“Lỏng tay” với CTCK mất an toàn tài chính

“Lỏng tay” với CTCK mất an toàn tài chính

(ĐTCK) Để khắc phục những kẽ hở xuất hiện khi triển khai Thông tư 226/2010/TT-BTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi thông tư này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều NĐT, dự thảo vẫn có nhiều điểm “lỏng tay” với các CTCK mất an toàn tài chính (ATTC).

Còn nhiều kẽ hở

Thông tư 226 có hiệu lực cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, nội dung liên quan đến quy định về việc đặt các CTCK vào diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt, cũng như các biện pháp xử lý khi CTCK rơi vào tình trạng này lại mới có hiệu lực từ ngày 1/4 năm nay. Tuy mới có hiệu lực hơn 4 tháng, nhưng Thông tư 226 đã bộc lộ nhiều điểm hở trong việc xử lý các CTCK rơi vào diện có biểu hiện không đảm bảo ATTC. Trường hợp của CTCK SME (SMES) là một ví dụ. Vì Công ty không báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng, mà UBCK không thể đặt SMES vào diện kiểm soát đặc biệt, mặc dù có nhiều nghi vấn không đảm bảo ATTC…

“Lỏng tay” với CTCK mất an toàn tài chính ảnh 1

Nhằm khắc phục tình trạng trên, cũng như một số kẽ hở khác, mới đây, UBCK đã công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 226 để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Để giải quyết tình trạng các CTCK chây ỳ nộp báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng, nhằm tránh việc bị UBCK đặt vào tình trạng kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt, dự thảo quy định: UBCK ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi không thực hiện báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng trong 3 kỳ (tháng) liên tiếp, hoặc không công bố thông tin về tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại Điều 11, Thông tư này…

Mặc dù vậy, theo NĐT Trần Tiến Dũng (Hà Nội), quy định như dự thảo vẫn chưa thực sự mạnh tay trong chấn chỉnh tình trạng không đảm bảo ATTC tại các CTCK. Điều này tiếp tục gây rủi ro cho NĐT và thị trường. Dự thảo còn kẽ hở rất dễ bị CTCK lợi dụng để che giấu tình trạng mất ATTC. Cụ thể, dự thảo cho phép CTCK được “nợ” tới 3 kỳ liên tiếp không báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng, sau đó mới bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Ba tháng là quá dài, nên có nguy cơ CTCK sẽ xoay xở bằng nhiều cách để giấu giếm bức tranh tài chính thực, trong đó không loại trừ có đơn vị trục lợi chứng khoán và tiền của NĐT. Do CTCK được phép “nợ” báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng tới 3 kỳ, nên trong khoảng thời gian này, UBCK sẽ bị động trong việc ngăn ngừa hệ lụy của tình trạng mất ATTC tại CTCK…

Một NĐT tại CTCK Sài Gòn cảnh báo, dự thảo đưa ra quy định CTCK không báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng trong 3 kỳ liên tiếp mới bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt là còn sơ hở. Lý do là bởi các CTCK sẽ lách quy định này bằng cách… thi thoảng họ mới không báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng 1 - 2 kỳ, sau đó kỳ thứ 3 lại báo cáo. Như vậy, UBCK không thể đặt CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt.

“Dự thảo nên điều chỉnh theo hướng, CTCK không thực hiện báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng ngay trong một kỳ, thì UBCK ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt…”, ông Dũng đề nghị.

Cũng theo dự thảo, UBCK có quyền đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức này có khoản ngoại trừ trọng yếu tại báo cáo tài chính đã được soát xét, hoặc đã được kiểm toán dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới mức 120%... Quy định này, theo các NĐT là chưa cụ thể, không rõ ràng. Lý do là chưa rõ tổ chức, cá nhân nào có nghĩa vụ lượng hóa khoản ngoại trừ trọng yếu, để đưa ra các tính toán dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới mức 120%, để trên cơ sở này, UBCK mới đặt CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt. Để đảm bảo tính khả thi,  công ty kiểm toán, hay chính CTCK phải có trách nhiệm làm rõ ẩn số của khoản ngoại trừ, để có cơ sở tính toán tỷ lệ vốn khả dụng, từ đó có biện pháp xử lý.

 

Bất ổn đình chỉ hoạt động nghiệp vụ?

Theo dự thảo, sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt (không quá 3 tháng), nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp thấp hơn 50% vốn điều lệ, thì bị đình chỉ hoạt động nghiệp vụ kinh doanh có ảnh hưởng đến tài sản của NĐT…

Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư cho rằng, quy định như dự thảo là chưa rõ ràng, bởi chưa làm rõ nghiệp vụ kinh doanh nào của CTCK ảnh hưởng đến tài sản của NĐT. Vẫn biết, lâu nay, khi CTCK có vấn đề về “sức khỏe” tài chính, UBCK thường rút nghiệp vụ môi giới để giảm thiểu thiệt hại cho NĐT. Nhưng đã là quy định pháp lý thì phải chi tiết, nghiệp vụ ảnh hưởng đến tài sản của NĐT là môi giới, hay tư vấn… Mặt khác, việc phải đợi sau 3 tháng mới đình chỉ nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, thì liệu có đảm bảo loại trừ được ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản của NĐT, trong khoảng thời gian khá dài này?