Người lập BCTN phải thổi hồn vào mỗi con số

Người lập BCTN phải thổi hồn vào mỗi con số

(ĐTCK) DN phải thay đổi từ nhận thức về vai trò của BCTN và cách làm báo cáo. Người lập BCTN phải có trách nhiệm, phải đảm bảo thông tin trong báo cáo đáng tin cậy, phải thổi hồn vào mỗi con số.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Đặng Văn Thanh (ảnh bên), Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên năm 2012 (ARA 2012) với ĐTCK về mấu chốt thành công của việc lập BCTN.

 

Qua hai mùa tham gia chấm giải BCTN, ông có nhận xét gì về chất lượng BCTN năm nay?

Chất lượng BCTN năm nay khá tốt và có nhiều tiến bộ so với BCTN của các năm trước đây. Trong hơn 100 BCTN lọt vào vòng chung khảo, phần lớn báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tương đối đầy đủ các nội dung theo quy định. Nhiều báo cáo được trình bày bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, với hình thức khá hấp dẫn, kèm theo nhiều thông tin và hình ảnh để minh họa. Các thông tin về công ty khá đầy đủ và súc tích, nội dung trình bày của HĐQT, của ban giám đốc, ban điều hành khá tập trung và rõ nét, BCTC trình bày về cơ bản đúng quy định, đầy đủ thông tin cần thiết kèm theo phân tích và giải trình cùng các bằng chứng chứng minh độ tin cậy của thông tin. Một số BCTN trình bày khá tốt triển vọng và hướng phát triển của công ty trong tương lai, phân tích khá sâu sắc các rủi ro của công ty, kể cả rủi ro từ bên ngoài, rủi ro luật pháp, rủi ro thị trường lẫn các rủi ro tiềm ẩn trong chính hoạt động và điều hành hoạt động của công ty.

Tuy nhiên, không ít BCTN trình bày sơ sài, bố cục không hợp lý, thiếu logic, tản mạn, rất khó cho người đọc. BCTC và BCTC hợp nhất là cốt lõi, là linh hồn của BCTN, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, trình bày còn dàn trải và thiếu sự phân tích, mổ xẻ thật sâu sắc, chưa tạo thành những con số biết nói. Phân tích rủi ro và quản trị rủi ro còn mang nặng tính hình thức, thậm chí là sao chép các khái niệm, chưa đi sâu phân tích rủi ro và quản trị rủi ro của chính công ty mình. Cá biệt, có công ty sản xuất lại đi phân tích rủi ro của ngân hàng, của công ty tài chính.

 

Trong mùa giải BCTN năm 2011, ông có nhận xét, nhiều DN còn chưa tuân thủ Luật Kế toán. Trong BCTN của các DN năm nay, điều này đã được khắc phục hay chưa, thưa ông?

Đúng là không chỉ năm 2011 mà cả năm nay, vẫn có những báo cáo trình bày chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Kế toán. Một số báo cáo chưa có những thuyết minh và phân tích thật chi tiết, thật sâu sắc tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình và thực trạng tài chính của DN. Có báo cáo khá lộn xộn, thiếu cân đối. Nhưng nhìn chung, việc trình bày BCTC đã tuân thủ các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kế toán. Lẽ tất nhiên, đối với BCTC hợp nhất, cần phải có sự nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ hơn về cách lập và trình bày, đặc biệt là việc vận dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS 10, IAS 27).

 Người lập BCTN phải thổi hồn vào mỗi con số ảnh 1

Dùng hình ảnh trẻ thơ trong BCTN, CTCP Vĩnh Hoàn muốn thể hiện thông điệp kinh doanh thân thiện với  môi trường, vì sự phát triển bền vững của chính mình và cộng đồng

 

Có ý kiến cho rằng, để làm rõ quá trình phát triển của công ty, cần đưa ra các số liệu tài chính quan trọng trong ít nhất 3 năm liên tục và nó phải có ý nghĩa so sánh. Ông nghĩ sao về điều này?

Về nguyên tắc, để đánh giá quá trình phát triển của một DN, làm căn cứ định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai thì cần có số liệu tài chính trong nhiều năm, trong cả một quá trình. Chỉ có như vậy mới có sự nhìn nhận toàn diện, chính xác về thực trạng và xu hướng vận động, xu hướng phát triển của DN, thấy được tính quy luật, tính đột biến và không bình thường của hoạt động kinh doanh trong từng khoảng thời gian nhất định. Nếu chỉ là các thông tin tài chính quan trọng 2 hay 3 năm hoạt động của DN, thì có thể chưa đủ đánh giá đúng mức sự vận động của một xu hướng hay cả một quá trình hoạt động của DN, chứ chưa nói tới cả một chu kỳ kinh doanh của những sản phẩm, ngành hàng có chu kỳ sản xuất - kinh doanh dài.

