Giao dịch trực tuyến, bảo mật đến đâu?

Giao dịch trực tuyến, bảo mật đến đâu?

(ĐTCK-online) Đặt lệnh, nạp tiền vào tài khoản, ứng trước tiền bán chứng khoán qua mạng..., cung cấp dịch vụ trực tuyến đem tiện ích đến NĐT được dự báo là cuộc đua tranh ngày một gay gắt giữa các CTCK. Khi dịch vụ giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, vấn đề bảo mật cho khách hàng, giúp tránh những vấn nạn như bị ăn trộm danh tính, mất các thông tin nhạy cảm cá nhân và thiệt hại về tài chính cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Nóng bỏng

Trong bối cảnh hàng loạt CTCK mới ra đời, thị trường năm 2007 không bùng nổ như hồi cuối năm 2006, việc cạnh tranh thu hút khách hàng mới mở tài khoản giao dịch ngày một khốc liệt, song kết quả đạt được tại các CTCK đã áp dụng hình thức đặt lệnh trực tuyến không khỏi khiến các công ty ngoài cuộc sốt ruột. Tại FPTS, mỗi ngày có khoảng 60 tài khoản mới mở, trong đó hơn 60% đăng ký đặt lệnh qua mạng, mỗi phiên số lượng và giá trị lệnh giao dịch trực tuyến cũng chiếm trên 60%. Tại VNDirect (VNDS), triển khai kênh giao dịch trực tuyến từ tháng 6 đến nay, số lượng NĐT giao dịch qua mạng đang ngày một gia tăng, chiếm đa số tài khoản mới mở. Một thành viên nữa là CTCK Tân Việt (TVSI) cũng kéo không ít khách đã từng mở tài khoản tại các CTCK khác về với mình, nhờ ưu thế từ gói sản phẩm giao dịch trực tuyến iTrade tung ra hồi tháng 7/2007.

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Vân - chuyên về giải pháp ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính cho biết, nhận thức của các CTCK trong việc ứng dụng và nâng cấp hệ thống CNTT để có thể đem đến nhiều tiện ích cho NĐT đang có những bước tiến rõ rệt. Nếu như trước đây, các CTCK chủ yếu dùng phần mềm trong nước thì nay nhiều công ty bỏ công sức tìm hiểu và nhờ tư vấn các giải pháp đã triển khai tốt ở nước ngoài, dù chi phí đầu tư lên tới hàng triệu USD. Ban Quản lý kinh doanh, UBCK cũng cho rằng, sức hút từ dịch vụ giao dịch trực tuyến khiến cho các CTCK chưa có sản phẩm này khó có thể hờ hững. Nếu như hiện nay, cạnh tranh nóng bỏng giữa công ty có dịch vụ đặt lệnh tiện ích với những công ty chỉ có thể đặt lệnh tại sàn thì đầu năm 2008, cạnh tranh sẽ gay gắt giữa những CTCK triển khai dịch vụ đặt lệnh qua mạng. Hiện có ít nhất 10 công ty đánh tiếng tung ra sản phẩm này như SSI, Thăng Long, Quốc Gia, An Bình... Lợi ích rõ ràng, song không phải cứ muốn là áp dụng ngay.

CTCK Quốc Gia (NSI) dù chạy thử nghiệm chương trình giao dịch qua mạng đã khá lâu song vẫn chưa quyết định tung ra rộng rãi, mà mới chỉ giới hạn ở một số NĐT tự nguyện. Ông Bạch Nguyễn Vũ, Tổng giám đốc NSI cho biết, chương trình giao dịch trực tuyến NSI đang chạy thử của một công ty trong nước, song trong quá trình triển khai NSI chưa thực sự hài lòng. Mới đây, NSI đã ký hợp đồng ứng dụng phần mềm của một đối tác Malaysia nhằm thay thế dần chương trình cũ và triển khai dịch vụ trực tuyến đến NĐT.

 

Bảo mật cách nào?

Ngoài cung cấp cho NĐT mật khẩu truy cập hệ thống đặt lệnh, VNDirect triển khai giải pháp xác thực thông qua thẻ nhựa. Để sử dụng dịch vụ VNDirect Online, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản giao dịch trực tuyến và một thẻ bảo mật VTOS để đăng nhập vào hệ thống www.vndirect.com.vn. Sau mỗi lần đặt lệnh, NĐT được yêu cầu nhập mã số của thẻ VTOS (đã được cấp) để xác thực thông tin, bằng cách này giao dịch online của khách hàng được xác thực thông tin hai lần.

Giao dịch tại FPTS, NĐT có thể chọn giải pháp sử dụng mật khẩu tĩnh hoặc động thông qua thiết bị gọi là token card. Ông Đoàn Trung Kiên, phụ trách công nghệ của FPTS cho biết, để đảm bảo an toàn hơn cho NĐT, Công ty còn sử dụng giải pháp mã hóa toàn bộ thông tin dữ liệu từ khách hàng tới máy chủ của FPTS, trong trường hợp hacker có đột nhập cũng khó ăn cắp được thông tin.

Hạn chế của hình thức xác thực bằng thẻ giấy/thẻ nhựa ở chỗ, kẻ xấu có thể dùng điện thoại di động có chức năng chụp ảnh để sao chụp thẻ, ăn cắp mã số mà khách hàng không hề biết. Token card giúp giao dịch có tính an toàn cao song nếu khách hàng nhập liên tiếp nhiều lệnh trong khoảng thời gian 30 giây thì các lệnh tiếp sau lệnh đầu tiên sẽ không được chấp nhận, cơ hội mua bán giá tối ưu do đó có thể bị hạn chế, hoặc nếu khách hàng nhập mã token nhưng không nhấn xác nhận để token nhảy sang mã số mới, lệnh đó sẽ không được chấp nhận.

Với giao dịch trực tuyến, lệnh của NĐT được kiểm tra tự động vì thế có thể tiết kiệm thời gian và nhanh chóng khớp nếu có lệnh đối ứng, song NĐT cũng cần chú ý trong các hợp đồng với CTCK luôn quy định khi thực hiện hình thức giao dịch này, NĐT phải chấp nhận mọi rủi ro (nếu có). Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ cho rằng, hiện các CTCK đều quy định như vậy, song về lâu dài có thể bản hợp đồng sẽ phải soạn thảo theo hướng phân định rủi ro. Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính cũng quy định rõ, các tổ chức và cá nhân phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc sử dụng hệ thống thông tin tự động trong hoạt động tài chính của mình. Liên quan đến phát hiện và xử lý những sai phạm trong hoạt động này, Nghị định nhấn mạnh đến "ưu tiên" về việc hòa giải giữa các bên khi xảy ra tranh chấp. Việc xử lý theo các quy định pháp luật sẽ được thực hiện sau khi việc hòa giải không thành công.

Về phía NĐT, để hạn chế rủi ro khi giao dịch qua mạng, ông Kiên đưa ra lời khuyên nên chú ý đến 2 vấn đề. Thứ nhất, khi thao tác với những trình duyệt web có yêu cầu lưu password, NĐT phải nhớ không chọn lệnh Save. Thứ hai, NĐT nên hạn chế tối đa việc dùng máy tính công cộng để đặt lệnh, nên sử dụng máy tính mình sở hữu như laptop,  máy tính cá nhân tại gia đình hoặc máy riêng tại cơ quan.