Hình thức được nhiều DN áp dụng trong Tết năm nay là dùng cổ phiếu của công ty thưởng cho nhân viên.

Hình thức được nhiều DN áp dụng trong Tết năm nay là dùng cổ phiếu của công ty thưởng cho nhân viên.

Kỷ lục thưởng Tết

(ĐTCK-online) Năm hết Tết đến, "chủ đề nóng" được bàn tán nhiều là lương thưởng năm nay có xôm tụ hơn trước. Với cuộc đua nhân lực nóng bỏng trong năm 2007 này, kỷ lục về thưởng Tết có lẽ thuộc về ngành chứng khoán. Và lương, thưởng đã không chỉ để ghi nhận thành tích mà còn để "câu" người tài… Một nhà quản lý khi bàn về chủ đề này đã tổng kết: "Nếu như trước đây có phong trào anh nào khá đi làm cho Tây, giờ anh nào từng làm cho Tây thì lại quay về làm cho ta".

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, năm nay quỹ khen thưởng phúc lợi của SSI lên tới 200 tỷ đồng (tương đương với 20% lợi nhuận sau thuế). Như vậy, nếu chia cho 400 lao động trong Công ty thì trung bình mỗi người lĩnh gần 500 triệu đồng, tất nhiên ai có phần người đó tùy theo năng lực, cống hiến. Theo lời ông chủ tịch một trong những CTCK lớn nhất VN, mặt bằng lương của SSI không cao nhưng thu nhập lại cao và nguyên tắc trả lương là dựa vào khả năng và hiệu quả công việc của người lao động.

Đa phần lãnh đạo DN đều quan niệm rằng, thưởng Tết là một cách để giữ người tài, do vậy họ chủ yếu áp dụng chế độ thưởng theo mức độ hoàn thành công việc của từng cá nhân. Hình thức được nhiều DN áp dụng trong Tết năm nay là dùng cổ phiếu của công ty thưởng cho nhân viên. CTCK FPT thiết lập hẳn một quy định đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên, một trong số đó là không đầu tư kinh doanh CK dưới mọi hình thức, bù lại lương thưởng hay quyền mua cổ phần của người lao động được ưu đãi hơn so với các công ty con trong FPT. Nhưng đây có lẽ cũng là điều kiện khá khó khăn nên trưởng phòng môi giới Chi nhánh TP.HCM đã phải ra đi và trong làng chứng khoán từng dị nghị, FPTS mới hoạt động đã "trảm tướng".

Vậy CTCK quốc doanh thì sao, một trưởng phòng của CTCK trực thuộc một ngân hàng quốc doanh cho biết, dù làm ra lợi nhuận cỡ nào chăng nữa, thưởng và thu nhập của người lao động trong công ty này cũng không thể vượt quá nhiều so với khung quy định của Nhà nước. Ví dụ như anh, mỗi tháng lương chưa được 10 triệu đồng, thưởng Tết xôm lắm được 30 triệu. Tất nhiên, thu nhập thực tế của anh trưởng phòng này khó có thể dừng ở mức độ trên, bởi cơ hội tiếp cận thông tin và đầu tư không ít.

Lương thưởng của công chức TTGDCK Hà Nội được ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm "bật mí" khá cởi mở, bắt đầu từ năm 2003 cán bộ Trung tâm ăn lương hệ số 1, hưởng lương ngân sách. Cuối năm 2006, HASTC xin cơ chế tự chủ một phần (lương trả cho cán bộ gấp 3 lần lương cơ bản), sau đó Trung tâm đã mạnh dạn xin cơ chế tự chủ 100% (hiện cán bộ Trung tâm hưởng lương gấp 5 lần lương cơ bản). Với những công chức "mới toe" vào Trung tâm, lương khởi điểm khoảng 2,2 triệu đồng, còn với những người đã có kinh nghiệm hay đi học ở nước ngoài về lương khởi điểm khoảng 4-4,5 triệu đồng. Nhưng quỹ thưởng của Trung tâm cũng không thể vượt quá 3 tháng lương thực hiện (theo quy định của Nhà nước). Ông Dũng cho biết, so với lương công chức Bộ Tài chính thì đó là mức cao, nhưng với bên ngoài thì thu nhập như vậy vẫn quá thấp. Ở Trung tâm này, một số nhân sự chủ chốt từng ra đi vì cơ chế bên ngoài hấp dẫn hơn.

Chuyện lương thưởng cũng là mối quan tâm của những người đứng đầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT SCIC cho biết, định chế tài chính này phải đối mặt thường xuyên với vấn đề nhân sự khi lời mời chào từ các CTCK, công ty quản lý quỹ gửi tới tấp đến cán bộ giỏi trong DN với hứa hẹn mức lương trung bình khiêm tốn cũng vào khoảng 3.000-4.000 USD/tháng, thu nhập cả năm có khi tới con số triệu USD. Trong khi cơ chế lương thưởng của SCIC vẫn bó theo quy định của Nhà nước. "Muốn mời nhiều người giỏi về làm việc nhưng cơ chế như vậy tìm người đã khó giữ người còn khó hơn", bà Tâm chia sẻ.

Năm 2007 cùng với phong trào thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ rầm rộ, chưa kể đến việc các ngân hàng đua nhau mở rộng quy mô hoạt động, thành lập chi nhánh mới, chuyện nhân sự, câu kéo người tài trong các DN nóng bỏng chẳng kém diễn biến trên TTCK. Có những nhân vật, một năm nhảy việc tới 4 lần, đến nỗi bạn bè cứ mỗi lần gặp mặt, câu đầu tiên là "dạo này làm ở đâu đấy?".

Với trên 70 CTCK, trên 20 CTQLQ đang hoạt động và trên 50 hồ sơ xin thành lập 2 loại hình công ty này đang chờ được cấp phép, nhìn qua cũng có thể thấy chuyện nhân sự cấp cao trong ngành chứng khoán nóng bỏng nhường nào, vì lấy đâu ra đủ 300 người cho vị trí tổng giám đốc, phó tổng giám đốc(!)

Chính vì tìm kiếm nhân sự khó như vậy mà nhiều kế hoạch của TTGDCK Hà Nội chậm thực hiện. "Lương thưởng của CTCK trả rất cao nên rất khó cho chúng tôi, chẳng hạn khi triển khai cải tiến hệ thống công nghệ phải cần đến chuyên gia giỏi mà khó tìm quá" - tâm tư của ông Dũng có lẽ không chỉ là nỗi lo nhân sự của sàn HASTC.         

                                                                               Anh Việt
    

Tin liên quan:

>> Công ty chứng khoán ăn Tết to