Ông Phạm Gia Túc - Tổng thư ký VCCI và ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội tại hội thảo

Ông Phạm Gia Túc - Tổng thư ký VCCI và ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội tại hội thảo

Phát triển mô hình tập đoàn kinh tế: Phải từ nhu cầu tự thân

Đã có 8 tập đoàn kinh tế được Chính phủ quyết định thành lập và rất nhiều DN dân doanh định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn, nhưng quan niệm, phương thức hoạt động, mô hình liên kết... vẫn là đề tài tranh luận nóng với nhiều ý kiến trái ngược. Đó cũng là chủ đề cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề tập đoàn kinh tế do VCCI (Báo DĐDN) và Viện Quản lý kinh tế trung ương tổ chức sáng 26/9.

Không khí hội thảo sôi nổi vì nhiều vấn đề đặt ra, nhiều chủ đề tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn. Điều dễ nhận tại hội thảo là sự phát triển lớn mạnh của DN mà nhiều khi những quy định pháp luật không theo kịp, tạo nên lực cản. Mô hình tập đoàn cũng còn quá mới mẻ để các DN quyết định đi theo hướng nào.

 

Tập đoàn có tư cách pháp nhân không?

 

Không có định nghĩa chung, duy nhất về tập đoàn kinh tế. Cũng có rất nhiều mô hình tập đoàn tại các nền kinh tế phát triển. Các DN sẽ liên kết ngang, hay liên kết dọc, hoặc liên kết hỗn hợp? Chúng ta sẽ đi theo con đường nào? Chính các DN định hướng xây dựng tập đoàn cũng lúng túng khi quyết định đường đi trong tương lai. Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã khẳng định: Không thể xây dựng một mô hình chuẩn, một định nghĩa về tập đoàn kinh tế. Sự hình thành tập đoàn phải xuất phát từ sự phát triển nội tại của DN. Thạc sĩ Nguyễn Thế Vinh - Phó TGĐ tập đoàn Việt Á nêu ý kiến: Tập đoàn kinh tế là một nhóm, một tổ hợp của các Cty có tư cách pháp nhân độc lập. Còn tập đoàn không phải là một pháp nhân nên việc quy định một khung khổ pháp lý về tổ chức của một nhóm Cty trong bối cảnh DN được quyền tự quyết về các mối liên hệ thì khung khổ pháp lý có thể trở thành khiên cưỡng, thậm chí sẽ kìm hãm sự phát triển của DN.

 

Trên thế giới các tập đoàn kinh tế là đơn vị chủ lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đi đầu trong việc chiếm lĩnh thị trường. Chỉ 20 Cty máy tính đa quốc gia gần như khống chế toàn bộ thị trường máy tính toàn cầu. Chỉ 10 Cty hoá học quốc gia, 10 Cty chất bán dẫn đa quốc gia và 20 Cty ôtô đa quốc gia đã chiến 90% hạn ngạch thị trường quốc tế... Kinh nghiệm thế giới khi hình thành tập đoàn với sự liên kết các thể được thực hiện theo các quy trình pháp lý khác nhau. Quyền chi phối của Cty mẹ cho phép Cty mẹ thực hiện vai trò thống lĩnh của mình dựa trên cơ chế các thành viên góp vốn hoặc tài sản. Các tập đoàn có mô hình đa dạng, tuỳ thuộc cách liên kết, không có bộ máy quản lý chung. Vai trò quan trọng thuộc về tổ chức quản lý, định hướng giám sát của Cty mẹ.

 

Cũng cần phải nói thêm, ở nước ngoài quan trọng là chữ ký còn ở VN lại quan trọng con dấu. Thế nên mới có chuyện ông chủ tịch một tập đoàn tư nhân phải nhận một chức danh ở Cty thành viên để đóng dấu cho hợp lệ! Thiết nghĩ, quản lý nhà nước quan trọng là quản lý thực thể DN, chứ DN không phải “lách” để tồn tại.

 

Nhiều ý kiến còn đề nghị công nhận tập đoàn kinh tế tư nhân, bắt đầu từ tên gọi. Các DN không thể đăng ký kinh doanh với tư cách là tập đoàn. Từ tập đoàn chỉ là một danh từ trong tên gọi của DN. Có lẽ chỉ VN mới có các Cty cổ phần tập đoàn, Cty TNHH tập đoàn... Quy mô tập đoàn cũng là vấn đề tranh luận: Lớn cỡ nào thì được công nhận là tập đoàn? Theo Luật DN nhóm Cty chỉ cần 2 DN trở lên đã được công nhận. Nhưng nhiều người lo ngại tên gọi tập đoàn chỉ là một cách làm PR, làm giá cổ phiếu... thậm chí “con gà tức nhau tiếng gáy”.

 

Cảnh báo đa ngành nghề!

 

Rõ ràng là khi hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không thể cạnh tranh với các Cty nhỏ bé - sự hợp lực để phát triển là một đòi hỏi sống còn. Điều này đã được các DN chứng minh bằng việc các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ VN vì chúng ta chưa có những đối trọng thực sự. Tuy nhiên, không thể hình thành tập đoàn bằng mệnh lệnh hành chính.

 

TS Nguyễn Quang A “bắt bệnh” tập đoàn như sau: Bệnh vĩ cương (cho oai), trốn tránh trách nhiệm pháp lý, sở hữu chéo và lãng phí nguồn lực quốc gia. Nếu những tập đoàn hình thành không phải từ bản thân đòi hỏi của sự phát triển DN, thì chuyện bình mới rượu... không mới là đương nhiên. Việc thành lập các NH trong các tập đoàn kinh tế để cấp vốn cho các tập đoàn này có thể gây nên những thảm hoạ. Sở hữu chéo, tức là các Cty trở thành đối tác chiến lược, nắm cổ phần của nhau, là một cách thực tế trốn tránh cổ phần hoá. Trách nhiệm pháp lý có thể bị trốn tránh, khi những tập đoàn thay thế các TCty. Ví dụ như những khoản nợ NHTM mà các TCty nhà nước đang phải chịu trách nhiệm.

 

Thực tế, thời gian gần đây các TCty nhà nước trong những lĩnh vực kinh tế trọng yếu đột nhiên mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực thời thượng là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Các chuyên gia cảnh báo sự bành trướng đa ngành nghề làm các tập đoàn (trong tương lai) lơ là phát triển ngành mũi nhọn, trọng tâm của mình. Ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng VN đề nghị: Tập đoàn không nhất thiết phải phát triển đa ngành, mà phải chuyên sâu vào ngành mũi nhọn. Bởi vì nguồn lực còn hạn chế, nếu đầu tư dàn trải sẽ không đủ lực đầu tư phát triển ngành chủ lực. Những tập đoàn nhà nước đều nắm giữ những ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, nếu không mạnh để cạnh tranh ở thị trường trong nước, sẽ nhường sân cho các DN nước ngoài thao túng. Đó là thiệt hại lớn của nền kinh tế.

 

TS Đinh Văn Ân kết luận: Các tập đoàn lớn trên thế giới bị khống chế bằng Luật Cạnh tranh, nên mới đầu tư sang các lĩnh vực khác, vì vậy các tập đoàn VN mới ở giai đoạn manh nha phát triển, hãy tập trung vốn và nguồn lực để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của mình.

Theo DDDN

Tin liên quan:

>> Tập đoàn kinh tế không phải là pháp nhân

>> Tập đoàn kinh tế tư nhân bao giờ danh chính

>> Phát triển kinh tế tập đoàn: Chính sách đi sau thực tiễn