Các bộ, ngành, địa phương hiện đã loại bỏ được trên 5.500 thủ tục hành chính

Các bộ, ngành, địa phương hiện đã loại bỏ được trên 5.500 thủ tục hành chính

Khó cải cách hành chính vì “đụng chạm” quyền lợi

(ĐTCK-online) Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đụng chạm tới lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức đang là khó khăn khiến việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 gặp trở ngại.

Tiết kiệm chi phí

Tại cuộc tọa đàm về kiểm soát TTHC do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tổ chức ngày 14/6, Tiến sĩ Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30) đang đi vào giai đoạn 3 là triển khai đơn giải hóa TTHC theo phương án đã được phê duyệt. Tính đến thời điểm này, các địa phương đã đơn giản hóa được 3.636 TTHC và con số này ở các bộ, ngành Trung ương là 1.912 thủ tục.

Theo chuyên gia Nguyễn Việt Anh, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, có TTHC sau khi đơn giản hóa tiết kiệm được tới 94% chi phí tuân thủ TTHC. Một TTHC yêu cầu phải chứng thực, nay được đơn giản nếu nhìn đơn lẻ thì chỉ tiết kiệm được vài ngàn đồng cho mỗi người dân và DN, nhưng số lượng này là rất đáng kể nếu nhìn ở hàng chục triệu lượt người dân, DN đi thực hiện TTHC mỗi năm.

“Mục tiêu của việc triển khai các phương án đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 là đặt gánh nặng lên cơ quan hành chính nhà nước, nhưng giảm nhiều gánh nặng cho cá nhân, tổ chức, bởi 1 giờ lao động của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp cắt giảm hàng ngàn, hàng vạn giờ thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân”, ông Anh nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, việc thực hiện cải cách TTHC đang đối mặt với nhiều khó khăn, do đụng chạm tới lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức; nhận thức chưa toàn diện của xã hội về tầm quan trọng của kiểm soát TTHC. Khi gặp khó khăn trong giải quyết TTHC, người dân, DN thường có tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên chưa chủ động khiếu nại hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức thực thi công vụ tới cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.

 

Không nên e ngại bị “trả thù”

Thực tế, điều người dân, DN e ngại phản ánh bức xúc tới các cơ quan chức năng về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức là sợ bị “trả thù”. Bởi phương thức tiếp nhận và xử lý kiến nghị lâu nay thường chuyển kiến nghị lại cho chính cơ quan quản lý cán bộ có hành vi nhũng nhiều, tiêu cực giải quyết, nên khó đảm bảo khách quan, công tâm.

Tuy nhiên, hạn chế này, theo ông Phan đang dần được khắc phục, nhờ cơ chế tiếp nhận và giải quyết bức xúc, kiến nghị về tuân thủ TTHC theo phương pháp mới của Đề án 30. Cụ thể, khi bức xúc về hành vi nhũng nhiễu của công chức trong giải quyết TTHC, người dân, DN không gửi kiến nghị đến cơ quan quản lý cán bộ đó, mà gửi trực tiếp đến Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng kiểm soát TTHC của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu các kiến nghị này, các đơn vị kiểm soát TTHC sẽ đôn đốc, giám sát việc xử lý cán bộ, công chức và công khai kịp thời cho công dân biết.

Một bức xúc khác mà người dân, DN cũng thường gặp trong quá trình tuân thủ TTHC là nhiều quy định bất hợp lý gây cản trở cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng không biết “kêu” ai để sớm có biện pháp tháo gỡ. Cũng với phương pháp tiếp cận mới về giải quyết kiến nghị TTHC, ông Phan cho biết, khi gặp trường hợp này, người dân, DN cần chủ động gửi kiến nghị cho cơ quan kiểm soát TTHC thuộc UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành Trung ương để phối hợp với các cơ quan chức năng sửa đổi quy định pháp lý theo hướng phù hợp hơn, tiết kiệm chi phí tuân thủ hơn. Với tư duy như vậy, một TTHC năm nay còn phù hợp, nhưng sang năm có thể không còn hợp lý gây cản trở cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì cơ quan chức năng cần chủ động sửa đổi, chứ không máy móc phụ thuộc vào kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Mục đích tối thượng của cải cách TTHC là tạo thuận lợi tối đa và tiết kiệm chi phí cho người dân và DN trong quá trình tuân thủ TTHC, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Với tư tưởng như vậy, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành, theo ông Anh, đều được đưa ra đánh giá tác động để lượng hóa thời gian, cũng như chi phí mà người dân, DN phải bỏ ra để tuân thủ. Điểm mới của việc đánh giá tác động theo Đề án 30 là không thực hiện khép kín, hình thức trong các cơ quan soạn thảo, mà phải lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan, người dân và DN. Khi nhận được ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân liên quan, Ban soạn thảo phải lý giải tiếp thu và không tiếp thu nội dung nào và những nội dung này được thể hiện trong hồ sơ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp.