Gói giải pháp kích thích nền kinh tế: Quan trọng là cách  thức thực thi

Gói giải pháp kích thích nền kinh tế: Quan trọng là cách thức thực thi

(ĐTCK) Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã và đang có dấu hiệu suy giảm, Chính phủ đã có chủ trương thực hiện 5 giải pháp kích thích nền kinh tế, tập trung vào những vấn đề củng cố nội lực nền kinh tế. Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số ý kiến xung quanh các giải pháp này. Nhóm phóng viên thực hiện.

Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó thủ tướng

Hiện nay, ngoài gói giải pháp cứu nguy cho nền kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD mà nhiều quốc gia đã công bố, thì 3 đòn bẩy kinh tế mà các nước song hành áp dụng là giảm thuế, điều chỉnh lãi suất và điều chỉnh tỷ giá. Trong việc giảm thuế nhằm kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất… Thái Lan có mức giảm thuế thu nhập DN cao nhất, lên tới 70%.

Việt Nam đã chính thức áp dụng hai nội dung là điều chỉnh tỷ giá và lãi suất. Điểm khác biệt của Việt Nam là nguồn lực có hạn, kèm theo đó là áp lực vừa chống lạm phát, vừa phải tính toán kích cầu trong nước. Vì vậy, trước khi kích cầu có lẽ phải kích cung trước, giúp DN hoạt động thuận lợi, người lao động có thu nhập ổn định, người nông dân bán được hàng… Các DN sản xuất hàng xuất khẩu cần được tạo điều kiện tối đa để tiêu thụ hàng hoá trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính bị khủng hoảng, thị trường trong nước khó khăn. Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường mới là việc mà Chính phủ cần phải tích cực triển khai.

Các giải pháp nới lỏng tín dụng mà Chính phủ đã áp dụng đang cho thấy hiệu quả tốt. Việc tiếp tục phải làm là tập trung vào các công trình đã được cân nhắc sau khi tiến hành cắt giảm. Cần tập trung vào giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn để nhanh chóng hoàn thành các dự án đem lại sản lượng ngay, có hiệu quả cao. Tuy rằng, tăng đầu tư thì có thể tăng lạm phát, song phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện đang triển khai để tối đa hiệu quả.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam

Những gói giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra vừa qua sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ để các ngân hàng cung vốn nhiều hơn sẽ khiến thị trường tiền tệ khởi sắc. Đặc biệt, nếu những ý kiến về lùi thời gian thu thuế thu nhập cá nhân, thuế chứng khoán... trở thành hiện thực thì sẽ là động lực để nhà đầu tư chứng khoán trở lại sàn. Trong trường hợp kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn thì những nỗ lực đưa ra các gói giải pháp để kích thích nền kinh tế trong nước của các cơ quan chức năng sẽ giúp kinh tế trong nước được che chắn, giảm bớt những tác động. Điều quan trọng là hiện nay chúng ta đã nhìn ra hướng để giải bài toán kinh tế trong nước.

Tiến sỹ Phạm Thái Quốc, Trưởng phòng Nghiên cứu các nền kinh tế chuyển đổi, Viện Kinh tế Chính trị thế giới

Các giải pháp Chính phủ đề ra là rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, cần cụ thể hơn nữa cho mỗi giải pháp, ngành nào làm gì, làm như thế nào, phối hợp với nhau ra sao. Tại Trung Quốc, để tăng xuất khẩu, họ giảm thuế và tăng tín dụng cho các cơ sở sản xuất. Với nhóm giải pháp kích thích đầu tư và tiêu dùng, cần tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Các giải pháp đề ra cần triển khai thực hiện một cách nhanh chóng vì nó có tác dụng mang tính thời điểm. Những vấn đề về tín dụng, cần đẩy nhanh việc hạ lãi suất để các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, tránh nguy cơ phá sản. Việc giảm thuế nếu có chủ trương thì rút ngắn các quy trình, thủ tục hành chính để thực thi một cách nhanh nhất. Những giải pháp được thực hiện đồng bộ, cụ thể, chi tiết sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Diễn biến của TTCK cũng sẽ phản ánh những thay đổi của chính sách kinh tế này.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội

Việc hạ lãi suất cơ bản thời gian qua không có nhiều ý nghĩa vì trước đó, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, ngân hàng còn quá thận trọng, sợ rủi ro nên số DN được vay chưa nhiều, lãi suất tuy giảm nhưng còn cao hơn so với lợi nhuận mà một số DN có thể làm ra. Bên cạnh đó, thời hạn và điều kiện cho vay chưa được cải thiện, nên nhiều DN còn dè dặt chưa dám vay, nhất là đối với những dự án đầu tư phát triển. Sản xuất của DN hiện đang gặp khó khăn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm dần, kim ngạch xuất khẩu (đã trừ yếu tố tăng giá) tăng thấp. Sự giảm sút các ngành kinh tế và sản phẩm quan trọng đã ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư. DN mong Chính phủ sớm triển khai các biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ thị trường nội địa, xem lại chính sách thuế, nếu vì lý do nào đó chưa thể hoãn, giãn, miễn, giảm như DN đề nghị thì chí ít cũng không để DN tăng thêm chi phí.

