Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM

Muốn cứu thị trường, phải cứu doanh nghiệp

(ĐTCK) "Nếu Chính phủ có biện pháp cứu thì cứu DN, chứ không phải cứu chứng khoán. Bởi TTCK chỉ phản ánh sức khỏe nền kinh tế, tình hình tài chính DN".

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết như vậy trong cuộc  trao đổi với ĐTCK nhân dịp đầu năm mới.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cứu TTCK vốn đang èo uột và rớt giá thê thảm? Vậy theo ông, chứng khoán niêm yết ở HOSE có quá rẻ hay không?

Có thể nói, một số ít cổ phiếu đang rẻ. Nhưng tôi cũng thấy nhiều cổ phiếu giá giảm cực thấp, chưa đến 1.000 đồng/CP, mà NĐT cũng không mua, vì doanh nghiệp đó nợ quá nhiều, nợ gấp mấy lần vốn chủ sở hữu. Họ mua vào là bị ôm cục nợ!

Theo tôi, TTCK phản ánh sức khỏe nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới là chủ thể cần cứu. Mà phát triển, khuyến khích ngành nghề nào là tùy thuộc vào chính sách của Chính phủ.

Nhưng đúng là chính sách thuế với NĐT chứng khoán đang bất hợp lý. Tôi kiến nghị, Chính phủ nên miễn giảm lớn hơn để động viên NĐT, vì họ đang thua lỗ.

 

Ông dự báo thế nào về thị trường năm 2012, liệu có khả quan hơn năm qua hay không, thưa ông?

Năm 2012 chưa phải là năm tốt với chứng khoán, vẫn có nhiều khó khăn cho thị trường, vì chuyển biến kinh tế vĩ mô cần có thời gian sau khi thực hiện những chính sách để ổn định. Khủng hoảng ở châu Âu đang diễn ra sẽ lan tỏa, ảnh hưởng đến Việt Nam. Những gì doanh nghiệp làm được trong năm 2011 phải lo dự phòng cho năm 2012 này.

 

Nhiều NĐT đã rời bỏ hoặc vẫn đứng ngoài TTCK. HOSE sẽ làm gì trong năm 2012, thưa ông?
Thị trường nào cũng thế, giai đoạn đầu mở ra thu hút số đông doanh nghiệp tham gia, nhưng sau đó thị trường càng phát triển càng phải nâng cao chuẩn mực để phát triển bền vững và để thị trường phản ánh đúng sức khỏe nền kinh tế. Qua mỗi đợt sóng gió, thị trường lại sàng lọc các doanh nghiệp.

Theo tôi, đây là lúc để cấu trúc lại thị trường. Tới đây, Sở sẽ triển khai thực hiện các quy định mới về nâng cao chuẩn doanh nghiệp niêm yết, nâng cao chất lượng hàng hóa. Không chỉ tăng tiêu chuẩn về vốn, mà các quy định mới về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn. Không có chuyện chây ì công bố thông tin. Nếu cứ chạy theo số lượng doanh nghiệp niêm yết, mà để hàng hóa chất lượng kém, thì người ta cũng không còn tin vào Sở nữa.

Vào đầu tháng 2, Sở sẽ họp công bố chỉ số VN-Index 30. Chỉ số này do một hội đồng độc lập gồm 9 thành viên, do PGS.TS Trần Hoàng Ngân làm chủ tịch, xây dựng dựa trên các tiêu chí để chọn ra 30 doanh nghiệp tính chỉ số.

Chúng tôi đã làm bảng phân ngành, giờ đánh giá lại để tiếp tục phân ngành hợp lý. Lựa chọn 15 doanh nghiệp hàng đầu đưa lên trang web của TTCK các nước ASEAN. Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng khung pháp lý cho sự ra đời của thị trường phái sinh…

 

Hiện nay, một số công ty tính đến việc rút niêm yết. Theo ông, đây có phải là vấn đề đáng quan tâm của HOSE?

Nói thực là tôi không ngại các doanh nghiệp rút niêm yết. 30 doanh nghiệp của chỉ số VN-Index 30 đã chiếm đến 80% giá trị vốn hóa thị trường. Nếu cơ chế chính sách làm cho doanh nghiệp niêm yết thiệt thòi thì chúng ta phải sửa.

Còn mở TTCK, chúng ta muốn doanh nghiệp niêm yết càng đông càng tốt, nhưng doanh nghiệp ngoài lợi ích của mình phải có trách nhiệm với thị trường. Lên niêm yết để phấn đấu ngày một tốt lên.

Trường hợp một doanh nghiệp niêm yết để thực hiện ý đồ nào đó, nay thấy không còn có lợi, muốn ra đi, thì cũng không bắt buộc được. ĐHCĐ công ty đó mới có quyền quyết định.

 

Với các quy định mới về chuẩn niêm yết, về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp sắp được ban hành, ông có khuyến nghị gì với NĐT?

NĐT nên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp được quản trị tốt, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, thì công ty và các cá nhân chịu trách nhiệm có thể bị xử phạt, với hình phạt cao nhất là hủy niêm yết. Đầu tư vào những công ty quản trị, NĐT sẽ gặp rủi ro lớn..