Cho xuất khẩu gạo để bảo vệ quyền lợi nông dân nhưng không để ảnh hưởng đến giá gạo trong nước.

Cho xuất khẩu gạo để bảo vệ quyền lợi nông dân nhưng không để ảnh hưởng đến giá gạo trong nước.

Nhiều biện pháp ổn định giá cả

Chính phủ cho phép đánh thuế tuyệt đối đối với xuất khẩu gạo và phân urê. Bộ Công thương đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu. Sẽ cho lập quỹ bình ổn gạo lưu thông nhằm ổn định giá gạo trong nước...

 

Theo Bộ Công thương, cung - cầu nhiều mặt hàng không có vấn đề nhưng giá tăng là do khâu phân phối. Vì vậy cần phải chấn chỉnh hoạt động này.

 

Chấn chỉnh khâu lưu thông để ổn định giá

 

Trong khi đó chiều 29/5, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã thống nhất giải pháp hỗ trợ lãi suất và nguồn vốn vay tối đa đối với doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu nông thủy sản của nông dân.

 

Riêng với các doanh nghiệp gặp khó khăn và không được vay ngoại tệ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông thủy sản nhất là mặt hàng cá tra, Bộ Công thương đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước sớm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay ngoại tệ, phải đảm bảo lãi suất vay thấp hơn và không thể cao như mức lãi suất cao như khi vay tiền đồng VN.

 

Xuất khẩu gạo, phân urê sẽ chịu thuế tuyệt đối

 

Ngày 28-5, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Tài chính và giao bộ này chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định việc áp dụng thuế tuyệt đối các mặt hàng gạo và phân urê xuất khẩu trong tháng 6-2008. Đồng thời, căn cứ theo qui định hiện hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí VN để quyết định theo thẩm quyền về thuế xuất khẩu đối với dầu thô.

 

Theo chinhphu.vn

Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp kiềm chế và bình ổn thị trường ximăng, sắt thép, phân bón... vật tư cho sản xuất tiêu dùng. Trước mắt sẽ củng cố hệ thống phân phối vật tư hàng hóa, tăng cường giám sát lưu thông tránh đầu cơ tích trữ tăng giá ảo như hiện nay. Trong nước, lượng phân bón cho sản xuất vẫn dồi dào, không khan hiếm. Giá sắt thép vẫn còn thấp hơn giá thị trường thế giới và hiện đang dư thừa kể cả phôi thép.

 

Bộ Công thương đang làm việc với Bộ GTVT và các cảng để giải phóng lượng lớn thép và phôi thép nhập khẩu để phục vụ thị trường trong nước.

 

Riêng mặt hàng gạo, qua đợt khan hiếm ảo vừa qua cho thấy các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức thị trường nội địa mà chỉ quan tâm đến xuất khẩu. Mặt khác, khi các doanh nghiệp tham gia lưu thông tiêu thụ gạo trong nước phải đóng thuế giá trị gia tăng là 5% trong khi thương lái chỉ đóng thuế khoán như thế là không hợp lý. Do đó Bộ Công thương đã làm việc với Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ trình lên Quốc hội xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng gạo lưu thông trên thị trường nội địa.

 

Xuất khẩu gạo nhưng không làm biến động thị trường

 

Theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết năm 2008, cả nước sẽ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, tuy nhiên khả năng tăng lượng gạo xuất khẩu lên hơn mức này vẫn còn được để ngỏ.

 

Kết luận hội nghị giao ban xuất khẩu gạo chiều 28/5 tại Tiền Giang, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết đến cuối quý III, sau khi hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, nếu cung - cầu lương thực trong nước còn khả quan, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xem xét cho xuất tiếp thêm vài trăm ngàn tấn gạo nữa theo như đề nghị của các địa phương và Hiệp hội Lương thực VN.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, dự kiến năm tháng đầu năm nay cả nước xuất khẩu trên 2,1 triệu tấn gạo, trong khi lượng gạo đã đăng ký hợp đồng là 2,4 triệu tấn. Như vậy, so với kế hoạch xuất khẩu tối đa 4 triệu tấn, cần phải ký thêm hợp đồng xuất khẩu khoảng dưới 1,6 triệu tấn gạo nữa trong những tháng cuối năm nay.

 

Ông Biên cho biết, Bộ Công thương đang kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục giao dịch và đăng ký hợp đồng xuất khẩu đối với các hợp đồng có giá và các điều kiện giao hàng tốt để chủ động trong việc huy động nguồn hàng, giải quyết lượng gạo tồn kho và tiêu thụ lúa gạo với giá có lợi cho người sản xuất nhưng không làm biến động thị trường nội địa.

 

Theo Bộ Công thương, bốn tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu được gần 1,7 triệu tấn gạo, trị giá 816 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu bình quân đạt mức 487 USD/tấn, tăng trên 198 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2007.

 

Thống nhất lập quỹ bình ổn gạo

 

Đối với hệ thống phân phối gạo, Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực VN trình Chính phủ phương án tạo quỹ bình ổn gạo lưu thông với số lượng khoảng 100.000 tấn. Trong đó giao Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam mỗi đơn vị 50.000 tấn gạo để tham gia can thiệp vào thị trường khi có biến động giá và cung cầu. VN là một nước xuất khẩu gạo lại vừa trúng vụ đông xuân và dự kiến trúng vụ hè thu cho năng suất cao. Do đó sẽ không thiếu gạo và không có biến động lớn từ nay đến cuối năm.