SSi trong tuần qua lại khơi lên câu chuyện niêm yết ở nước ngoài.

SSi trong tuần qua lại khơi lên câu chuyện niêm yết ở nước ngoài.

Niêm yết ở nước ngoài: mới dừng ở... đánh tiếng

(ĐTCK-online) SSI, PPC trong tuần qua lại khơi lên câu chuyện niêm yết ở nước ngoài vốn là chủ đề nóng bỏng hồi đầu năm nay, bằng việc công bố nghị quyết của HĐQT công ty về chủ trương niêm yết tại Singapore. Mỗi DN đều có mục đích riêng khi xuất ngoại song đứng ở góc độ quản lý, một quan chức UBCKNN cho rằng, NĐT trong nước đừng quá hy vọng vào việc giá cổ phiếu tại Việt Nam sẽ có tác động theo chiều đi lên.

“Liệu cơm, gắp mắm”

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2008, trong đó có đề cập đến phương án phát hành thêm 32.998.550 cổ phiếu ở nước ngoài và niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore . Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng công bố nghị quyết của HĐQT đồng ý với định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu PPC niêm yết thêm tại Singapore vào thời gian tới. Đề cập đến chuyện xuất ngoại cổ phiếu cũng có thể nhắc đến những cái tên đang chuẩn bị hoặc có chủ trương ra biển lớn như: Vinamilk, FPT, Sacombank, Kinh Đô, Gemandept...

Theo quy định, khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, DN chỉ cần báo cáo UBCKNN ở hai thời điểm quan trọng: thứ nhất khi DN nộp hồ sơ xin niêm yết cho sở giao dịch chứng khoán nước ngoài, thứ hai khi được họ chấp thuận, mọi yêu cầu điều kiện đối với hồ sơ, thủ tục đăng ký hoàn toàn tuân thủ quy định của sàn giao dịch ngoại. Điều này có nghĩa, UBCKNN hoàn toàn mở với kế hoạch vươn ra biển lớn của các DN Việt Nam, song tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ báo cáo hoặc lời đánh tiếng chính thức nào. Tuy vậy, NĐT trong nước cũng không khỏi chộn rộn khi DN có chủ trương niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại. Ông Nguyễn Sơn, Phó trưởng ban Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, về nguyên tắc, số cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài nằm trong room của DN dành cho các nhà ĐTNN được mua tại Việt Nam . Với sự liên thông ngày càng chặt giữa TTCK Việt Nam và quốc tế, khả năng giá cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài có sự chênh lệch cao hơn nhiều so với trong nước là khó có thể xảy ra.

Về phần DN, tuy đều là những tên tuổi lớn của Việt Nam, cổ phiếu được đánh giá là hàng tốt tại thị trường trong nước nhưng từ chủ trương đến hiện thực vẫn sẽ là khoảng cách khá xa và DN Việt Nam còn nhiều việc phải làm, bản thân cổ đông - những người đã bỏ phiếu thông qua phương án trên cũng không khỏi cân nhắc. Một nguồn tin từ EVN cho biết, Nhiệt điện Phả Lại chưa thực sự cần niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại, chủ trương này nhằm mục đích đem lại lợi ích cho EVN nói riêng và hình ảnh của ngành điện Việt Nam nói chung. PPC cũng chưa có kế hoạch cụ thể hay các cuộc tiếp xúc quan trọng nào để triển khai định hướng này, mọi việc chủ yếu nằm ở EVN với một số cuộc làm việc giữa Tập đoàn và các tổ chức tài chính tư vấn. “Không chỉ có Nhiệt điện Phả Lại, một số cổ phiếu ngành điện khác cũng được Tập đoàn định hướng lên sàn ngoại, song đều không phải xuất phát từ lợi ích nội tại của DN mà vì Tập đoàn”, nguồn tin trên bình luận.

Khi câu chuyện niêm yết ở sàn ngoại nóng bỏng hồi đầu năm 2007, đã có không ít chuyên gia lên tiếng về sự lãng phí, tác dụng ngược, thậm chí cả sự thiệt thòi của cổ đông nếu như DN không cân nhắc mọi bề khi xuất ngoại. Bỏ qua lợi ích về huy động vốn (bản thân thị trường trong nước có thể đáp ứng), nhiều DN lên tiếng về những lợi ích quảng bá thương hiệu, mở rộng kế hoạch xuất khẩu, cung cấp dịch vụ... nhưng thực sự mục tiêu đó khó có thể đạt được nếu năng lực cạnh tranh của DN hạn chế. Đó là chưa kể việc chuẩn bị các bước hành chính và kỹ thuật ngốn không ít tiền, riêng phí niêm yết cũng như nguồn tài chính duy trì sự hiện diện thương mại rất tốn kém. Đặc biệt, sàn ngoại yêu cầu khắt khe về việc công bố thông tin, công khai, minh bạch và kịp thời, với những DN chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này ngay cả với thị trường trong nước thì hãy “liệu cơm gắp mắm” để tránh rước phạt cho bản thân.

 

Nhìn ta lại ngó đến người

Trong khi câu chuyện DN Việt Nam niêm yết ở sàn ngoại còn bỏ ngỏ thì DN ngoại có cổ phiếu đang lưu hành tại Việt Nam cũng được nhiều NĐT quan tâm. Cuối tuần qua, Cavico Corp, công ty được thành lập tại Mỹ, có các công ty con mang tên Cavico như Cavico Xây dựng cầu hầm, Cavico Khai thác mỏ, Cavico Thủy điện... đang hoạt động tại Việt Nam đã tổ chức đại hội đồng cổ đông tại Hà Nội. Hiện nay, công ty mẹ có hơn 1.000 cổ đông là người Việt Nam .  Cổ phiếu của Cavico Corp được đăng ký giao dịch trên sàn Pink Sheets của Mỹ và DN này đang thông báo kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq. Theo thông tin tham khảo từ các cổ đông, cổ phiếu của Cavico Corp có giá ban đầu 1.000 đồng (6,3cent), hiện được giao dịch ở giá 6-8 chấm, ngoài cán bộ, công nhân viên của Cavico, cổ phiếu này được khá nhiều NĐT bên ngoài mua bán.

Điều đáng nói là theo dự thảo Nghị định phát hành riêng lẻ đang được UBCKNN lấy ý kiến đóng góp, DN nước ngoài không phải là pháp nhân Việt Nam, không được chào bán chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả chào bán riêng lẻ. Mọi hoạt động giao dịch cổ phiếu của các DN nước ngoài tại Việt Nam đều không được phép. Nếu như dự thảo này được thông qua, việc mua bán cổ phiếu của cổ đông Cavico Corp là trái luật, muốn bán cổ phiếu NĐT buộc phải mở tài khoản để giao dịch ở nước ngoài. Ông Edward K.Minh Chi, Giám đốc tài chính Cavico Corp cho biết, DN chỉ hỗ trợ tư vấn thông tin cho cổ đông, còn bản thân cổ đông phải trực tiếp mở tài khoản (có thể thông qua mạng), giao dịch lần đầu được miễn thuế từ các lần sau phải đóng thuế. Ông Chi cũng cho biết, tại Việt Nam, với những giao dịch giữa các NĐT với nhau, Cavico Corp chỉ xác nhận có giao dịch, còn những xác nhận đó không có tính chất pháp lý; muốn được chuyển tên trong danh sách cổ đông, NĐT phải thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của công ty môi giới tại Mỹ.