Câu chuyện các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất vẫn là một nhân tố đe dọa đến sự tăng bền vững của thị trường - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Câu chuyện các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất vẫn là một nhân tố đe dọa đến sự tăng bền vững của thị trường - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Lo có “ngọn lửa dưới đám khói”

(ĐTCK-online) Một số thông tin tốt báo hiệu dòng tiền có khả năng hỗ trợ chứng khoán đã xuất hiện trong tuần này, tuy nhiên, câu chuyện các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất vẫn là một nhân tố đe dọa đến sự tăng bền vững của thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn quyết định đứng ngoài.

Trước tiên, nói đến thông tin tích cực là gần 1 tỷ USD vốn ròng đầu tư gián tiếp nước ngoài đã vào thị trường Việt Nam, trong đó chỉ có hơn 10% vốn đầu tư vào trái phiếu, còn lại là vốn vào cổ phiếu.

Thứ hai, là sự tăng điểm của TTCK được "mồi" bằng lực đẩy của nhà đầu tư nước ngoài, sau đó được củng cố thêm bằng các lệnh lớn đặt vào cuối phiên của các chủ thể đầu tư trong nước đã "kích hoạt" loạt lệnh mua vào của nhiều nhà đầu tư khác. Một lượng tiền không nhỏ đã "trở về" thị trường sau khi "tạm trú" ở USD và vàng khi "khu vực" này bắt đầu tăng độ rủi ro.

Có thể nói, kênh gửi tiết kiệm đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với kênh đầu tư chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm đang chiếm ưu thế cạnh tranh vì lãi suất cao và an toàn nhưng chứng khoán cũng hấp dẫn không kém nhờ giá rẻ và triển vọng lợi nhuận cao trong dài hạn nếu đầu tư đúng vào những công ty tốt.

Ngay khi có động thái đua lãi suất kỷ lục trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo ổn định lại mức lãi suất như các ngân hàng đã cam kết với nhau.

Tuy nhiên, liệu lãi suất huy động thực tế có được ổn định? Hiện nay, các ngân hàng huy động vốn đều ghi sổ lãi suất danh nghĩa thấp và thưởng tiền mặt trực tiếp cho nhà đầu tư tạo nên mặt bằng lãi suất thực cao. Nếu các ngân hàng vẫn tiếp tục âm thầm đua tăng lãi suất bằng các hình thức khuyến mại hoặc thỏa thuận ngầm với khách hàng thì mặt bằng lãi suất 14% hiện nay chỉ là một "tấm vỏ bọc" ngày càng dày lên trên danh nghĩa.

Phương thức điều hành của NHNN về lãi suất đang là trọng tâm thu hút sự chú ý của thị trường để đánh giá rủi ro có thể có đối với TTCK trong thời gian tới. Còn nhớ, không xa thời điểm hiện nay, chủ trương lãi suất là "vào 10, ra 12" đã khiến cho bao nhà đầu tư kỳ vọng, đã không thực hiện được. Bây giờ, khi thị trường đã "thử phản ứng" với mức lãi suất công bố lên đến 18%/năm, thì dù sau đó, lãi suất có giảm trở lại, nhiều nhà đầu tư cũng vẫn lo ngại về "ngọn lửa dưới đám khói".

Nếu NHNN thành công trong việc kiềm chế lãi suất tăng quá cao thì sẽ là tin tốt cho chứng khoán, bằng không, lại tạo ra một cái "bẫy" cho TTCK như giai đoạn trước đây.