Ngỏ lối thoát cho thị trường

Ngỏ lối thoát cho thị trường

(ĐTCK-online) Một trong những nội dung được chú ý nhất tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2008 diễn ra sáng nay (2/6) là nhìn nhận của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trong Nhóm công tác thị trường vốn đối với thực trạng TTCK Việt Nam và những kiến nghị góp phần đưa thị trường vượt qua cơn bão. Tổ chức nhiều buổi đối thoại thường kỳ với các bên tham gia thị trường, chuẩn hóa quy định về kế toán, quản trị, đa dạng cách thức bán cổ phần và đặc biệt thiết lập một bảng giao dịch riêng cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là những góp ý được đưa ra thảo luận.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn nói: "Điều quan trọng cần nhớ là thị trường vốn hiếm khi ổn định. Đặc tính của thị trường vốn là lên và xuống, tùy theo tương quan của cung và cầu. Bản thân cung và cầu lại bị ảnh hưởng bởi tình hình DN, khung pháp lý, tình hình kinh tế vĩ mô. Không ai, kể cả Chính phủ, có thể bảo đảm rằng, các thành viên thị trường luôn có lợi nhuận. Điều này càng đúng hơn đối với thị trường Việt Nam , một thị trường mới và thay đổi nhanh".

Sau đợt điều chỉnh của thị trường trong 12 tháng vừa qua, các chuyên gia cho rằng, thị trường cổ phiếu đang có giá trị tốt cho đầu tư lâu dài. Trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay, để phục vụ lợi ích tốt nhất cho các bên, các chuyên gia khuyến nghị nên tổ chức nhiều buổi đối thoại thường kỳ với các bên tham gia thị trường. Hai lĩnh vực chính cho các đối thoại có thể là "bình ổn thị trường" và "phát triển thị trường". Đối thoại "bình ổn thị trường" tập trung vào việc cung cấp cho nhà đầu tư định hướng đầy đủ, rõ ràng về thông tin tức, xu hướng. Đối thoại "phát triển thị trường" tập trung ở những giải pháp cụ thể có thể thực thi.

 

Giải pháp nào?

Có 3 đề xuất đáng chú ý được đưa ra. Thứ nhất, các chuyên gia đề cập đến yêu cầu cải thiện các quy định về kế toán, đơn cử như ghi nhận kế toán về lỗ và lãi đầu tư. Các quy định hiện hành yêu cầu trích lập dự phòng cho lỗ chưa thực hiện, nhưng không yêu cầu cho lãi chưa thực hiện. Điều này dẫn đến báo cáo về kết quả đầu tư chưa thực hiện không phản ánh đúng thực trạng. Nhóm đề nghị Việt Nam xem xét cho phép giá trị của một số loại tài sản (như đầu tư cổ phiếu niêm yết) được ghi nhận theo giá thị trường, khi giá thị trường có thể xác định một cách chính xác.

Liên quan đến vấn đề quản trị công ty, các chuyên gia cho rằng, khi thị trường đi lên, mọi người có xu hướng nhìn nhận một cách bao dung với các yêu cầu về quản trị công ty. Nhưng giờ là thời gian của thị trường biến động, điều chỉnh nên việc khuyến khích quản trị công ty tốt và xử phạt với các vi phạm quản trị trở nên vô cùng quan trọng. Đã đến lúc, cơ quan quản lý nên đưa ra yêu cầu chi tiết các nội dung cần phải công bố, bao gồm thông tin về các khoản nợ có điều kiện, hợp đồng, đầu tư có giá trị đáng kể, đồng thời công bố thông tin của các bên có liên quan (các bên có quan hệ họ hàng, quan hệ sở hữu, quan hệ có lợi ích trực tiếp và gián tiếp…), tăng cường vai trò của thành viên độc lập, vi phạm trong quản trị DN cần được xử lý một cách công khai, bằng các biện pháp mạnh hơn.

