Khởi tố CTCK: Trách nhiệm của riêng doanh nghiệp?

Khởi tố CTCK: Trách nhiệm của riêng doanh nghiệp?

Liên tục các vụ lừa đảo xảy ra tại CTCK làm dư luận đặt câu hỏi về vài trò của cơ quan giám sát ở đâu?

 

Hàng loạt vụ án tại các CTCK đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, từ những CTCK nhỏ ít danh tiếng như Đại Nam , cỡ trung như SME cho đến CTCK đã từng nằm trong top 5 là SBS.

 

Câu hỏi đặt ra là với hàng ngàn tỉ đồng có liên quan, liệu chỉ riêng một vài lãnh đạo của CTCK có thể dễ dàng thực hiện được?

 

Margin: Mấu chốt vấn đề

 

Các giao dịch bị khởi tố hình sự có bản chất tương đối giống nhau: Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NĐT và đối tác. Các câu chuyện khởi nguồn từ năm 2010, thời điểm thăng hoa của các hoạt động cho vay tiền đầu tư CK (margin).

 

Trong khi pháp luật cấm thì khi đó hầu như CTCK nào có nghiệp vụ môi giới đều thực hiện dịch vụ này vì nếu không thì... NĐT sẽ chuyển sang CTCK khác. “Doanh thu khác” – loại doanh thu về bản chất chủ yếu đến từ dịch vụ margin – chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các CTCK từ lớn đến nhỏ: HSC có gần 50% là “doanh thu khác”, SSI có hơn 30% là “doanh thu khác”.

 

CTCK đã lấy tiền ở đâu để làm dịch vụ margin? Với quy mô giao dịch hàng ngàn tỉ đồng/phiên tại thời điểm thị trường nóng giai đoạn năm 2010 và tỉ lệ margin lên tới 80% hay 100% thì không CTCK nào có đủ VĐL để hỗ trợ NĐT. Đứng danh nghĩa CTCK ra vay thì cũng rất khó, vì nếu vay thì đâu là tài sản đảm bảo? Nếu CTCK không được phép cho vay CK thì cũng không thể dùng CK của NĐT để đi thế chấp cho các TCTD.

 

Như vậy, cách nhanh và thông dụng nhất là CTCK dùng các tài khoản hay pháp nhân bên ngoài, đa phần là tài khoản và pháp nhân “ảo” để lách luật. Đây chính là điểm mấu chốt của các vụ án kiện cáo, khởi tố diễn ra gần đây!

 

Khởi tố CTCK: Trách nhiệm của riêng doanh nghiệp? ảnh 1

Đối tác có thực sự vô can?

 

Cho vay trong lĩnh vực CK cũng không khác các lĩnh vực khác, đều phải tuân thủ các nguyên tắc thẩm định tín dụng chặt chẽ. Phần quan trọng đối với các khoản vay luôn là tài sản đảm bảo và việc sử dụng nguồn vốn một cách đúng mục đích.

 

Trong trường hợp của SME, “bị hại” là CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) giải trình trong tài liệu điều tra ban đầu rằng Cty đã bị lừa chuyển tiền cho SME qua 2 hợp đồng với 2 trung gian: 1 cá nhân là Hoàng Ngọc Anh và một Cty là CTCP Tư vấn Anh: “Triển khai hợp đồng, Cty PVI đã chuyển cho Cty SME hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên sau này, Cty PVI mới biết được sự thật: Họ đã bị rơi vào “bẫy” do CTCK SME dựng lên. Cá nhân mang tên Hoàng Ngọc Anh không hề đầu tư CK. Chữ ký “Hoàng Ngọc Anh” trên các giấy tờ với Cty PVI đều là giả mạo. Còn CTCP Tư vấn Anh là thành viên của CTCK SME. Hợp đồng giữa Cty Tư vấn Anh với Cty PVI đều do lãnh đạo SME đạo diễn” (theo Báo An Ninh Thủ Đô).

 

Tại sao một tập đoàn lớn như PVI  lại có thể để đối tác lừa dùng chữ ký giả trừ khi quá trình ký hợp đồng lỏng lẻo, không có sự xuất hiện của cả hai bên và có sự chứng kiến của bên thứ 3? Việc CTCP Tư vấn Anh là thành viên của CTCK SME đều được công khai và thậm chí một NĐT cá nhân cũng biết được thông tin này, nên cũng khó hiểu nếu PVI không nắm được thông tin này.

 

Còn việc người vay tiền sử dụng sai mục đích cũng khó có thể trách được một phía, vì đơn giản đây là quy trình kiểm soát rủi ro bắt buộc phải có, nhất là đối với một tập đoàn lớn như PVI.

 

Trong khi chờ cơ quan điều tra xác minh rõ sự thật không chỉ riêng trường hợp của SME, mà còn của nhiều CTCK khác thì thật khó tin vào sự “ngây thơ”, “cả tin” của các đối tác. Vào thời điểm năm 2010, CTCK chủ yếu vay tiền để cho vay margin và tự doanh nên các đối tác, nhất là trong cùng lĩnh vực tài chính, chắc chắn nắm rất rõ. Vậy liệu có phải vì động cơ chia sẻ lợi nhuận, không phải kinh doanh vất vả, chỉ chuyển cho các đối tác cho vay lấy phần chênh lệch cũng có mức lợi nhuận rất cao nên tất cả đã lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm?

 

Vai trò của cơ quan giám sát?

 

Khi thị trường margin thậm chí được quảng cáo công khai như một cách thu hút NĐT của các CTCK thì khó có thể nói cơ quan chức năng không biết hay không nắm được tình hình. Cũng có không ít lời cảnh báo công khai trên các phương tiện thông đại chúng về những rủi ro tiềm tàng của hoạt động margin khi mà tất cả người trong cuộc còn đang say với nghiệp vụ này.

 

Tuy nhiên, đáng buồn là margin chỉ được hợp pháp hóa năm 2011 sau khi “việc đã rồi”, tức là khi các CTCK đều đã dính chàm với hàng ngàn tỉ đồng và NĐT cũng bắt đầu ít mặn mà hơn.

 

Vai trò của cơ quan giám sát thể hiện hai lỗ hổng nghiêm trọng đó là (i) Biết nhưng không có những hành động ngăn chặn kịp thời, để những vi phạm tăng lên với quy mô ngày càng lớn; (ii) Khung pháp lý còn mang tính bị động, mang tính chữa bệnh hơn phòng bệnh. Những lỗ hổng này sẽ để xảy ra hậu quả gì khi mà thị trường vẫn ngày càng phức tạp?

 

Còn bao nhiêu CTCK có nguy cơ bị khởi tố?

 

Năm 2010, số CTCK là trên 100 và có không dưới 70% các Cty thực hiện nghiệp vụ môi giới, tham gia vào việc cho vay margin. Việc CTCK lao dốc đã ảnh hưởng tới gần như tất cả các thành viên của thị trường.

 

Khi mà các CTCK vẫn không thể bù đắp tổn thất cho các đối tác thì Đại Nam , SME hay SBS cũng sẽ chỉ là phát súng khởi đầu cho các vụ kiện cáo và các tên tuổi bị điều tra.