Kê toa bốc thuốc hay để thị trường trôi tự do?

Kê toa bốc thuốc hay để thị trường trôi tự do?

(ĐTCK-online) Tính thanh khoản của thị trường đang rơi vào ngưỡng báo động khiến nhiều NĐT chịu thế bất di bất dịch và tự hỏi, phải làm gì để vượt qua thế trận này. Cơ quan điều hành thị trường cũng sốt ruột không kém và trong tuần, một cuộc họp của UBCK đã diễn ra tập trung thảo luận về 4 giải pháp chính đề xuất Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, bao gồm mở room, nới biên độ giao dịch, giảm thủ tục hành chính cho nhà ĐTNN khi mua cổ phần ngân hàng và tìm hướng xử lý cổ phiếu cầm cố.

Trước hết, hãy nhìn vào biện pháp mở room cho khối doanh nghiệp niêm yết. Theo thống kê, hiện nay trên cả hai sàn chứng khoán có khoảng 14 mã cổ phiếu đã hết room, vì thế khi mở room khối lượng chứng khoán được khối ngoại hấp thụ thêm có thể được nhìn nhận không quá lớn, nếu không nói đến việc hướng tới hiệu ứng tác động tâm lý thì sức cầu mới xuất phát từ khối ngoại chưa hẳn đã khả quan. Hơn nữa, cũng có ý kiến trong UBCK cho rằng, 49% đã là giới hạn quốc gia và đây là ngưỡng nhạy cảm liên quan nhiều đến việc ra quyết định tại một doanh nghiệp. Trong khu vực cũng đã có một số thị trường khi rơi vào suy thoái, Chính phủ quyết định mở room 100% cho hầu hết ngành nghề, đơn cử như Thái Lan, song mở thì dễ nay Thái Lan muốn thu lại mà chưa thực hiện được. Giải pháp mở room như vậy xem ra khó khả thi.

Biện pháp thứ hai là nới biên độ giao dịch rộng hơn, trong bối cảnh hiện nay nỗ lực của cơ quan quản lý thị trường là nhằm hạn chế tối đa tình trạng cổ phiếu đua nhau giảm sàn, bất chấp tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định thì nới biên độ giao dịch khó được lựa chọn do khả năng đi xuống chưa có lý lẽ gì để cải thiện. Một lý do nữa khiến UBCK phải cân nhắc là nới biên độ giao dịch rộng hơn, kịch bản bull-trap có thể tái diễn và không loại trừ lần này, trong số NĐT muốn thoát khỏi thị trường có thể có nhà ĐTNN.

Biện pháp thứ ba được đề cập là ngân hàng thương mại cổ phần (hội đủ điều kiện bán cổ phần cho nhà ĐTNN) được chủ động bán cổ phần cho nhà ĐTNN với mức không quá 5%/vốn điều lệ (trong khung tỷ lệ 30%/vốn điều lệ mà nhà ĐTNN được phép nắm giữ) mà không cần làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với từng giao dịch chuyển nhượng. Đề xuất này không mới và Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã hơn một lần gửi kiến nghị tương tự tới Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN. VAFI lập luận, trong danh mục cổ phiếu OTC được nhiều ngân hàng lựa chọn cầm cố thì loại cổ phiếu ngân hàng được ưa chuộng và cổ phiếu của các ngân hàng kinh doanh hiệu quả được cầm cố chiếm khoảng 60% - 70% tổng số tiền cho vay (VAFI dự đoán, tổng số tiền mà các ngân hàng cổ phần cho vay trên thị trường OTC khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Nếu giải chấp hết lượng cổ phiếu ngân hàng bị cầm cố thì có thể khẳng định là TTCK về cơ bản được hồi phục và đi vào chu kỳ phát triển bền vững, đồng thời tăng cường sức mạnh tài chính của hệ thống ngân hàng). VAFI nhận định, nhiều nhà ĐTNN (chủ yếu là các quỹ đầu tư) mong muốn có cơ hội mua cổ phiếu ngân hàng với tỷ lệ đầu tư thấp vào một ngân hàng (dưới 5%/vốn điều lệ, thông thường họ chỉ cần mua tỷ lệ từ 0,1% - 2%) nhưng ít có cơ hội đầu tư, vì theo quy định nhà ĐTNN mua cổ phần của ngân hàng thương mại phải có hồ sơ xin phép NHNN.

"Nhà ĐTNN phải làm nhiều thủ tục từ HĐQT của ngân hàng cổ phần đến việc làm thủ tục xin phép NHNN, trong khi giá trị đầu tư là không lớn (khoảng vài triệu USD). Sau khi hoàn tất thủ tục (khoảng 6 tháng) thì liệu rằng, có mua được lượng cổ phần theo giá trước đó hay không? Điều này không chắc chắn và đã không chắc chắn thì không đầu tư làm gì. Đây chính là lý do giải thích vì sao nhiều nhà ĐTNN không thể đầu tư vào các ngân hàng chưa niêm yết ở tỷ lệ nhỏ", ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI nói.  

Để kiểm soát được việc bán cổ phần cho nhà ĐTNN không vượt room, VAFI cho rằng, có thể quy định mọi giao dịch giữa nhà ĐTNN với cổ đông trong nước đều phải thông qua ban quản lý của từng ngân hàng cổ phần nhằm kiểm soát room 5%. Sau khi hoàn tất việc bán cổ phần cho nhà ĐTNN ở tỷ lệ 5%/vốn điều lệ thì từng ngân hàng cổ phần phải báo cáo kịp thời về NHNN. Giải pháp này như phân tích ở trên có tính khả thi, song "bóng" đang ở trong chân NHNN.

Giải pháp thứ tư được đề xuất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đứng ra đảm nhận giữ lại số cổ phiếu cầm cố đang đến kỳ hạn giải chấp trên thị trường, một thời gian sau khi thị trường ổn định trở lại thì tổ chức này sẽ trả cổ phiếu lại những đơn vị có cầm cố. Theo đánh giá của UBCK, giải pháp này có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thông tin về lượng cổ phiếu được đem cầm cố chưa được thống kê chính xác, đầy đủ và liệu SCIC có đủ lực để "ôm" hết số cổ phiếu này.

Từ chối cho ý kiến bình luận về những giải pháp trên, ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng đại diện Dragon Capital tại Hà Nội cho biết, quan điểm duy nhất tổ chức này muốn thể hiện là Nhà nước không nên áp dụng bất kỳ can thiệp hành chính nào vào thị trường.

Cũng chia sẻ quan điểm trên, ông Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, UBCK cho rằng, thị trường diễn biễn như hiện nay, bốc liều thuốc nào cũng khó và thị trường tăng điểm nhờ thuốc thì cũng khó bền vững nếu như yếu tố nội tại là tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô chưa sáng sủa. "Hãy để thị trường tuân theo quy luật của nó, khi giá cổ phiếu xuống thấp sẽ có lực mua vào và quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nên xem xét việc nới biên độ giao dịch rộng hơn", ông Quý nói.