Giao dịch chứng khoán sáng 3/7: Nhóm cổ phiếu phân bón nhen nhóm dậy sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 3/7: Nhóm cổ phiếu phân bón nhen nhóm dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến thị trường thu hẹp đà giảm với thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu phân bón nhận tin hỗ trợ tích cực, đã trở thành điểm sáng của thị trường.

Thị trường vừa trải qua nửa đầu năm 2023 khá tích cực khi chỉ số VN-Index tăng hơn 11% và nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng tốt, vượt bậc so với các thị trường lân cận trong khối ASEAN. Đồng thời, thanh khoản ngày càng cải thiện hơn khi tháng 6 đã xuất hiện trở lại các phiên khớp lệnh hơn 20.000 tỷ đồng, giúp tổng giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng đạt khoảng 13.725 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch cuối tháng 6, thị trường đã gặp áp lực bán và có những pha đảo chiều giảm sau khi VN-Index trải qua chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp và đang tiến vào vùng kháng cự 1.150 điểm.

Theo SHS, việc điều chỉnh là cần thiết sau khi VN-Index trước đó đã vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm sau giai đoạn dài tăng điểm và qua đó tiếp tục giúp tích lũy thêm nội lực trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự. Đồng thời, với trạng thái hiện tại khả năng VN-Index sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm vẫn được duy trì.

Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần và cũng là phiên đầu tiên của tháng 7, thị trường vẫn khá thận trọng sau những biến động vào cuối tuần trước, nhưng lực cầu có phần tích cực hơn đã giúp VN-Index hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, dòng tiền kém sôi động là nhân tố chính khiến VN-Index thiếu đà tăng tốc và chỉ số này chỉ tăng nhẹ dưới ngưỡng 1.130 điểm.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index duy trì mức tăng nhẹ khoảng trên dưới 5 điểm với sắc xanh chiếm áp đảo bảng điện tử khi gấp hơn 2 lần số mã giảm. Trong đó, chỉ còn vài ba nhóm ngành giảm nhẹ, còn lại hầu hết đều khởi sắc.

Trong khi các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, kể cả bất động sản chỉ nhích nhẹ, thì nhóm cổ phiếu đang có mức tăng vượt trội thị trường là nhóm chế biến thủy sản với các mã đều tăng khá tốt như VHC tăng hơn 5%, các mã FMC, CMX, ANV tăng 2-3%...

Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là các cổ phiếu phân bón, trong đó cặp đôi DCM và DPM hiện đang tăng trên dưới 4%, DGC tăng 1,6%, BFC tăng 3,6%, SFG tăng sát trần...; hay trên sàn HNX có PMB tăng hơn 4%, PSW tăng hơn 6%, LAS tăng 2,7%. Giao dịch nhóm này cũng sôi động hơn với cặp DCM và DPM đang tạm đứng trong top 10 mã dẫn đầu thị trường khi khớp hơn 2-3 triệu đơn vị.

Một trong những thông tin có thể là động lực tiếp đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu phân bón là giá phân bón ure bất ngờ tăng vọt. Cụ thể, theo dữ liệu từ Investing, giá hợp đồng tương lai phân urê vừa tăng vọt 11,75% chỉ sau một đêm lên mức 319 USD, cao nhất trong vòng hơn một tháng.

Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng khiến thị trường giật lùi và chỉ số VN-Index chỉ còn nhích nhẹ, đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 208 mã tăng và 181 mã tăng, VN-Index tăng 2,4 điểm (+0,21%), lên 1.122,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 232,31 triệu đơn vị, giá trị 4.721,3 tỷ đồng, giảm 46,29% về khối lượng và 40,79% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 30/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 499 tỷ đồng.

Nhóm VN30 trở nên phân hóa với số mã giảm và tăng cân bằng, tuy nhiên chỉ số này chốt phiên giảm nhẹ 0,54%. Trong đó, có 3 mã tăng tốt nhất là PLX tăng 1,9%, BID tăng 1,4% và GAS tăng 1,1%, còn lại chỉ nhích nhẹ. Ngược lại, các mã giảm chỉ trong biên độ hẹp chưa tới 1%.

Nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn ngược dòng thị trường và là nhóm tăng tốt nhất, với VHC tăng gần 5%, FMC tăng 3,53%, CMX tăng 1,88%, ANV tăng 2,37%, ACL tăng 2,26%...

Nhóm phân bón vẫn tích cực với DCM tăng 3,4%, DPM tăng 3%, DGC tăng 1,3%... Nhóm đầu cơ cũng khởi sắc với HHV tăng 2,3%, VCG tăng 2,2%, LCG tăng 1,9%, KSB tăng 4,5%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán phân hóa và gần như quay về mốc xuất phát. Ở nhóm ngân hàng, trong khi CTG, HDB, STB, TCB, VIB giảm nhẹ, thì BID và SHB đang dẫn đầu ngành với mức tăng hơn 1%. Trong đó, SHB sôi động nhất dòng bank với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 5,91 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán, giao dịch cũng giảm mạnh với VND và VIX đứng giá tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu ngành khi chỉ đạt hơn 4,5 triệu đơn vị.

Trong phiên hôm nay, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ và chỉ có duy nhất NVL có khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị, đứng thứ 2 là HPG khớp hơn 9 triệu đơn vị, còn lại chỉ khớp trên dưới 5 triệu đơn vị. Trong đó, chốt phiên cả NVL và HPG đều giảm nhẹ gần 0,5%.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng khiến thị trường quay đầu giảm điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 1,22 điểm (-0,54%), xuống 226,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,36 triệu đơn vị, giá trị 558 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,67 triệu đơn vị, giá trị 22,69 tỷ đồng.

Đáng chú ý là bộ 3 cổ phiếu nhà apec được hấp thụ khá mạnh và dẫn đầu thanh khoản thị trường với IDJ và API cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị, APS khớp 7,2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả 3 mã này đều chốt phiên vẫn chưa thoát khỏi mức giá sàn do áp lực bán tháo vẫn khá mạnh. Chốt phiên, IDJ vẫn dư bán sàn tới 9,82 triệu đơn vị, APS dư bán sàn 6,37 triệu đơn vị.

Ngoài ra, chỉ còn 2 mã khác là SHS và CEO khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS chốt phiên tăng 0,8% và khớp 4,8 triệu đơn vị, còn CEO giảm 1,7% và khớp 2,63 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu phân bón, LAS vẫn tăng tốt 3,6%, chốt phiên đứng tại mức giá 11.500 đồng/CP, PSW tăng 6%...

Trên UPCoM, thị trường hạ độ cao nhưng vẫn may mắn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%) lên 86,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 14,7 triệu đơn vị, giá trị 210,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,78 triệu đơn vị, giá trị 13,45 tỷ đồng.

Tin bài liên quan