Ông Tarek S. El Awar, Giám đốc khu vực Zamil Steel Việt Nam

Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Campuchia… khi đối mặt với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ban hành những chính sách mới, trong đó có việc giảm thuế. Việt Nam cũng nên xem xét, cân nhắc chính sách thuế trong thời điểm hiện nay. Mong muốn của các nhà đầu tư, DN luôn là giảm thuế, song trách nhiệm để cân bằng các quan hệ lợi ích lại thuộc về các nhà hoạch định chính sách. Có thể những thay đổi chính sách chỉ áp dụng trong thời điểm đặc biệt này để phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chuẩn bị các nguồn lực để kích cầu đầu tư. Với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa mà Chính phủ Việt Nam đang đưa ra, không hiểu các DN của khu vực đầu tư nước ngoài có được tham gia?

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Mấu chốt hiện nay là kiểm soát thâm hụt thương mại. Các DN Việt Nam phải nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong tình hình nhu cầu trên thế giới về hàng tiêu dùng sụt giảm. Các nhà xuất khẩu phải có quyền tiếp cận tín dụng đầy đủ với chi phí hợp lý. Liên quan đến lĩnh vực thuế, mặc dù các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân có sự giảm bớt một cách ưu đãi về thuế suất, nhưng tổng chi phí nhân công cho nhân viên nước ngoài sẽ tăng đối với nhiều công ty, tạo ra sự so sánh không thuận lợi đối với các nước láng giềng.

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác về phân phối và sản xuất, Diễn đàn DN Việt Nam 2008

Để ứng phó với sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, Việt Nam có thể tính đến gói kích thích như Trung Quốc mới công bố gần đây là tập trung vào phát triển hạ tầng. Việt Nam không có khả năng tài chính như Trung Quốc để tài trợ cho một chương trình như vậy, do đó tài chính phải được huy động từ các nguồn khác. Nếu có một thời điểm để thúc đẩy các dự án dở dang từ lâu được tài trợ bởi các nước thành viên của Nhóm tư vấn thì đây chính là thời điểm như vậy. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng vẫn bị hạn chế. Mặc dù không đáp ứng được tất cả nhu cầu về hạ tầng của Việt Nam thì nó vẫn có thể hỗ trợ theo cách góp phần giảm nhẹ các tổn thương về kinh tế sắp xảy ra. Nhiều việc làm có thể được tạo ra để giải quyết số nhân công dôi dư do khu vực sản xuất đang suy yếu. Với sự hỗ trợ phù hợp về thuế và khâu lập kế hoạch, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đặt nền móng hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp trong tương lai.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC

Đối với một số ngành hàng đang gặp khó khăn, Chính phủ có thể nâng thuế nhập khẩu để hỗ trợ tiêu thụ. Đối với mặt hàng chiến lược là xăng dầu, giá đang giảm nhưng giảm rất thận trọng. Nếu như giá xăng dầu giảm mạnh xuống 10.000 đồng/lít thì có thể kéo giá một loạt mặt hàng khác giảm theo, từ đó kích thích tiêu dùng. Chính sách thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán nên hoãn lại, thời gian giãn thu thuế nên kéo dài 1 năm để khuyến khích nhà đầu tư. Về lãi suất, lãi suất cần giảm nhanh, mạnh hơn nữa để hỗ trợ DN bắt đầu một chu kỳ kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho lạm phát giảm dần, giá dầu mỏ, sắt thép, gạo, phân bón… dần đi xuống. Biện pháp kích cầu hiện nay là rất quan trọng, nhưng phải ngăn chặn được tình trạng lạm phát cao tái phát. Kích cầu vốn ngân hàng vào nền kinh tế là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kiểm soát chặt rủi ro cũng như lựa chọn kỹ các dự án. Những DN không thể cứu vãn cần phải loại trừ, còn những DN gặp khó khăn về vốn, nhưng tiềm năng phát triển tốt phải được cứu. Không nên nhìn vấn đề mang tính chung chung, dẫn đến ngân hàng e ngại cho vay, khiến tăng trưởng tín dụng giảm dần, còn nguy cơ đình trệ trong sản xuất gia tăng. Cho vay tiêu dùng cũng cần được kích thích, không như lo ngại của nhiều người về việc gia tăng cho vay tiêu dùng lạm phát sẽ tái bùng nổ. Hiện cho vay tiêu dùng của các ngân hàng chưa cao, để có thể kích cầu tiêu dùng, lãi suất cần được điều chỉnh giảm thêm.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Biện pháp để kích cầu thị trường nội địa trước mắt là phải xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân, tức phải làm sao để người dân cảm thấy yên tâm khi tiêu tiền. Bên cạnh đó, với các công trình giao thông công cộng mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế cần được chọn lọc để tái triển khai. Với cho vay tiêu dùng, cơ chế lãi suất trần đang bó hẹp tín dụng tiêu dùng, cần trở về nguyên tắc lãi suất thỏa thuận như trước.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sacombank

Kế hoạch thu hẹp hoạt động đã được nhà sản xuất, kinh doanh tính toán ngay từ những tháng đầu và giữa năm 2008. Đến nay, tình hình kinh tế đã có phần khả quan, nhưng khó khăn vẫn còn, lãi vay ngân hàng vẫn là áp lực lớn. Cần tiếp tục giảm lãi suất để kích cầu thị trường nội địa, DN cũng như người tiêu dùng sẽ nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng để tái sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh chi tiêu.