đến quản trị công ty mà điều lệ các công ty niêm yết phải đưa vào và không hàm ý cấm các công ty niêm yết đưa ra những quy định khác hay quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị. Như vậy, các công ty niêm yết hoàn toàn có thể quy định thêm những vấn đề khác, bao gồm vấn đề tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị trong công ty phù hợp với pháp luật và điều kiện cụ thể của từng công ty.

 

Thứ 2, về ý kiến “Điều 16.1 của ĐLM quy định việc thông qua quyết định Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) về việc thay đổi hay hủy bỏ các quyền đặc biệt gắn liền với từng loại cổ phần chỉ được thông qua khi có sự nhất trí bằng văn bản của những người nắm giữ ít nhất 75% quyền biểu quyết của cổ phần đã phát hành loại đó là trái Luật DN (ĐTCK số 32) với lập luận theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều 104.3a và 104.3b”: Theo quy định tại Điều 16.1 tại ĐLM: “Các quyết định của ĐHCĐ về việc thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyền đặc biệt gắn liền với từng loại cổ phần sẽ chỉ được thông qua khi có sự nhất trí bằng văn bản của những người nắm giữ ít nhất 75% quyền biểu quyết của cổ phần đã phát hành loại đó”. Như vậy, đối tượng quy định của ĐLM ở đây là vấn đề “chia vốn cổ phần thành các loại cổ phần khác nhau và thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyền gắn liền với từng loại cổ phần”, đối tượng này Luật DN không đưa ra quy định cụ thể như tác giả bài viết đề cập. Hơn nữa, trong Luật DN khi quy định những vấn đề liên quan đến cổ phần và một số vấn đề khác quan trọng của công ty cũng quy định rất mở: “nếu Điều lệ công ty không quy định khác..., tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.

 

Thứ 3, về ý kiến ĐLM quy định việc triệu tập lại ĐHCĐ trong vòng 30 ngày là khó thực thi (ĐTCK số 32): Việc quy định thời hạn 30 ngày phải triệu tập họp lại này là theo Điều 102.2 Luật Doanh nghiệp.

 

 Thứ 4, về ý kiến ĐLM không có quy định về thủ tục và cơ chế bầu thành viên HĐQT (ĐTCK số 32): Điều lệ công ty chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của công ty, chứ không thể quy định được mọi vấn đề. Tuy nhiên, để đảm bảo các nguyên tắc quản trị công ty tốt, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu công ty niêm yết quy định cụ thể tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty.

 

Thứ 5, về ý kiến HĐQT không thể thông qua con dấu chính thức của doanh nghiệp được (Điều 49), bởi lẽ theo quy định tại Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu chỉ có Bộ Công an mới có thẩm quyền (Báo ĐTCK số 32): Theo Điều 49.1 tại ĐLM có quy định HĐQT quyết định thông qua con dấu chính thức của Công ty và con dấu được khắc theo quy định của luật pháp”, chúng tôi thấy không có điểm gì trái quy định pháp luật như tác giả hiểu.

 

Thứ 6, về ý kiến cho rằng câu từ trong ĐLM khó hiểu:  ĐLM là cơ sở để công ty niêm yết xây dựng Điều lệ công ty, vì vậy khi xây dựng ĐLM những nội dung cơ bản về tổ chức và hoạt động công ty, chúng tôi đều tiếp thu những nội dung đã được quy định trong Luật DN, chỉ những điểm liên quan đến quản trị công ty mà trong Luật DN chưa đề cập, thì chúng tôi mới đưa thêm vào. Bản thân Luật DN cũng như ĐLM đã thể hiện nhiều điểm mới về quản trị công ty qua học tập kinh nghiệm quốc tế mà chưa có thực tiễn ở Việt Nam , nên việc nhiều người đọc còn thấy khó hiểu là điều bình thường. Người đầu tư cần được trang bị kiến thức về pháp luật và kiến thức về quản trị doanh nghiệp thì mới hiểu được Điều lệ công ty và thực thi quyền hạn, trách nhiệm của mình.  

 

Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQUANG & Cộng sự

 

Thứ nhất, tôi rất mừng trước quan điểm của UBCK cho rằng Quyết định 15/2007/QĐ-BTC quy định đối tượng áp dụng ĐLM chỉ bao gồm các công ty niêm yết chứ không phải áp dụng chung cho các DN theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu nhận thức sớm hơn thì không nên ban hành thành quyết định. Bởi vì đã là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không dễ dàng trả lời ở bất kỳ đâu cho rằng, nội dung của quyết định là tuỳ nghi áp dụng. Bản thân trong Quyết định 15 quy định rất rõ là “các công ty niêm yết, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành” mà hoàn toàn không đề cập đến việc cho phép các công ty được thay đổi cho “phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể…”.

 

Thứ 2, liên quan đến họp ĐHCĐ, UBCK cần nhìn nhận rõ vấn đề liên quan đến tỷ lệ 65% do Luật Doanh nghiệp giới hạn và tỷ lệ 75% do ĐLM giới hạn, nếu ĐLM chỉ là để tham khảo thì không trái Luật Doanh nghiệp. Nhưng nếu ĐLM bắt buộc áp dụng thì trái Luật Doanh nghiệp.

