Giảm, giãn thuế thu nhập DN, cứ theo luật mà làm!

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa có Thông tư 03/2009/TT-BTC hướng dẫn việc giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Đây được xem là việc làm cụ thể, kịp thời của Chính phủ hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Vấn đề là cách thức để thực hiện hưởng ưu đãi thuế ra sao?

Giảm, giãn ra sao?

Theo Thông tư 03, DN nhỏ và vừa (DNNVV) được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp quý IV/2008 và năm 2009. Có hai tiêu chí để DNNVV được giảm thuế. Một là có vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực trước ngày 1/1/2009 không quá 10 tỷ đồng; trường hợp DN thành lập mới kể từ ngày 1/1/2009 thì vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư lần đầu không quá 10 tỷ đồng. Thứ hai là DN có số lao động sử dụng bình quân trong quý IV/2008 không quá 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng; trường hợp DN thành lập mới kể từ ngày 1/10/2008 thì số lao động được trả lương, trả công của tháng đầu tiên (đủ 30 ngày) có doanh thu không quá 300 người.

Ngoài DNNVV, các DN có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử được gia hạn nộp thuế. Việc giảm thuế, gia hạn nộp thuế TNDN theo hướng dẫn tại thông tư này áp dụng đối với các DN đã thực hiện chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ và thực hiện đăng ký nộp thuế theo kê khai.

Đối với DNNVV, số thuế TNDN được giãn là số thuế TNDN tạm tính hàng quý năm 2009 sau khi đã được giảm thuế. Đối với DN có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, số thuế được giãn là số thuế TNDN tạm tính hàng quý năm 2009 đối với thu nhập từ các hoạt động này. Thời gian gia hạn nộp thuế là 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Cứ theo luật mà làm

Các tiêu chí lựa chọn là khá rõ ràng, nhưng DN cần làm những thủ tục gì để được hưởng ưu đãi thuế? Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Duy Khương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để hưởng ưu đãi thuế lần này các DN không phải thực hiện thủ tục gì phiền hà mà vẫn tự kê khai theo quy định của Luật Quản lý thuế. Nghĩa là, khi xác định mình thuộc đối tượng được ưu đãi thì tự kê khai giảm đi 30% so với trước.

Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, nhấn mạnh rằng, trong Thông tư 03 không quy định thêm bất cứ một loại giấy tờ nào để hưởng ưu đãi thuế. Các DN vẫn tiến hành việc kê khai như đã từng làm trước đây. Hiện nay, tùy vào từng trường hợp hưởng ưu đãi mà có thể khai giảm đi 30% và gia hạn thêm thời gian nộp thuế. Có một điều lưu ý các DN là khi kê khai thuế thì phải cam đoan thời hạn nộp thuế sau khi đã hết thời gian hưởng ân hạn. Theo quy định tại Thông tư 03, khi kê khai số thuế TNDN tạm nộp của quý IV/2008 và hàng quý năm 2009, DN tự xác định số thuế được tạm giảm bằng 30% số thuế tạm nộp của quý. Khi quyết toán thuế TNDN năm 2008 và năm 2009, DN tự xác định số thuế TNDN được giảm. Trường hợp DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì số thuế TNDN được giảm 30% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế TNDN được ưu đãi theo quy định.

Mặc dù đã có những tiêu chí tương đối rõ ràng và quy trình kê khai đã được quy định, nhưng vẫn có không ít băn khoăn từ các DN. Không phải DN nào, nhất là các DNNVV cũng có đủ năng lực để tự kê khai, tự tính ra số thuế ưu đãi, mà phải nhờ đến cơ quan thuế. Và đó có thể là kẽ hở để phát sinh tiêu cực trong việc xác định số thuế phải nộp sau khi miễn giảm.

Dẫu sao, việc miễn giảm thuế cũng là động thái hỗ trợ hữu hiệu của Nhà nước đối với khối DNNVV, cũng như khuyến khích các DN thành lập mới, các hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo mô hình DN để được hưởng ưu đãi thuế. Vậy nhưng, có một thực tế hiện nay là nhiều DN đang đứng trước thách thức duy trì hoạt động, chứ chưa nói đến làm ăn có lãi để hưởng ưu đãi thuế. Hiện cả nước có 95% trong khoảng 350.000 DN là DNNVV theo tiêu chí mỗi DN có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động. Không ít ý kiến cho rằng, để thực sự hỗ trợ DN, việc giảm và giãn thuế TNDN là chưa đủ, mà có thể tính toán cho phép DN chậm nộp thuế giá trị gia tăng hoặc một số khoản thuế khác, nhằm giúp DN có nguồn vốn sản xuất - kinh doanh.