Lãnh đạo DN ôm tiền mua CP: Sợ nhất… đại dịch!

(ĐTCK-online) Vụ việc Tổng giám đốc CTCP Mía đường La Ngà ôm tiền đầu tư chứng khoán chưa nguội, mới đây một nhóm cổ đông của CTCP XNK Thủy sản Hà Nội lại gửi đơn kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản ánh câu chuyện tương tự tại doanh nghiệp mình. Điều khiến cổ đông bức xúc hơn cả là bà tổng giám đốc Công ty lại đầu tư mua cổ phiếu VPBank trên thị trường OTC, nơi mức giá và phương thức giao dịch khó có thể đảm bảo tính minh bạch.

CTCP XNK Thủy sản Hà Nội là DNNN được chuyển đổi sang CTCP từ ngày 20/10/2006 với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 59,3% (người đại diện phần vốn nhà nước là ông Đặng Đình Bảo, Chủ tịch HĐQT nắm 39,3%; bà Trần Minh Hà, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc nắm 20%). Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 19/4/2008, nhiều cổ đông rất bức xúc khi biết rằng, trong báo cáo tài chính năm 2007, Tổng giám đốc Trần Minh Hà đã tự ý thực hiện đầu tư chứng khoán ngắn hạn là dùng 16,360 tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank tại thị trường OTC.

Theo phản ánh của các cổ đông, tại thời điểm kết thúc năm tài chính (ngày 31/12/2007), giá cổ phiếu VPBank trên thị trường OTC giảm. Khi đó, dự kiến số tiền thua lỗ cho khoản đầu tư này là 8 tỷ đồng, nhưng Công ty không hề lập dự phòng giảm giá theo đúng quy định của kế toán hiện hành. Đến nay, giá cổ phiếu VPBank xấp xỉ bằng mệnh giá, số tiền thua lỗ (nếu bán cổ phiếu) lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Các cổ đông cho biết, theo điều lệ Công ty thì lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Công ty không có chức năng đầu tư chứng khoán và việc mua cổ phiếu của doanh nghiệp khác phải được HĐQT phê duyệt. Nhưng qua tìm hiểu, các cổ đông này được biết, HĐQT không có nghị quyết nào chấp nhận giá mua, số lượng và phương thức mua cổ phiếu VPBank. “16,360 tỷ đồng là số tiền lớn, chiếm 16,3% vốn điều lệ của Công ty đã được Tổng giám đốc dùng mua cổ phiếu tại thị trường chợ đen và mua của cá nhân khi thị trường không chính thức đang suy giảm. Việc mua này là không công khai, minh bạch. Các cổ đông đã yêu cầu Tổng giám đốc phải làm rõ giá cổ phiếu mua vào, đối tượng mua nhưng không được trả lời thỏa đáng”, một cổ đông bức xúc nói.

Khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, HĐQT tuân thủ đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty và quyết định của ĐHCĐ. Trong trường hợp quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty, gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên chấp thuận thông qua quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện quyết định nói trên.

(Khoản 4, Điều 108, Luật Doanh nghiệp 2005)

Tại cuộc họp ĐHCĐ 2007, luật gia Cao Bá Khoát được ủy quyền tham dự họp của một cổ đông lớn đã hỏi thẳng: “Tổng giám đốc có phân tích, đánh giá và xây dựng các tiêu chí đầu tư cũng như phương thức mua cổ phiếu VPBank trình HĐQT phê duyệt không? HĐQT có Nghị quyết chấp nhận giá mua số cổ phần của doanh nghiệp không?”

Bà Trần Minh Hà, qua trao đổi với ĐTCK lại khẳng định, quyết định đầu tư của bà đã được HĐQT thông qua và khi đầu tư vào cổ phiếu VPBank, Công ty đã nghiên cứu rất kỹ báo cáo tài chính cũng như tiềm năng phát triển của Ngân hàng. “Khi đầu tư, ai nghĩ lại có ngày như hôm nay, TTCK suy giảm, giá cổ phiếu xuống, cổ đông mới bức xúc như vậy”, bà Trần Minh Hà nói. Hơn nữa, theo quy định làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu VPBank, đối với tổ chức nhận chuyển nhượng chưa phải cổ đông của VPBank, trong hồ sơ phải có điều lệ, biên bản họp HĐQT về việc đồng ý mua cổ phiếu của VPBank. “Không có đủ giấy tờ làm sao Công ty có thể đứng tên sở hữu cổ phiếu VPBank?”, bà Trần Minh Hà giải thích.

Tuy nhiên, theo một thành viên HĐQT, vị này chưa bao giờ được nghe nói đến khoản đầu tư cổ phiếu VPBank nói trên (đến tận khi xem báo cáo tài chính năm 2007) và cũng chưa từng được mời họp để bàn cũng như thông qua biên bản họp HĐQT về việc đồng ý mua cổ phiếu VPBank.

Cũng theo phản ánh của cổ đông, sau khi cổ phần hoá, tình hình kinh doanh tại Công ty ngày càng sa sút, trong năm 2007 tất cả các chỉ tiêu đều giảm và hầu hết không đạt theo Nghị quyết ĐHCĐ ngày 15/12/2006 đề ra. Hàng thủy sản tồn kho lên đến gần 50% vốn điều lệ (49 tỷ đồng). Kết quả, chia cổ tức cho cổ đông năm 2007 là 3,75% trên tổng vốn 100 tỷ đồng, số lợi nhuận này chủ yếu thu từ nguồn cho thuê nhà và tiền gửi ngân hàng.

Thực hư câu chuyện thủ tục mua cổ phần VPBank của CTCP XNK Thủy sản Hà Nội như thế nào và vì sao hoạt động kinh doanh của công ty này lại sa sút sau cổ phần hoá, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và truyền tải đến bạn đọc trong số báo tới.