 

Thứ 3, liên quan đến ý kiến “quy định thời hạn 30 ngày phải triệu tập họp lại này là theo Điều 102.2 Luật DN”, tôi nhận thấy hình như UBCK cố tình không hiểu là bài báo đề cập đến “30 phút mà không đủ số đại biểu”. Tuy nhiên cần nhận thấy rằng khả năng đọc tiếng Việt của người trả lời quá yếu. Đọc không nguyên câu và không biết phân biệt mệnh đề chính và mệnh đề phụ trong câu.

 

Thứ 4, về ý kiến ĐLM không có quy định về thủ tục và cơ chế bầu thành viên HĐQT, UBCK cho rằng Điều lệ công ty chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của công ty, chứ không thể quy định được mọi vấn đề và để đảm bảo các nguyên tắc quản trị công ty tốt, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu công ty niêm yết quy định cụ thể tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty. Tôi phân vân tại sao ĐLM lại không đưa vào khi biết các công ty niêm yết buộc phải áp dụng và tự hỏi tính hướng dẫn của ĐLM ở đâu?

 

Thứ 5, tôi thấy UBCK có vẻ nguỵ biện khi ấn vào tay doanh nghiệp Điều 49.1: “HĐQT sẽ quyết định thông qua con dấu chính thức của Công ty và con dấu được khắc theo quy định của luật pháp” và kết luận “không có điểm gì trái quy định pháp luật như tác giả hiểu”. Thử hỏi nếu HĐQT thông qua xong nhưng công an khắc dấu lại không đồng ý thì giải quyết thế nào và ngược lại?

 

Thứ 6, có thể coi phần giải thích của UBCK về ý kiến cho rằng “câu từ trong ĐLM là khó hiểu” như một sai lầm nghiêm trọng về nguyên tắc xây dựng luật pháp, nguyên tắc đó là minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu (nói cách khác để người bị pháp luật điều chỉnh dễ tiếp cận đến nội dung và ý nghĩa của điều luật). Những nỗ lực của UBCK và các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động của TTCK là nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai và khả năng thông hiểu mọi hoạt động trên TTCK của nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ, có kiến thức hay chưa có. Cách lập luận như trên đã làm ngược lại những nỗ lực đó. Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt giữa học tập nước ngoài và dịch tài liệu nước ngoài. Thực tế, học tập kiến thức hay dịch ngôn ngữ nước ngoài cần phải có khả năng chuyển đổi thích hợp với bối cảnh trong nước.

 

Lê Hồng Phúc, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Luật Việt tại Hà Nội

 

Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ban hành ĐLM áp dụng cho các công ty niêm yết ở góc độ nào đó phù hợp với bối cảnh ngày càng nhiều công ty cổ phần có kế hoạch niêm yết trên TTCK mà các bản điều lệ của các công ty này chưa được thống nhất. Dù mới được ban hành, ĐLM đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, khó khăn cho các công ty cổ phần được tổ chức và hoạt động theo ĐLM này đứng ở góp độ sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, thông lệ quốc tế về các chuẩn mực quản trị DN. Tôi xin tranh luận về 5 điểm:

 

1. Đại hội đồng cổ đông bị hạn chế quyền năng bởi Hội đồng quản trị: Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp thì Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của Công ty, vậy mà ĐLM đã hạn chế và tước bỏ quyền này của Đại hội đồng cổ đông mà cơ quan hạn chế quyền của Đại hội đồng cổ đông lại là Hội đồng quản trị - cơ quan dưới quyền của Đại hội đồng cổ đông. Theo Điều 40.1 của ĐLM, Đại hội đồng cổ đông có quyền công bố chi trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại của Công ty, nhưng không vượt quá mức do Hội đồng quản trị đề xuất sau khi đã tham khảo ý kiến của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông. Qui định này đã tạo cho Hội đồng quản trị một quyền lực cao hơn Đại hội đồng cổ đông và trái với qui định tại Điều 96.1 của Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần”.

 

2. Quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông bị hạn chế bởi Hội đồng quản trị: Theo qui định tại Điều 19.10 của ĐLM: Hội đồng quản trị có thể yêu cầu các cổ đông hoặc đại diện được uỷ quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông chịu sự kiểm tra hoặc các biện pháp an ninh mà Hội đồng quản trị cho là thích hợp. Trường hợp có cổ đông hoặc đại diện được uỷ quyền không chịu tuân thủ những quy định về kiểm tra hoặc các biện pháp an ninh nói trên, Hội đồng quản trị sau khi xem xét một cách cẩn trọng có thể  từ chối hoặc trục xuất cổ đông hoặc đại diện nói trên tham gia Đại hội. Qui định này hoàn toàn trái với Điều 79.1 (a) của Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền”. Theo qui định này thì rõ ràng không có cá nhân, tổ chức nào có quyền ngăn cản cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông. Vậy mà Điều 19.10 của ĐLM lại cho phép Hội đồng quản trị có quyền này.