Nếu “room”03 được mở từ NHTMNN thì TTCK sẽ sôi động hơn

Nếu “room”03 được mở từ NHTMNN thì TTCK sẽ sôi động hơn

Phân luồng IPO các doanh nghiệp lớn

“Vẫn phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp “xương sống” của nền kinh tế nên xem xét khía cạnh việc xác định giá trị doanh nghiệp. IPO (bán cổ phần lần đầu) hay cổ phần hoá nói chung không chỉ nhằm mục đích nhà nước thu được nhiều hay ít tiền, mà còn để cải thiện vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp nhà nước”. Nhiều chuyên gia đã có chung nhận định như vậy tại buổi hội thảo “Đấu giá cổ phần lần đầu” diễn ra tại Hà Nội.

 

Sẽ mở được “room” 03

 

Đã 4 tháng kể từ khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước (về hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán ở mức 3%) được ban hành, song mỗi lần đề cập đến những cung bậc thăng – trầm của TTCK thời gian qua, hay việc IPO các doanh nghiệp lớn thì “sức nặng” của Chỉ thị 03 vẫn được nhiều chuyên gia đề cập.

 

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, quy định khống chế cho vay kinh doanh chứng khoán ban hành đã gây ảnh hưởng lớn đến TTCK, đặc biệt nhà đầu tư trong nước không thể xoay ra vốn để đầu tư. Đó là những nguyên nhân quan trọng làm cho sức cầu của các nhà đầu tư trong nước sụt giảm mạnh. Nếu các đợt IPO vẫn được tiến hành theo đúng lộ trình, chắc chắn cả nhà nước và người đầu tư trong nước đều bị thiệt hại, nếu nhà đầu tư nước ngoài tham gia nắm lấy cơ hội này để đầu tư thì sẽ được hưởng lợi. Theo đại diện của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), dù có thể giãn tiến độ nhưng các đợt IPO lớn vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới. Đây là nguồn hàng mà nhiều nhà đầu tư trong nước muốn tiếp cận nhưng lại không biết lấy tiền từ đâu. “Nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại đã bị hạn chế từ Chỉ thị 03. Trong khi đó, ngay tại Việt Nam , các quỹ đầu tư nước ngoài, theo ước tính có vài tỷ USD đang chờ cơ hội để mua cổ phiếu. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu rằng, các đợt IPO doanh nghiệp lớn sắp tới sẽ chỉ là cuộc chơi của các tổ chức này?

 

Thế nhưng, theo đánh giá của ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trên thực tế, hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán chỉ tác động chủ yếu đến những ngân hàng thương mại cổ phần - vốn chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN)chỉ mới cho vay một tỷ lệ nhỏ theo loại hình này. Do đó các ngân hàng này còn rất nhiều “room” cho vay, nếu muốn và khách hàng có nhu cầu. Nếu họ tích cực cho vay, cung vốn đổ vào TTCK sẽ không sút giảm mạnh như dư luận đang lo ngại.

 

Phân bổ các đợt IPO theo lộ trình

 

Thời gian qua, có nhiều ý kiến đề nghị hoãn những đợt IPO sắp tới của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, với lý do đưa ra là vốn trong nền kinh tế không còn nhiều, nguồn vốn vay đã bị kiềm toả bởi Chỉ thị 03. Thế nhưng, theo ông Thanh, việc các đợt IPO gần đây thành công chỉ ở mức giá thấp, không như mong muốn chưa hẳn đã là một điều xấu. “Nếu nói giá cổ phiếu khi IPO thấp thì phải so với cái gì? Theo tôi chúng chỉ thấp so với giá cũng của chúng. Ví dụ cổ phiếu PVI ở đỉnh điểm cơn sốt trên thị trường chứng khoán khi IPO tháng 12-2006 (hơn 160.000 đồng/cổ phiếu) so với việc phát hành tiếp theo vừa qua (giá chỉ hơn 70.000 đồng/cổ phiếu). Song mức giá ở thời kỳ nóng sốt này chưa chắc đã phản ảnh giá trị đích thực của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp “may mắn” IPO vào lúc thị trường đang nóng song sau đó doanh nghiệp đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, thì chỉ còn một kết cục là giá cổ phiếu đó phải tụt xuống, phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, và cổ đông sẽ bị thiệt hại trong tương lai.”, ông Thanh nói.

 

Theo ông Long, muốn thực hiện có hiệu quả IPO, cần phải phân tích một cách thận trọng tình hình, số liệu thu thập một cách chính xác xem sức mua trong thời gian tới với số cổ phần bán ra để lựa chọn: có thể hoặc là giảm bớt số doanh nghiệp phát hành hoặc giảm lượng bán ra. Nhà nước với vai trò là người chủ hàng cũng nên lựa chọn mục tiêu về giá hay mục tiêu về cổ phần hóa rộng rãi. Vấn đề IPO các doanh nghiệp lớn nên đựơc xem xét cân đối, hài hoà dưới ba góc độ: nhà nước - người chủ, người điều hành – UBCKNN và những người kinh doanh trên thị trường.

 

Cổ phần hóa không chỉ nhằm mục đích Nhà nước thu được nhiều hay ít tiền, mà còn để cải thiện vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp Nhà nước. Sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài, tuỳ theo mức độ nắm giữ cổ phần, sẽ góp phần cải thiện những nhược điểm trong hệ thống quản trị của các doanh nghiệp nhà nước” - ông Long trình bày quan điểm. Do vậy, không nhất thiết phải IPO dồn dập nhiều doanh nghiệp lớn, mà cần tính toán, phân bổ các đợt IPO của những doanh nghiệp đặc biệt quan trọng này theo lộ trình và thời điểm thích hợp hơn.