Ông Đặng Văn Thanh

Ông Đặng Văn Thanh

IPO các doanh nghiệp lớn: Không nên trì hoãn

Đây là ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội về việc tiến hành đấu giá lần đầu (IPO) các DN Nhà nước khi cổ phần hóa trước thực tế có nhiều ý kiến đề nghị hoãn những đợt IPO sắp tới của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

 

Thị trường cần sự ổn định hơn là sốt nóng

 

Ông Thanh cho rằng, IPO các DN lớn không nên trì hoãn mà cần có lộ trình hợp lý. Điều quan trọng nhất là lộ trình cổ phần hoá (CPH) các doanh nghiệp nhà nước lớn, các tập đoàn kinh tế đã được hoạch định. CPH các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong các lĩnh vực kinh tế đã được sắp xếp theo lộ trình, là một chương trình lớn của Nhà nước Việt Nam . Điều này, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị xã hội, mà quan trọng hơn là tái cấu trúc lại nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý và điều hành nền kinh tế.

 

Vì vậy, không thể trì hoãn quá trình đã được luật hoá này. Hơn nữa, cũng phải thấy nhà đầu tư trong nước và ngoài nước quan tâm đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn của Việt Nam cũng chính nhờ quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, ông Thanh nhấn mạnh.

 

Lý do của những đề xuất về hoãn IPO các DN lớn là những lo ngại về thị trường đang sụt giảm, việc đấu giá các DN lớn có thể gây thiệt hại cho Nhà nước và đẩy thị trường tiếp tục suy giảm.

 

Tuy nhiên, ông Thanh lại có một cái nhìn khác khi cho rằng, giai đoạn hiện nay chứng khoán đang trở về giá trị thực của nó và những đợt IPO mới sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại. Những đợt phát hành IPO lớn của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá sẽ mang lại những cổ phiếu có chất lượng tốt, chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Thị trường chứng khoán đang rất cần những hàng hoá có chất lượng.

 

Việc các đợt IPO gần đây kết thúc với giá bình quân thấp là một thiệt thòi cho cổ đông và cho Nhà nước nhưng chưa hẳn đã là một điều xấu, đáng báo động. Ông Thanh cho rằng, nói mức giá thấp là thấp so với giá cũng của các cổ phiếu đó ở đỉnh điểm cơn sốt. Tuy nhiên, mức giá đó chưa chắc đã phản ánh giá trị đích thực của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu với giá IPO cao nhưng doanh nghiệp không đáp ứng được kỳ vọng lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thì kết cục cuối cùng là giá cổ phiếu đó phải tụt xuống, các cổ đông sẽ bị thiệt hại.

 

Giá của cổ phiếu được thị trường xác định ở mức vừa phải như hiện nay có một tác dụng tích cực lên tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam . Đây cũng chính là điều mong muốn của Chính phủ đối với thị trường chứng khoán là sự phát triển bền vững chứ không phải sốt nóng.

 

Không lo thiếu vốn

 

Những biểu hiện gây lo ngại thiếu vốn trên thị trường chứng khoán như: các ngân hàng không thể cho vay vốn do quy định khống chế cho vay chứng khoán dưới 3% của Ngân hàng Nhà nước; nhiều nhà đầu tư đã do dự khi rót vốn vào thị trường chứng khoán... cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tính đến khả năng hoãn IPO các DN lớn.

 

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, vốn trong nền kinh tế thực ra vẫn còn nhiều. Sự chuyển dịch nguồn vốn trong nền kinh tế thời gian qua giữa các thị trường cũng là lẽ thường tình vì nhiều nguyên nhân và lợi ích khác nhau. Và chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch trở lại vào thị trường chứng khoán khi có sự tác động mạnh của những cổ phiếu - hàng hoá của thị trường chứng khoán có chất lượng hơn.

 

Trên thực tế, hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán chỉ tác động chủ yếu đến những ngân hàng thương mại cổ phần, là những ngân hàng vốn chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ mới cho vay một tỷ lệ nhỏ theo loại hình này. Nếu các ngân hàng quốc doanh tích cực cho vay, vốn đổ vào thị trường chứng khoán sẽ không sút giảm mạnh như dư luận đang lo ngại.

 

Trong khi đó, đang có gần 3 tỷ USD cũng chờ cơ hội để mua cổ phiếu. Nhiều quỹ đang sẵn sàng tham gia vào các đợt phát hành IPO lớn của các doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hoá.

 

Thậm chí, trong trường hợp nguồn vốn trong nhân dân đúng là đã cạn và cả nguồn vốn từ ngân hàng có thể bị  giảm mạnh do khống chế cho vay, thì việc trì hoãn thêm một thời gian các đợt IPO của 20 tổng công ty, gần 400 doanh nghiệp và các ngân hàng lớn thêm một thời gian nữa cũng không mang lại lợi ích như mong muốn. Bởi vì nguồn vốn khả dụng của nền kinh tế dành cho các đợt IPO cũng chỉ trong mức độ hiện tại và nếu chờ đợi các đợt IPO chắc chắn cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan hơn như chúng ta kỳ vọng, ông Thanh nhấn mạnh.