“Ông lớn” có run tay?

“Ông lớn” có run tay?

(ĐTCK-online) Cổ phiếu liên tục giảm giá sàn, tính thanh khoản sụt nghiêm trọng là lý do chính khiến nhiều công ty niêm yết không mạnh tay mua vào cổ phiếu quỹ, kế hoạch mua cổ phần của cổ đông lớn cũng đứt gánh giữa đường. Giá nhiều cổ phiếu mặc dù xuống dưới giá trị sổ sách xem ra vẫn không hấp dẫn nhà đầu tư, tình huống này khiến doanh nghiệp niêm yết không khỏi nao lòng.

Theo thông báo của Sở GDCK TP. HCM về kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ, đồng thời là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ngân hàng ANZ - đại diện là ông Gilles Plante, hiện là thành viên HĐQT của SSI đăng ký mua 3.416.700 cổ phiếu SSI trong thời gian 2 tháng kể từ ngày 1/4, tuy nhiên đến 23/5, ANZ mới mua 1,9 triệu cổ phiếu với lý do, vì tính chất bất ổn ngày càng tăng của giá cổ phiếu và sự sụt giảm về tính thanh khoản vào cuối khoảng thời gian đã thông báo. Hiện ANZ nắm giữ 15.566.800 cổ phiếu SSI, chiếm 11,39% vốn điều lệ của SSI.

Ngày 3/6, Deutsche Bank AG London - cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng thực hiện bán 6.600 cổ phiếu SJS nhằm giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 1.993.870 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,98%. Động thái của tổ chức tài chính này khiến không ít nhà đầu tư đoán già đoán non rằng, họ bán bớt một lượng nhỏ cổ phần để không còn là cổ đông lớn trong doanh nghiệp và không cần thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin khi bán tiếp cổ phiếu.

Liên quan đến sức cầu, cổ đông của một số công ty niêm yết lại đang thắc mắc về việc liệu công ty có thực hiện đúng cam kết mua vào cổ phiếu quỹ như đã công bố hay chỉ “nói cho vui”. Một nhà đầu tư cho biết, cuối tháng 4 CTCP Gạch men Thanh Thanh (TTC) thông báo mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với mục đích là bình ổn giá thị trường, áp dụng từ ngày 5/5, nhưng từ đó đến nay, ít thấy cổ phiếu TTC có người mua, nếu mua thì chỉ mua giá sàn. Nhà đầu tư này đặt câu hỏi, có phải giá cổ phiếu TTC vẫn trên đà sụt giảm nên Công ty không mua cổ phiếu quỹ nữa? Nếu phải, thì còn ý nghĩa gì là mua bình ổn giá thị trường và nếu Công ty mua một số lượng ít ỏi cổ phiếu với giá sàn thì nhà đầu tư nào dám mạnh dạn mua theo (có phiên TTC chỉ được đặt mua 10 - 20 cổ phiếu)?

Một cổ đông của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) than phiền, GIL đăng ký mua 200.000 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ mà đến giờ chưa mua xong, số lượng mua quá ít thì hoàn toàn không có tác dụng bình ổn giá cổ phiếu. “Hiện giá cổ phiếu GIL chỉ còn 17.900 đồng. Chúng tôi là nhà đầu tư nhỏ, khi giá cổ phiếu xuống quá thấp, chúng tôi chỉ muốn kéo giá GIL về bằng với giá trị sổ sách là 32.600 đồng thì đâu có gì là quá đáng”, nhà đầu tư này tâm sự.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GIL chia sẻ nỗi niềm: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn, thị trường giảm như thế này, mình mua cổ phiếu để làm gì? Tham gia bình ổn thị trường thì không đủ sức, mà kinh doanh trên cổ phiếu của mình thì không tốt”. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, GIL vẫn đang thực hiện mua vào theo đúng công bố với thị trường, mục đích đơn giản là mua giúp những nhà đầu tư thực sự khó khăn buộc phải bán cổ phiếu ra. “Nếu chúng tôi mua ào ạt từ khi giá GIL khoảng 27.000 đồng, giờ giá giảm xuống chưa đến 18.000 đồng, coi như khoản đầu tư lỗ, thì cổ đông lớn lại có ý kiến. Thôi thì tình hình thị trường như vậy, cứ mua túc tắc”, vị Chủ tịch HĐQT nói.

Là một thành viên trong Ban điều hành Câu lạc bộ Các tổ chức niêm yết, ông Tâm cho hay, thời gian qua, một loạt công ty công bố mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ để hỗ trợ thị trường và các thành viên đều thực hiện, chứ không phải tuyên bố để làm yên lòng nhà đầu tư. Song, kết quả thực hiện ra sao, đến nay Câu lạc bộ cũng chưa có tổng kết đánh giá. Với diễn biến thị trường như hiện nay, doanh nghiệp niêm yết cũng sốt ruột, cũng muốn chia sẻ với nhà đầu tư, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp đều là những cổ đông lớn, nắm giữ nhiều cổ phiếu, song tình hình kinh tế còn khó khăn, họ cũng không có “cao kiến” gì với cơ quan quản lý ngoài việc chèo chống, cắt giảm chi phí để vượt qua cơn bão. Biện pháp hỗ trợ khả thi nhất mà doanh nghiệp niêm yết có thể làm là tới đây, khoảng giữa tháng 7, khi các công ty đã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Câu lạc bộ sẽ nhóm họp để đánh giá tình hình và cố gắng sớm chia lãi cho cổ đông (nếu có khả năng) để phần nào giảm bớt áp lực tài chính với họ.

Trở lại động thái của nhà đầu tư nước ngoài, trong bức thư gửi nhà đầu tư mới đây, Vina Capital cho hay, tài khoản tiền mặt của tổ chức tài chính này còn hơn 208 triệu USD, trong đó 38% bằng USD và 62% bằng VND. Để nhiều tiền đồng như vậy trong tài khoản đồng nghĩa với việc họ vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam . Lãnh đạo của Indochina Capital, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng cho rằng, về lâu dài, đầu tư vào TTCK Việt Nam rất tiềm năng, nhưng nhà đầu tư chỉ quyết định khi lạm phát có dấu hiệu được kiềm chế ổn định.