Mỗi CTCK thực hiện trả lãi tiền gửi cho nhà đầu tư mỗi kiểu

Mỗi CTCK thực hiện trả lãi tiền gửi cho nhà đầu tư mỗi kiểu

Minh bạch lãi tiền gửi của nhà đầu tư

(ĐTCK-online) Tiền lãi của vài triệu, vài chục triệu đồng để trong tài khoản giao dịch với mỗi NĐT nhỏ là khoản tiền hầu như chẳng mấy ai để ý khi tham gia TTCK, nhưng khi số tiền đó lên tới vài tỷ, vài chục tỷ đồng và giữa thời điểm thị trường khó kiếm tiền như hiện nay thì lại là câu chuyện đáng nói. Trả lãi cho NĐT không phải là yêu cầu bắt buộc với bất cứ CTCK nào và vì thế, việc này đang được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, nhiều NĐT đôi khi cũng "quên béng" quyền lợi chính đáng của mình.

Khảo sát qua vài CTCK với tư cách NĐT, người viết bài thấy mỗi nơi thực hiện trả lãi tiền gửi cho NĐT mỗi kiểu. Tại CTCK Sài Gòn (SSI), trong hợp đồng mở tài khoản có quy định, khách hàng được hưởng các khoản lãi hợp pháp phát sinh từ số tiền và chứng khoán của mình được CTCK lưu giữ… Hợp đồng mở tài khoản của CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BSC) cũng ghi: "Khách hàng được hưởng các khoản lãi phát sinh từ số tiền và chứng khoán của mình được BSC lưu giữ, bao gồm lãi trên số dư của tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán, cổ tức, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật". Thế nhưng, NĐT mở tài khoản tại hai công ty này muốn kiểm tra xem mình có được trả lãi hay không thì phải thân chinh đến công ty hoặc phòng giao dịch để yêu cầu sao kê tài khoản chứ chưa bao giờ được thông báo, cũng như chưa có phương tiện thuận lợi hơn để kiểm tra.

Tại CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), theo phản ánh của một NĐT, anh  không được nhận lãi tiền gửi khi mở tài khoản tại đây. Chuyển câu hỏi này đến nhân viên môi giới thì nhận được câu trả lời rằng, Công ty có trả lãi nhưng không tính theo tháng mà có thể là tính theo năm hoặc theo quý và chính nhân viên này cũng không nắm được(!?). Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc VCBS cho hay, bà cũng không nắm được cụ thể trong hợp đồng của Công ty có quy định trả lãi cho NĐT hay không. Nhưng dù có hay không quy định trong hợp đồng, bà Liên khẳng định, VCBS cũng vẫn trả lãi cho NĐT, chỉ có điều, khoản tiền đó không phải tự động tính hàng tháng mà có thể tính định kỳ vào một thời điểm nào đó. "Ngay cả trường hợp NĐT đã đóng tài khoản tại Công ty, khi chúng tôi tất toán lãi cũng sẽ thông báo cho họ đến nhận, hoặc yêu cầu họ thông báo số tài khoản để chuyển tiền vào", bà Liên cho hay.

 

Lựa chọn một phía

Khi thị trường "nóng", đối với nhiều NĐT và cả CTCK, đề cập đến vấn đề này chẳng mấy ai quan tâm bởi họ giao dịch mua bán liên tục, nhưng nay thị trường đang diễn biến ngược lại, nhiều NĐT găm tiền trong tài khoản tới 2 -3 tháng, trong đó có không ít NĐT VIP có số dư tiền trong tài khoản lên tới cả chục tỷ đồng.

Với những CTCK lớn, số dư tiền gửi tài khoản chứng khoán của mỗi công ty có thể từ vài trăm tỷ đến cả nghìn tỷ đồng, CTCK không giữ mà chuyển tới ngân hàng quản lý hộ và đằng sau đó có thể là những thỏa thuận cũng rất có lợi cho công ty.

Thế nhưng, giải thích cho việc CTCK không thể tính tiền lãi và trả tự động hàng tháng cho NĐT, bà Liên cho rằng, do nhiều thao tác tại VCBS vẫn làm thủ công, trong khi lượng tài khoản tại Công ty lên tới con số 45.000. Hiện VCBS cũng đã phối hợp với ngân hàng mẹ VCB quản lý tiền của NĐT, nhưng mới thực hiện bước đầu là mở tài khoản tổng của Công ty tại VCB và tách bạch quản lý những tài khoản nhỏ, tài khoản mới về ngân hàng. Bà Liên cũng cho biết, số dư tiền gửi trung bình của các NĐT tại VCBS vào khoảng vài trăm tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, ngay cả với các ngân hàng để huy động được nguồn vốn như vậy trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm cũng lên tới 15-16%/năm. Vậy liệu NĐT có được hưởng lãi không và số tiền đó được tính như thế nào rất cần một câu trả lời rõ ràng từ CTCK?

Đề cập đến vấn đề này, một quan chức Ban Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, luật không quy định cụ thể CTCK hay ngân hàng buộc phải trả tiền lãi tài khoản tiền gửi cho NĐT mà hai bên có thể thỏa thuận, căn cứ chính nếu có tranh chấp xảy ra để xem xét là hợp đồng mở tài khoản. Nếu trong hợp đồng, CTCK không cam kết trả lãi cũng như không quy định về lãi suất cụ thể thì họ có quyền trả lãi thậm chí chỉ tượng trưng là 0,01%, chứ không thể buộc họ trả theo quy định là lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng. "Vì lý do trên nên khi mở tài khoản, NĐT cần đọc kỹ và chú ý trong hợp đồng", vị quan chức này nói.

Theo công văn mới đây của UBCK, ngày 1/10/2008 là thời hạn cuối cùng tách bạch quản lý tài khoản tiền gửi của NĐT. Cách làm phổ biến hiện nay là CTCK mở một tài khoản tổng tại ngân hàng, NĐT sẽ nộp tiền qua ngân hàng nhưng vào tài khoản này. Lý do CTCK đưa ra là, nếu tách riêng từng tài khoản thì sẽ rất khó trong việc xác thực và kiểm tra để cho phép NĐT giao dịch. Tuy nhiên, theo đại diện của UBCK, nếu thực hiện như trên thì CTCK vẫn có toàn quyền can thiệp vào tài khoản tiền gửi của NĐT. Trong trường hợp như vậy, CTCK là người trực tiếp hưởng lợi từ tài khoản này, đồng nghĩa với việc họ là người trả lãi cho tiền gửi của NĐT. Còn trong trường hợp tách bạch từng tài khoản tới ngân hàng thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm trả lãi cho NĐT, thậm chí có thể cam kết một mức lãi hấp dẫn hơn. "Trong trường hợp này, nếu đã ký hợp đồng với CTCK, NĐT cần hỏi lại cho rõ và cần thiết thì nên lập một hợp đồng cụ thể với ngân hàng để tránh những phiền phức về sau", vị quan chức trên cho hay.