Khủng hoảng DN và góc nhìn truyền thông tài chính

Khủng hoảng DN và góc nhìn truyền thông tài chính

(ĐTCK) Báo giới góp phần giúp DN xử lý khủng hoảng, nhưng trong nhiều trường hợp, chính giới truyền thông lại vô tình hoặc hữu ý đẩy DN vào tình huống khó khăn.

Nhắc đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp - giới truyền thông, không thể không nhấn mạnh đến vai trò của báo giới khi gánh vác chức năng trung gian, góp phần giúp DN xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính giới truyền thông lại vô tình hoặc hữu ý đẩy DN vào tình huống khó khăn.

Từ giải quyết khủng hoảng…

Chiều tối ngày 3/8/2011, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại xưởng sản xuất của CTCP Dược Hậu Giang (DHG). Chưa đầy 12 giờ sau sự cố, DHG đã tiếp xúc với báo chí, chủ động đưa ra các thông tin liên quan. Kết quả, khi thông tin về vụ nổ của DHG tràn ngập trên các trang thông tin điện tử, thì cũng là lúc người đọc gần như nắm đủ các thông tin quan trọng nhất xung quanh sự cố: 8 công nhân của DHG bị thương nhẹ nên xuất viện ngay trong đêm; thiệt hại vật chất ước khoảng 34 tỷ đồng, còn nguyên nhân vụ nổ phải chờ điều tra thêm. Ở thời đại thông tin lan truyền nhanh như hiện nay, khủng hoảng DHG đã được xử lý bình tĩnh, kịp thời. Cổ phiếu DHG sau đó không rơi vào cảnh bán tháo như cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại khi gặp sự cố tương tự vào năm 2007.

Gần đây, khi thị trường BĐS lâm vào cảnh ế ẩm, các khoản vay nợ lớn của các DN BĐS bắt đầu được chú ý. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của “bầu” Đức cũng không là ngoại lệ. Tại “Hội nghị chuyên đề về chống thất thu và nợ đọng thuế” được tổ chức mới đây, đại diện cơ quan quản lý đã dẫn chứng danh tính một loạt “đại gia” chưa hoàn thành nghĩa vụ này, trong đó, có HAG. Có thể nhằm mục đích gây chú ý, một số báo mạng giật tít: “HAGL nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng” cho cả bài viết chung phản ánh hội nghị. Có cây viết còn hùng hồn kết luận: “Thị trường BĐS đóng băng cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nộp thuế của một số doanh nghiệp, thậm chí tiền thuế nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng như HAG”. Các thông tin này khá nhạy cảm với một DN lớn như HAG đặt trong bối cảnh thị trường BĐS đang rất khó khăn, đặc biệt, dễ khiến độc giả liên tưởng đến một bức tranh tài chính kém lành mạnh.

Sự thật ra sao? Vài tiếng sau khi xuất hiện thông tin HAG nợ thuế trên các phương tiện truyền thông, dù đang ở nước ngoài, nhưng qua một số trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn, “bầu” Đức đã chủ động phản hồi. Lãnh đạo của HAG đính chính Công ty chỉ chậm nộp thuế, chứ không chây ỳ. Cụ thể, thời điểm đầu tháng 3, HAG có tới 2.800 tỷ đồng tiền mặt, nhưng là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con nên việc thực hiện hợp nhất kết quả kinh doanh mất nhiều thời gian. Giống như DHG, việc HAG ứng xử nhanh với khủng hoảng khiến các thông tin tiêu cực cho DN vừa chớm xuất hiện, ngay lập tức được hóa giải kịp thời. Cổ phiếu HAG hầu như không chịu tác động xấu nào.

Đây chỉ là hai trong số khá nhiều trường hợp gần đây mà truyền thông tài chính đóng vai trò giải quyết khủng hoảng cho DN.

 Khủng hoảng DN và góc nhìn truyền thông tài chính ảnh 1

… đến thất bại vì truyền thông

Thực tế đã xuất hiện những bài học đắt giá khi công tác truyền thông không được nhìn nhận với tầm quan trọng đúng mức khi DN lâm vào khủng hoảng. Đơn cử như trường hợp của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD). Trước khi sa vào cuộc chiến thâu tóm và chống thâu tóm mất còn với đối thủ cùng ngành là Dược phẩm Hà Tây (DHT), DVD xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chủ yếu mang tính PR hoặc gắn với thông tin thâu tóm DHT. Sau khi ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT DVD vướng vòng lao lý, thì thông tin về DVD tới giới đầu tư chỉ còn xuất hiện qua các nguồn trung gian như cơ quan quản lý. DVD chọn cách im lặng trước các sóng gió, thậm chí không thực hiện một loạt nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc trong một thời gian dài. Rồi bất ngờ, giới đầu tư nhận được thông tin Công ty bị yêu cầu làm thủ tục phá sản. Thông tin do Ngân hàng ANZ, một trong các chủ nợ của DVD chủ động thông báo cho HOSE.

