Nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm

Nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm

Niêm phong, thu hồi nhà thu nhập thấp trái phép: Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư

Đã gần 1 tháng kể từ ngày phát hiện trường hợp mua bán trái phép căn hộ nhà thu nhập thấp (NTNT) ở CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) thế nhưng đến nay căn hộ này vẫn chưa thể niêm phong, thu hồi được. Nguyên nhân do đâu?

Sáng ngày 17/6, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.

 

Thưa ông, vì sao trường hợp mua bán NTNT trái phép của bà Cao Thị Loan ở căn hộ 1702 – CT1 Ngô Thì Nhậm cho đến giờ vẫn chưa được niêm phong và xử lý?

Đối với trường hợp của bà Cao Thị Loan ở căn 1702 - CT1 Ngô Thì Nhậm thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm yêu cầu bà này đến lập biên bản và hủy hợp đồng mua bán. Bởi lẽ, bà Loan có nhà rồi nhưng chính quyền địa phương tại nơi ở cũ của bà này xác nhận chưa có nhà, như vậy về điểm sẽ là không đạt thì không đủ điều kiện được mua nhà.

Khi cơ quan phát hiện trường hợp mua bán sai trái này, Sở đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư (Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai) mời chủ nhà đến thông báo cho họ việc vi phạm, hủy hợp đồng mua bán để thu hồi căn hộ lại bán cho đối tượng thu nhập thấp khác. Sau đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ra kết luận yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện.

Tại quyết định 34 của TP đã quy định trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát, kiểm tra, hướng dẫn chứ không phải thay chủ đầu tư. Trách nhiệm của Sở là đưa ra cho chủ đầu tư một “ba rem” các tiêu chí để chủ đầu tư xét cho người dân. Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi hết cho chủ đầu tư vì còn chính quyền địa phương xét như thế nào, nếu chính quyền thông đồng với người dân mà xác nhận sai, thế nên, phải định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức.

Mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư mời chủ nhà vi phạm đến để hủy hợp đồng mua bán nhưng cho đến ngày hôm nay chủ đầu tư vẫn chưa có báo cáo về việc này. Vì thế, trách nhiệm là thuộc chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không làm được mà có yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giúp, hỗ trợ thì Sở sẽ đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, kể cả là phải cưỡng chế để giải quyết dứt điểm, làm đúng theo pháp luật.

Những trường hợp tương tự như trường hợp của bà Cao Thị Loan, quá trình làm hồ sơ thì bà Loan trú tại phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) nhưng xin xác nhận tình trạng nhà ở, nhân khẩu tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) nơi bà có sổ hộ khẩu nên mới có chuyện “xác định chưa có nhà” ở phường Cầu Dền thì  sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

Bà Loan không ở phường Cầu Dền mà xác nhận cho bà Loan là  chưa có nhà thì chính quyền địa phương sai vì có hộ khẩu ở phường này nhưng không ở phường này mà tạm trú ở phường khác. Do tính phức tạp của việc tạm trú này, nên liên ngành Mặt trận Tổ quốc, Công an, Tài chính, Thanh tra, Liên đoàn Lao động… đã họp và thống nhất trước mắt chưa xem xét các trường hợp tạm trú mà chỉ xét các trường hợp hộ khẩu thường trú.

 

Đến nay đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày phát hiện trường hợp mua nhà thu nhập thấp trái phép này nhưng căn hộ vi phạm vẫn chưa bị niêm phong và chưa được giải quyết dứt điểm. Vậy Sở có tiếp tục chỉ đạo gì, thưa ông?

Sở đang tiếp tục có văn bản không chỉ cho trường hợp căn hộ 1702 mà còn một vài trường hợp nữa mà cơ quan điều tra đang yêu cầu chủ đầu tư mời chủ căn hộ lên để thanh lý hợp đồng. Nếu chủ đầu tư không làm được thì phải có báo cáo cho Sở, lúc đó Sở sẽ yêu cầu địa phương phối hợp để cùng xử lý dứt điểm.

 

Theo thông báo của chủ đầu tư, nếu sau ngày 15/6 những đối tượng được mua NTNT ở CT1 Ngô Thì Nhậm mà không đến nhận nhà thì chủ đầu tư sẽ báo cáo lên Sở Xây dựng để Sở xử lý chuyển giao cho đối tượng khác. Vậy, Sở đã nhận được trường hợp nào chưa nhận nhà chưa?

Cho đến hôm nay, Sở vẫn chưa nhận được báo cáo của chủ đầu tư. Đây cũng là ý kiến của TP bởi không có lý gì mà anh cần nhà, mua nhà rồi lại không đến ở.

Theo tôi, có mấy nguyên nhân chưa đến ở như: chưa giải quyết hết công nợ nên muốn giải quyết xong, muốn vay thêm tiền sửa chữa lại một chút bên trong nhà cho hợp hướng, đẹp mắt hơn hoặc là chọn ngày đẹp… nhưng không thể muộn quá mà cần có thời hạn. Nếu thời hạn đã thông báo mà chủ nhà vẫn chưa đến nhận nhà có nghĩa là không có nhu cầu ở thì sẽ hủy hợp đồng và chuyển cho đối tượng tiếp theo có số điểm bằng nhau nhưng không bốc thăm trúng.

 

Còn rất nhiều dự án NTNT đang và sẽ tiếp tục triển khai. Vậy, Sở có đề xuất bổ sung thêm các quy định để  việc mua bán NTNT tránh bị “lọt lưới” ngay từ khâu nộp hồ sơ không, thưa ông?

Liên ngành đã bổ sung và đã trình UBND TP về vấn đề nộp ảnh của người mua nhà, bổ sung chỉnh sửa một số nội dung hợp đồng mua bán của chủ đầu tư như: thêm chế tài trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chủ nhà, thời gian từ khi ký hợp đồng đến lúc nhận nhà là bao lâu phải vào ở, nếu vi phạm những điều trong quyết định 34 của TP như nộp ảnh nhưng không đúng ảnh chủ nhà mà là ảnh của người chuyển nhượng, chủ đầu tư mời chủ nhà lên làm việc mà không lên thì chủ đầu tư có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng…

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 17/6, ông Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Vinaconex Xuân Mai - chi nhánh Hà Đông cho biết: “Chủ đầu tư chưa thể niêm phong căn hộ 1702 được vì chủ căn hộ là bà Loan và cháu gái vẫn đang ở đó. Hơn nữa, chúng tôi còn phải chờ kết luận, chờ chỉ đạo của thành phố mới thực hiện được”.