Bất động sản và đầu tư tài chính được coi như hai ngành nghề thời thượng của các DN niêm yết trong năm 2007, nhưng đây cũng là hai lĩnh vực gắn với nhiều rủi ro.

Bất động sản và đầu tư tài chính được coi như hai ngành nghề thời thượng của các DN niêm yết trong năm 2007, nhưng đây cũng là hai lĩnh vực gắn với nhiều rủi ro.

Nặng nỗi lo đầu tư dàn trải

(ĐTCK-online) Chưa hẳn thành công rực rỡ như dự kiến của các tổ chức niêm yết tham gia “Ngày đối thoại” (16/12), nhưng NĐT cũng được cung cấp lượng thông tin đáng kể so với những gì họ chờ đợi, dù đây đó còn những DN chưa thực sự coi trọng mối liên kết với thành viên thị trường bằng việc vắng mặt không lý do.

Câu hỏi có nhiều, từ hoạt động kinh doanh đặc thù của từng DN đến diễn biến chung trên thị trường, tuy nhiên xuyên suốt các cặp hỏi đáp (DN và NĐT) vẫn thấy đau đáu nỗi niềm của NĐT trước thực tế nhiều DN ồ ạt huy động vốn cho những dự án dàn trải và có thể dẫn tới sự xao nhãng sức mạnh cốt lõi của mình.

Đại diện của Thu Duc House tham gia đối thoại với NĐT là Giám đốc Tài chính Nguyễn Khắc Sơn. Có thể do chuyên ngành của ông là tài chính, nên chủ đề nổi bật của phần giới thiệu này là các khoản mục đầu tư tài chính. Danh mục đầu tư tài chính của Thu Duc House là 250 tỷ đồng theo giá vốn. Để xua tan nghi ngại của NĐT khi thấy nguồn lực khá phân tán, ông Sơn khẳng định, DN không đầu tư nhảy sóng mà chỉ rót tiền vào các công ty CPH  hoặc góp vốn thành lập mới như Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM, CTCK TP. HCM, Ngân hàng Phương Đông...

Bất động sản và đầu tư tài chính được coi như hai ngành nghề thời thượng của các DN niêm yết trong năm 2007 và không ít NĐT đủ thông minh để biết rằng, đây cũng là hai lĩnh vực gắn với nhiều rủi ro, từng là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á nhiều năm trước. Có NĐT sau khi lắng nghe rất nhiều câu hỏi và câu trả lời đã chốt lại bằng một lời đề nghị khiêm nhường: “Tôi đã nghe nhiều về tiềm năng, lợi nhuận của Thu Duc House, nhưng giờ đề nghị anh Sơn phân tích rủi ro trong lĩnh vực BĐS?”. Câu hỏi của NĐT này đã kéo mọi người trở lại với ngành nghề cốt lõi của DN.

Tại một khán phòng khác, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cáp và vật liệu viễn thông (Sacom) nhận được một chất vấn tương tự rằng, tại sao DN không chăm lo cho ngành kinh doanh chính mà lại gửi vốn vào quỹ đầu tư cũng như các dự án bất động sản? Theo giải thích của ông Trắc, xét về đầu tư cho chuyên ngành sản xuất cáp vật liệu viễn thông, bản thân Sacom đã là DN hàng đầu Việt Nam, việc đa dạng hóa hoạt động để tối ưu hóa khoản thặng dư vốn  trên 1.700 tỷ đồng là quyết định đã được Công ty suy tính kỹ thiệt hơn. Ngay đầu tư bất động sản không phải cứ muốn là làm, để có dự án resort Đà Lạt, Sacom phải “chiến đấu” với 3 nhà đầu tư, ngoại có, nội có. Vậy nhưng, câu trả lời vẫn chưa khiến NĐT an lòng, phía dưới có tiếng xì xào: “Sao Sacom không phát triển DN có sức cạnh tranh khu vực hay trên trường quốc tế hơn là vội mở rộng mảng hoạt động?”.

Cực nhất có lẽ là cổ đông FPT. Phải chờ đợi gần tiếng đồng hồ với bao nỗi ấm ức mong được giải đáp, nhưng những cổ đông này chỉ rước lấy nỗi bực mình vì lãnh đạo Công ty vắng mặt không lời giải thích. Một NĐT có tuổi bỏ về ngay giữa chừng. Ông giãi bày với cánh nhà báo rằng, ngành nghề chính của FPT là viễn thông, công nghệ thông tin, nhưng tìm mỏi mắt chẳng thấy dự án mới nào có tầm cỡ kha khá, mà toàn chỉ thấy FPT đổ tiền vào thành lập ngân hàng, quản lý quỹ, đào tạo, bất động sản... Thương hiệu FPT là tài sản chung của các cổ đông, nhưng giờ bị lợi dụng để làm giàu cho một số người với quyền góp vốn bằng mệnh giá vào các DN mới. Bản thân NĐT này mong được có thêm thông tin về việc hoãn thực hiện Nghị quyết HĐCĐ của FPT nhưng vô ích.

Nếu gán trào lưu DN đa dạng hoạt động sang các lĩnh vực thời thượng với chiêu “kim thiền thoát xác” trong chưởng tập Kim Dung rồi một ngày nào đó để lại cho những cổ đông chung thuỷ một cái vỏ chẳng mấy giá trị, e không phù hợp và hơi quá lời. Tuy nhiên, lo ngại của NĐT không phải không có cơ sở, nhất là khi những lĩnh vực được DN ưu tiên lúc này ẩn chứa không ít nguy cơ rủi ro, còn ngành nghề cốt lõi DN quan niệm “thôi thế là đủ”. Liệu rằng trong một thế giới phẳng, khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, việc xao nhãng chăm lo cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi có dẫn tới khả năng DN Việt Nam thua ngay trên sân nhà, chưa nói gì đến vươn tầm quốc tế? Nếu ai đã một lần lướt qua bảng xếp hạng 200 DN lớn nhất Việt Nam do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện mới thấy, số DN cổ phần hoặc công ty tư nhân góp tên trong danh sách chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn DN quy mô vẫn là DNNN. 

Trong bối cảnh nguồn tiền cũ cạn kiệt, tiền mới e ngại vào thị trường thì nguồn cung lại tăng mạnh khi nhiều DN thực hiện kế hoạch tăng vốn theo giấy phép đã được UBCK chấp thuận. Theo tính toán của các chuyên gia, riêng số tiền dành để hấp thụ cổ phiếu phát hành thêm trong năm nay ước chừng 3 tỷ USD - một con số tương đương với số vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam tính đến cuối năm 2006.  Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI),  thừa nhận đây là điểm lo ngại rất có cơ sở và nếu các DN không có sự thay đổi, rất có thể thị trường sẽ lâm vào tình trạng bội thực CP phát hành thêm. Khi cung lớn, đồng vốn quay về chưa kịp, giá cổ phiếu tất yếu đi xuống. Cái vòng luẩn quẩn lại tái diễn khi việc tăng vốn tạo áp lực rất lớn lên DN và dẫn tới những quyết định vội vàng, sử dụng vốn không mấy hiệu quả.