Lý do trực tiếp dẫn đến sự phá sản của DVD bắt nguồn từ các khoản nợ ngân hàng. Tuy nhiên, lý do gián tiếp là biện pháp xử lý khủng hoảng, trong đó, có thái độ ứng xử với truyền thông. Cần nhắc lại là đầu năm 2012, CTCP Thủy sản Bình An - Bianfishco cũng gặp rắc rối tương tự với các khoản nợ lớn hơn nhiều. Thế nhưng, rốt cuộc, Bianfishco lại tìm được các bàn tay cứu giúp, hỗ trợ. Lật lại các bài viết cũ không mấy tích cực về DVD thời điểm đó, có thể nhận ra một điều rằng, trước sóng gió, không một lãnh đạo nào của DVD xuất hiện để giải quyết các khủng hoảng về thông tin và rộng hơn là niềm tin. Ngược lại, dù gặp áp lực lớn hơn nhiều, nhưng tại bất cứ thời điểm nào, lãnh đạo lâm thời của Bianfishco cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ với các chủ nợ. Đứng trên góc độ các ngân hàng, không ai muốn con nợ phá sản, nhưng rõ ràng, họ cũng không thể đặt niềm tin vào một Ban lãnh đạo vô trách nhiệm, coi thường các cổ đông.

 

Năng lực thử thách

Với hiệu ứng lan tỏa và cộng hưởng, báo chí có khả năng hỗ trợ DN mau chóng giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các kênh truyền thông đã tạo nên sự sôi động chưa từng thấy trong việc phản ánh các ngõ ngách của thị trường tài chính hiện nay. Nhưng chính lúc này, năng lực của giới truyền thông tài chính nói chung phải chịu thử thách thực sự. Đơn cử, quý I vừa qua, có công ty khoáng sản không phát sinh doanh thu nên bị thua  lỗ, nhưng cổ phiếu của Công ty vẫn tăng giá ấn tượng. Lập tức, sau đó, trên một số tờ báo xuất hiện các bài viết phân tích, mang tính cảnh báo như thường thấy: “cổ phiếu lỗ vẫn tăng giá”. Mục đích của người viết tốt, tuy nhiên, giới đầu tư tỏ ra không hài lòng khi người viết vô tình đẩy sự việc ra khỏi bản chất thực của nó. Bởi lẽ, do thay đổi về thuế suất nên trong quý I, DN này chủ động “ém hàng” để được hưởng mức thuế dễ chịu hơn sau đó.

Trước một sự kiện nóng trên thị trường, hầu hết các kênh truyền thông đều đổ xô vào tường thuật, đưa tin. Và cụm từ “bầy đàn” mà không ít cây viết sử dụng để miêu tả NĐT lại được không ít chuyên gia dùng để đặt tên cho hiện tượng truyền thông tài chính chạy đua đưa tin hay bình luận về một sự kiện nào đó bằng những đánh giá phiến diện, chủ quan. Chẳng hạn, chủ đề thâu tóm và bị thâu tóm gần đây được đề cập khá nhiều sau các thương vụ M&A Eximbank -  Sacombank; SHB - Habubank. Điều đáng nói là xuất hiện cả những thương vụ “ảo” được dựng lên dưới dạng nghi vấn, chỉ sử dụng tin đồn trên thị trường, kèm theo các tình tiết hậu trường giật gân phi lý kiểu “tập đoàn M có một đội quân chuyên đi rỉ tai các CTCK về những thương vụ thâu tóm sắp thực hiện”, ảnh hưởng đến uy tín của DN được nêu tên.

Có thể nói, để nhận được sự yêu mến, tin tưởng của độc giả, thông tin phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan. Nghe thì đơn giản, nhưng làm được điều này quả là không dễ.

HAGL nhiều lần phải lên tiếng “nói lại cho rõ” sau thông tin từ một số tờ báo