Đề xuất thứ hai tập trung vào khuyến cáo Chính phủ rà soát lại cách thức cổ phần hóa (CPH) hiện nay và xem xét khuyến nghị trước đây của Nhóm về chào bán ra công chúng với giá cố định. Theo đó, Chính phủ chọn một hoặc vài đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, coi ý kiến của đơn vị tư vấn là định giá hợp lý. Các bên tư vấn sẽ dựa trên ý kiến của thị trường, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược. Và có thể, những nhà đầu tư chiến lược này sẽ đưa ra cơ sở chính giúp định giá. Sau khi thỏa thuận xong về giá, CPH có thể thực hiện qua chào bán ra công chúng một tỷ lệ cổ phiếu nhất định với cùng một mức giá.

Một góp ý được quan tâm hơn cả liên quan đến nhà ĐTNN. Theo đánh giá của ông Dominic, nhà ĐTNN ngày càng đóng vai trò quan trọng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, vì vậy họ rất muốn Chính phủ làm rõ thêm về các quy định đối với sở hữu của ĐTNN trong mối tương quan với quy định của Luật Doanh nghiệp (thiên về mở rộng với ĐTNN) và Luật Chứng khoán (thiên về quy định chặt với sở hữu nước ngoài). Đặc biệt, trong trường hợp hạn chế về sở hữu của nhà ĐTNN còn cần giữ, các tổ chức cho rằng, Chính phủ nên xem xét việc tổ chức một bảng giao dịch chỉ dành riêng cho nhà ĐTNN, cho phép nhà ĐTNN giao dịch với nhau theo giá thỏa thuận. Việc này sẽ cho phép giải quyết được 2 vấn đề: tính thiếu thanh khoản do các cổ phiếu đã hết room không giao dịch với giá mong muốn của nhà ĐTNN; cho phép nhà ĐTNN thể hiện vai trò chuyên nghiệp, dẫn dắt thị trường, không bầy đàn bằng cách giao dịch ở giá cao hơn so với giá trong bảng giao dịch của nhà đầu tư nội địa.        Anh Việt

 

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam

Mọi người đều cho rằng, tình hình TTCK hiện nay có thể làm chậm tiến trình CPH DN, tuy nhiên chúng tôi khuyên Chính phủ hãy tin tưởng vào tính lâu dài và cố gắng đạt tới mục tiêu của việc CPH nhằm tránh việc chậm trễ có thể xảy ra. Eurocham có ý kiến là Chính phủ tìm kiếm và đẩy nhanh tốc độ CPH và công bố một lộ trình và kế hoạch rõ ràng cho các đối tác chiến lược tiềm năng, để họ có điều kiện xem xét tiềm lực lâu dài của DN đó. Chúng tôi nhận thấy, ngân hàng và truyền thông là những lĩnh vực quan trọng, nơi phần lớn tập đoàn nước ngoài thể hiện sự quan tâm và mong muốn được tham gia vào quá trình CPH.

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM

Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) đang lâm vào tình trạng 3 dở dang và 3 giảm (đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang - giá giảm, sức mua giảm, giao dịch giảm). Khó khăn lớn nhất của DN BĐS là thiếu vốn đầu tư, chủ yếu dựa vào các nguồn vốn sau đây: vốn góp của cổ đông; vốn góp do phát hành cổ phiếu, trái phiếu; vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng; vốn do hợp tác đầu tư và huy động từ khách hàng. Tất cả nguồn vốn này hiện nay đều khó huy động hoặc khó tiếp cận được

 

Ông Đặng Đức Dũng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội

Chính phủ nên lắng nghe ý kiến của các nhà kinh tế về thay đổi cơ cấu nguồn vốn bất hợp lý, hiện quá chú trọng đầu tư vào các dự án công, công ty nhà nước để điều tiết nguồn vốn quý báu cho phát triển kinh tế bền vững, thông qua vai trò của DN tư nhân. Phải nhanh chóng có quy chế quản lý chặt nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích đầu tư đối với quỹ đầu tư gián tiếp nước ngoài để tránh đổ vỡ cho nền tài chính, khi những quỹ này tìm cách chuyển lợi nhuận quy mô lớn ra nước ngoài. Cần điều chỉnh ngay chính sách quản lý các định chế tài chính gắn kết theo chuỗi ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư để tránh đầu cơ gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm bất ổn tiền tệ.