Giao dịch chứng khoán chiều 17/4: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"

Giao dịch chứng khoán chiều 17/4: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã tìm lại được sắc xanh nhờ sự đảo chiều tăng nhẹ của một số bluechip và nhóm ngành trụ cột. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ, thuộc top 10 phiên thấp nhất kể từ đầu năm.

Sau tuần giảm điểm và lần lượt thủng các đường hỗ trợ kỹ thuật MA20, MA50, tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 17/4. Sự lưỡng lự của bên mua và bên bán khiến các cổ phiếu chỉ biến động trong biên độ hẹp và chỉ số VN-Index đã giữ được mốc 1.050 điểm dù có chút “đe dọa” bị chọc thủng vào giữa phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ. Chỉ số VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái giằng co, lên xuống quanh mốc tham chiếu với biên độ hẹp. Tuy nhiên, VN-Index có phần may mắn hơn khi đảo chiều thành công, tìm lại được sắc xanh nhạt nhờ sự hồi phục của một số bluechip.

Phiên giao dịch đầu tuần đã khép lại trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng. Điểm đáng chú ý hơn chính là thanh khoản thị trường phiên hôm nay xác lập mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua, đồng thời thuộc top 10 phiên giao dịch kém sôi động nhất kể từ đầu năm 2023. Điều này cho thấy ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.050 điểm khá “mong manh” và rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn cần được tính đến.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,92 điểm (+0,09%) lên 1.053,81 điểm với 170 mã tăng và 202 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 453,79 triệu đơn vị, giá trị 8.052,82 tỷ đồng, giảm 32,42% về khối lượng và 29,06% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 14/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,22 triệu đơn vị, giá trị 1.338,22 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm, tuy nhiên điểm đáng chú ý là nhiều mã lớn đã tìm lại được sắc xanh dù biên độ tăng còn khá hạn chế chủ yếu chỉ trên dưới 1% như VHM, HPG, CTG, TCB, SSI.

Đáng chú ý, dẫn đầu mức tăng của rổ này chính là cặp đôi vừa và nhỏ nhóm bất động sản, đó là NVL và PDR khi cùng kết phiên tại mức giá cao nhất trong ngày. Trong đó, NVL tăng 4,2% và khớp 16,69 triệu đơn vị, còn PDR tăng 3,7% và khớp xấp xỉ 7 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các mã lớn như SAB, BVH, VNM, PLX giảm hơn 1%, còn lại đều có biên độ giảm chưa tới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG vẫn ấn tượng khi nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều và kết phiên đứng ở vùng giá cao 8.150 đồng/CP, tăng 5,3% cùng thanh khoản sôi động với gần 22,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm nông nghiệp tiếp tục tỏa sáng. Bên cạnh HAG tăng tốt, các mã khác cũng nới rộng biên độ, đáng kể là DBC kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 15.700 đồng/CP, khớp lệnh đạt hơn 8,44 triệu đơn vị; BAF tăng 4,4% lên 21.550 đồng/CP, APC tăng 3,17% lên 13.000 đồng/CP, HNG tăng 1,9%...

Đứng ở vị trí tiếp theo là nhóm cổ phiếu thủy sản với sự dẫn dắt của cổ phiếu VHC đóng cửa tăng 4% lên mức giá cao nhất trong ngày 59.600 đồng/CP.

Nhóm bất động sản cũng tìm lại sắc xanh. Bên cạnh sự hỗ trợ của mã lớn VHM, nhiều mã vừa và nhỏ cũng giao dịch khởi sắc cùng NVL và PDR như CTD tăng 4,7%, LDG tăng 3,7%, HQC tăng 3,6%, DPG tăng 3%, NLG tăng 2,5%, SZC tăng 2,3%, SZL, KHG, KDH, KBC, PHR đều tăng hơn 2%...

Ở nhóm chứng khoán, không có mã nào bật mạnh, nhưng sắc xanh đã chiếm ưu thế trong ngành, với AGR tăng 2,9%, APG tăng 2,8%, BSI tăng 2,7%, VIX tăng 2,3%, CTS và VDS cùng tăng 1,5%, HCM tăng 1,2%, VCI tăng 1,1%... Cổ phiếu SSI tăng nhẹ 0,7% nhưng là mã giao dịch sôi động nhất ngành với gần 12,82 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là VND cũng nhích nhẹ 0,3% và khớp hơn 10,43 triệu đơn vị.

Nhóm trụ cột bank chỉ nhích nhẹ nhờ sự cân bằng của anh cả VCB, cùng đà tăng của một số mã như BID tăng 1,24%, TCB tăng 1,9% và CTG, STB, ACB, SSB tăng nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi đó, SHB, VPB, HDB, VIB, TPB, OCB, LPB kết phiên giảm điểm.

Trên sàn HNX, thị trường cũng giao dịch phân hóa và HNX-Index duy trì trạng thái giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,62 điểm (-0,3%), xuống 206,63 điểm với 57 mã tăng, trong khi có tới 121 mã giảm. Thanh khoản cũng giảm mạnh trên dưới 50% so với phiên trước đó, với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 55,55 triệu đơn vị, giá trị 721,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 5,64 triệu đơn vị, giá trị 118,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn giữ mốc tham chiếu 10.100 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 17 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, các mã khác trong ngành như MBS và APS đảo chiều khởi sắc với mức tăng nhẹ trên dưới 1% và đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, trong khi CEO rung lắc và kết phiên giảm nhẹ 0,4%, thì IDJ nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều khi kết phiên tăng 2,7% lên 11.300 đồng/CP, IDC tăng 1,1%, đáng kể là API tăng 8,8% lên sát giá trần và cũng là mức giá cao nhất trong ngày 12.300 đồng/CP.

Trái lại, HUT đảo chiều giảm 1,3% xuống mức 15.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch buồn tẻ và tiếp tục nới nhẹ biên độ giảm điểm trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,39%) xuống 78,38 điểm với 107 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,22 triệu đơn vị, giá trị 265,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,67 triệu đơn vị, giá trị 58,36 tỷ đồng.

Chỉ có 3 cổ phiếu có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa tại mức giá đó.

Cụ thể, BSR giảm 1,2% xuống 16.400 đồng/CP và khớp 4,87 triệu đơn vị; C4G giảm 1,6% xuống 12.100 đồng/CP và khớp 2,43 triệu đơn vị; SBS giảm 1,7% xuống 5.900 đồng/CP và khớp 1,73 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG khởi sắc khi tăng 4,3%, đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 2.400 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu nông nghiệp cũng tích cực với LTG tăng 2,4% lên 29.300 đồng/CP, VLC tăng nhẹ 0,7% lên 15.000 đồng/CP, VIF tăng 4%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa tăng nhẹ. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2304 tăng 1,4 điểm (+0,1%), lên 1.064,5 điểm với 183.714 hợp đồng được giao dịch. Khối lượng mở 52.415 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CMSN2215 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 0,74 triệu đơn vị, kết phiên giảm 5,1% xuống 370 đồng/CQ. Tiếp theo là CHPG2306 khớp 0,67 triệu đơn vị, kết phiên tăng 3% lên 1.040 đồng/CQ.

Tin bài liên quan