Không phải ai cũng dứt tình với chứng khoán.

Không phải ai cũng dứt tình với chứng khoán.

Nhân sự chứng khoán chảy về đâu?

(ĐTCK-online) Bẵng đi một dạo, hôm vừa rồi gặp lại chị bạn quen, vốn là giám đốc đối ngoại một CTCK. Chị tâm sự, TTCK ảm đạm quá, nên dù rất tâm huyết với công ty, chị vẫn phải chuyển sang làm giám đốc bộ phận thiết kế một công ty quảng cáo. Lý do không phải vì ở chỗ cũ lương thấp, thưởng bặt tăm, mà đơn giản chỉ là nhàn quá, không có việc gì làm. Câu chuyện buồn của chị bạn đang là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều CTCK hiện nay, khi mà thị trường không chiều lòng người.

Từng làm thư ký tại một đại sứ quán khá lớn, cũng vì công việc nhàn quá mà lại là người năng động, chị bạn tôi trong câu chuyện trên đã dời bỏ chốn an nhàn về đầu quân cho một CTCK, mức lương cũng chỉ xấp xỉ 1.000 USD/tháng nhưng chị tận tâm với công việc, đi sớm về muộn chẳng nề hà. Cánh báo chí, rồi đến khách hàng đều đánh giá chị là người tâm huyết, có năng lực nhưng nào ai có ngờ, TTCK lại diễn biến ngoài tầm dự đoán như vậy. Chị kể, hoạt động tự doanh của công ty giờ coi như ngừng hẳn, mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp vẫn có khách hàng nhưng họ chỉ hợp tác cầm chừng với tâm lý dè dặt chờ thời, bộ mặt của công ty là khu vực sàn giao dịch cũng lèo tèo khách. Tuy lương không giảm nhưng nhìn hoạt động của công ty chững lại như vậy, từ sếp đến anh em nhân viên đều lộ một nỗi buồn. Tại công ty này, giám đốc không thẳng tay sa thải nhân viên, song giảm bớt nhân sự là một trong những cách cắt giảm chi phí, chị ra đi cũng là một cách giúp công ty lúc này.

Phó tổng giám đốc một CTCK khác thuộc Top 10 CTCK lớn, có trụ sở tại Hà Nội cho hay, công ty đã dự kiến tình trạng khó khăn có thể còn kéo dài tới hơn một năm, vì thế tiết giảm tối đa chi phí hoạt động là biện pháp không thể không thực hiện. Công ty đã quyết định tạm đóng cửa một phòng giao dịch vừa được đầu tư lớn tại một trong những con phố đắt giá nhất Thủ đô, hợp đồng lao động đến thời điểm hết hạn của nhân viên được cân nhắc kỹ càng về việc liệu có tiếp tục gia hạn. “Công ty có hơn 100 nhân viên, không thể cắt giảm lương của anh em trong thời điểm đắt đỏ này, vì thế buộc phải giảm bớt nhân sự ở những vị trí không cần thiết. Chúng tôi cũng áy náy ghê lắm”, bà tâm sự.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhân sự cấp cao một số CTCK ở những vị trí như giám đốc phân tích, giám đốc đầu tư, thậm chí cả tổng giám đốc đã và đang tính kế hoạch ra đi. Một số người tạm nghỉ trước khi bắt tay vào công việc mới, một số người trở lại nghề cũ như kiểm toán, ngân hàng, có người cùng bạn bè khởi sự một kế hoạch kinh doanh mới. Ở cấp độ nhân viên, những ai có năng lực cũng chủ động ra đi. Tâm, nhân viên môi giới một CTCK cho biết, lương mỗi tháng trước đây là 6 triệu đồng, giờ giảm xuống còn 4 triệu đồng, giao dịch không có, đến cơ quan toàn ngồi ngáp vặt, tán dóc thấy người ù lì đi, chuyển sang công ty khác làm nhân viên marketing cho đỡ chán. Bạn bè cùng trang lứa trong công ty có khá nhiều người quyết định giống như Tâm.

Thế nhưng, không phải ai cũng dứt tình với chứng khoán. Vẫn còn những người vững niềm tin, kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường. Trong cơn bão tài chính, họ là những người ở lại trong tâm trạng điềm tĩnh, một phần là do họ trường vốn, một phần bởi họ bản lĩnh, nắm vững được quy luật đầu tư và thấu hiểu cuộc chơi cũng như đã quen với những cơn sốc của TTCK. Giám đốc môi giới một CTCK quy mô nhỏ cho hay, ban lãnh đạo công ty đã họp và thông báo, cho dù tình hình thị trường có diễn biến như thế này trong 1 - 2 năm nữa, công ty vẫn đảm bảo lương và chế độ phúc lợi cho anh em, thiếu việc về chứng khoán, ban lãnh đạo sẽ tìm kiếm dự án, công việc khác phù hợp để công ty có thêm chi phí hoạt động. Ngoài ra, để củng cố tinh thần nhân viên, hàng tháng công ty đều tổ chức một bữa ăn chung thật vui vẻ.

Còn tổng giám đốc một CTCK lớn tại TP. HCM cho hay, tại cuộc họp ĐHCĐ vừa rồi, kế hoạch hoạt động, phương án kinh doanh của ban điều hành đều được cổ đông ủng hộ và không một ai có ý nghĩ sẽ đóng cửa công ty. Vốn điều lệ tăng gấp đôi, song kế hoạch doanh thu đặt ra chỉ bằng năm ngoái, đồng nghĩa với việc hoạt động không có lãi, thậm chí lỗ, nhưng cổ đông hiểu và chấp nhận khó khăn. “Quan điểm của chúng tôi là duy trì kinh doanh, cố gắng làm sao để nếu thị trường xuống thì mình xuống ít hơn thị trường. Đó đã là một nỗ lực”, vị tổng giám đốc này nói. Ở công ty này, ban lãnh đạo quyết định chưa cắt giảm chi phí, thậm chí còn tuyển thêm nhân viên ở những vị trí đòi hỏi cần bổ sung. Biết công ty khó khăn, có nhân viên ngỏ ý xin giảm lương nhưng lãnh đạo công ty không đồng ý, ưu tiên cao nhất là để nhân viên không mất niềm tin.