Tuy nhiên, việc trình bày các thông tin quan trọng của DN trong 2 năm trên BCTC hợp nhất của một năm tài chính, một niên độ kế toán cũng là hợp lý. Bởi lẽ, BCTC năm theo niên độ kế toán nhằm mục đích cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế tài chính của DN trong một năm đã qua. Tất nhiên, rất cần thiết phải đặt trong sự so sánh với một năm trước đó để thấy được những biến động về tài sản, nguồn vốn, tình hình và kết quả kinh doanh. Việc so sánh nhiều năm, đánh giá cả một quá trình sẽ được đặt ra khi xây dựng chiến lược phát triển. Điều này hoàn toàn có thể làm được nếu các nhà hoạch định chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển xem xét và tổng hợp thông tin tài chính từ các bản BCTC của nhiều năm.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của kế toán là tính liên tục cả trong hoạt động kinh tế, cả trong trình bày và cung cấp thông tin. Vì vậy, thông tin 2 năm về tài chính trên BCTC hàng năm của DN là đủ cho những nhìn nhận, đánh giá hoạt động kinh tế - tài chính của DN về năm đã qua.

 

Với tư cách là một chuyên gia kế toán, ông có lời khuyên nào với các DN trong việc trình bày, diễn giải thông tin tài chính trong BCTN, để đạt hiệu quả cao nhất?

Để việc trình bày, diễn giải thông tin tài chính trên BCTN đạt hiệu quả cao, theo tôi, DN có nhiều việc phải làm.

Trước hết, cần có nhận thức đúng về BCTN và BCTC. BCTN là bản báo cáo trình bày và cung cấp một cách đầy đủ, toàn diện về tình hình và kết quả hoạt động của DN trong một năm, một niên độ kế toán. Sự thành công của báo cáo chính là sự rõ ràng, trung thực của công ty, sự nhìn nhận đánh giá đúng mức về thực trạng tài chính và những dự định, giải pháp có căn cứ, có tính đột phá.

Rõ ràng, BCTN là cần thiết, có lợi cho cả người lập và người sử dụng. Do vậy, báo cáo không được mang tính đối phó, quan tâm về hình thức nhiều hơn nội dung, mà đòi hỏi phải được chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, đạt độ tin cậy cao, có chiều sâu, không hời hợt.

Trên thực tế, không ít BCTN được trình bày rất đẹp, rất công phu, nhưng nội dung không có sức sống của thực tế, không được đánh giá và phân tích số liệu cần thiết, phân tích rủi ro, không ăn nhập gì với tình hình cụ thể của DN. Mỗi DN có những rủi ro trong kinh doanh khác nhau, nhưng báo cáo của một số DN lại chứa đựng những câu chữ và hành văn như nhau. Phải quan tâm và thay đổi từ nhận thức về báo cáo và nhận thức về cách làm báo cáo. Người lập BCTN phải có trách nhiệm, phải đảm bảo thông tin trong báo cáo đáng tin cậy, phải thổi hồn vào các con số.

Hai là, báo cáo cần có bố cục hợp lý, trình bày thật logic, có chủ định, rành mạch rõ ràng. Nên sử dụng phương pháp quy nạp trong trình bày những mục lớn của báo cáo, thu hút người đọc vào những thông tin và đánh giá có tính khái quát cao, mang tính tổng kết, sau đó là minh họa và lý giải. Báo cáo phải đảm bảo truyền tải đến người đọc những thông tin và đánh giá thực chất, trọng yếu về công ty.

Ba là, cần nâng cao tính trung thực và tính hữu ích của báo cáo. Các thông tin giới thiệu về công ty trong BCTN cần chọn lọc và trình bày đúng mức độ. Tất nhiên, những thông tin đó phải đầy đủ, tin cậy và dễ hiểu, càng chi tiết càng tốt về tình hình và kết quả kinh doanh, về thực trạng tài sản, vốn, nguồn vốn và khả năng thanh toán, khả năng trang trải chi phí, trang trải công nợ, những rủi ro bất trắc trong hoạt động của công ty, những dự tính và định hướng phát triển, bản lĩnh, năng lực các nhà quản lý và giải pháp cho phát triển công ty trong tương lai... Không nên đưa những thông tin hoặc hình ảnh mà người đọc dễ cho rằng đó là thông tin đánh bóng hoặc quảng cáo quá mức.

Tôi rất ấn tượng với một BCTN (BCTN Gỗ Trường Thành - PV) của năm trước đã in ngay trên trang bìa dòng chữ: hai lần ra tòa, 1 lần bị cảnh cáo. Ông Chủ tịch viết bằng tay lời mở đầu, với những bộc bạch thực sự gây ấn tượng với tôi về sự trung thực của người lãnh đạo và của chính DN.

Bốn là, những thuyết minh về thông tin tài chính phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, những ý kiến nhận định, đánh giá phải đúng mức, có chiều sâu và có tính thuyết phục. Tránh những nhận định phiến diện, một chiều hoặc không khớp với những gì mà công chúng đã biết về công ty. Hạn chế đưa ra những lý thuyết để định nghĩa hay giải thích khái niệm, thuật ngữ. Cần đi thẳng vào những vấn đề của công ty như các rủi ro, khả năng ứng phó và triển vọng của DN.