Giãn cung: "bóng" trong chân doanh nghiệp

Giãn cung: "bóng" trong chân doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Cả cơ quan phê duyệt kế hoạch CPH của doanh nghiệp lớn và UBCK (nơi phê duyệt phương án tăng vốn của doanh nghiệp) đều cho biết, họ không can thiệp vào việc huy động vốn, thời điểm phát hành hoàn toàn do doanh nghiệp lựa chọn và quyết định. Trong trường hợp phương án đã được phê duyệt, nếu cần thiết doanh nghiệp có thể xin giãn thời điểm phát hành, thay đổi hoặc tạm huỷ bỏ kế hoạch phát hành sao cho có lợi nhất.

Từ đổi phương thức phát hành

Năm 2007, trong số 25 DNNN lớn CPH có Bảo Việt và VCB. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cả hai đợt đấu giá đã bộc lộ nhiều lúng túng và cho thấy cần phải có sự thay đổi trong quan niệm về CPH thành công. Đơn cử như đợt cổ phần hóa VCB mới đây, phương án “thay đổi xoành xoạch” từ khâu chuẩn bị CPH, lựa chọn tư vấn, công bố thông tin, lựa chọn thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng và đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Đến nay vẫn chưa chắn chắn đối tác nước ngoài đàm phán mua CP của VCB với giá nào. Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT VCB cho rằng, việc lựa chọn không thành công cổ đông chiến lược cũng là một trong những yếu tố làm giảm giá CP VCB khi phát hành rộng rãi ra công chúng. Cũng theo ông Bình, do đấu giá VCB rơi đúng thời điểm cuối năm, trùng với kỳ nghỉ của các tổ chức nước ngoài nên cho đến nay, các cuộc đàm phán bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài chưa được nối lại. Bên lề Hội nghị về kinh tế Việt Nam (tổ chức ngày 8/1 tại Hà Nội) ông Bình đã có cuộc nói chuyện với đại diện GE (một trong những tổ chức nước ngoài đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VCB), hai bên hứa hẹn sẽ tiếp tục các cuộc gặp gỡ, tuy chưa ấn định ngày giờ cụ thể.

Đề cập đến chủ đề tìm đối tác chiến lược cho DN lớn, trưởng đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, không nên quan niệm cứ bán cho đối tác ở giá cao mới thành công. NĐT chiến lược với những cam kết ràng buộc khắt khe hơn nhiều các nhà đầu cơ, khi nắm giữ CP họ sẽ không bán ra ngay lập tức vì vậy cung hàng không “ứ”, cái được lớn hơn là họ giúp làm tăng giá trị DN và giá CP do đó sẽ tăng. Mô hình này được áp dụng khá thành công tại Trung Quốc, Nhà nước không chủ trương CPH hoàn toàn bằng cách IPO đại chúng qua đấu giá, mà ngược lại khuyến khích bán cho NĐT chiến lược theo thỏa thuận. Điều này không có nghĩa tài sản Nhà nước bị bán rẻ, mà phải có đàm phán và thống nhất được ở mức giá hợp lý.

Vụ trưởng Vụ Chiến lược, NHNN , ông Lê Xuân Nghĩa trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây cũng thể hiện quan điểm rằng không nên đặt mục tiêu bán giá cao với NĐT chiến lược. Thực tế, tỷ lệ nắm giữa CP của NĐTNN khu vực ngân hàng chỉ là 30% khiến cho họ phải cân nhắc về giá cả bởi với một tỷ lệ sở hữu thấp thì khả năng tham gia quản trị và cải thiện tổ chức bộ máy trong doanh nghiệp là rất khó khăn. Với trường hợp của VCB, người trong nghề đánh giá tiềm năng của ngân hàng này mà đặt lên bàn cân với những ngân hàng cổ phần hàng đầu khác là hơi khập khiễng. Nếu ngân hàng được ví như những cỗ xe thì các ngân hàng cổ phần đã gần đầy tải trong khi VCB mới được chất chở ½. Nếu thu hút được sự quan tâm của các đối tác ngoại, được thổi vào luồng gió mới, được hỗ trợ từ những mô hình quản trị tiên tiến thì cỗ xe này có thể chất tải lên cao hơn nhiều.

 Sau VCB, cuối tháng 1 là đợt đấu giá có quy mô tương đương của Sabeco, có thể tháng 2 là Habeco, rồi tháng 3 lại tiếp Incombank vẫn với phương thức quen thuộc. Tiến trình cổ phần hoá DNNN lớn, song song với khả năng mở rộng quy mô TTCK vốn là cuộc cải cách được nhà ĐTNN hết sức mong đợi. Song, kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như diễn biến thị trường cho thấy, đã đến lúc cần phối hợp thực hiện linh hoạt nhiều phương thức để CPH thành công mà không tạo ra những cú sốc hay “cả thèm chóng chán” với NĐT. Đây cũng là biện pháp điều hòa cung cầu hàng hóa trên TTCK hợp lý hơn.

 

Đến hoãn thời điểm “ra hàng”

Một cuộc khảo sát nhỏ của ĐTCK với một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trong thời gian này cho thấy, phần lớn lo lắng về thành công của đợt huy động vốn. Song họ rất ngại khi đề cập đến khả năng huỷ, hoãn thời điểm phát hành. Qua tìm hiểu, có doanh nghiệp nhu cầu vốn chưa thật sự cấp thiết bởi dự án mới đang ở giai đoạn trên giấy nhưng sợ hoãn, huỷ ảnh hưởng tới thương hiệu, rồi ngại cổ đông phản ứng, nhất là trong bối cảnh “cạnh tranh huy động vốn” như hiện nay. Cũng có doanh nghiệp quan niệm, thị trường có suy giảm nhưng huy động vốn từ phát hành thêm vẫn  tốt hơn là đi vay ngân hàng...

Trong vài tháng trở lại đây, những đợt huy động vốn không thành công chủ yếu do sự đón nhận hờ hững của NĐT (Xi măng Bỉm Sơn, Ngân hàng Gia Định, than Hà Lầm...) chứ chưa có doanh nghiệp nào chủ động dời ngày đấu giá. Trước đây, khi thị trường không mấy thuận lợi, Sacombank từng thông báo lùi thời điểm phát hành, phản ứng của thị trường rất tích cực khi thông điệp Ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra “hợp lý, hợp tình”. Tất nhiên, việc dự báo tình hình để lựa chọn thời điểm phát hành là công việc không đơn giản nhưng khi cung quá nhiều và dồn dập thì thị trường sẽ quá tải và sụt giảm, khả năng huy động vốn thành công khó có thể đảm bảo.