Phiên giao dịch sáng ngày 15/3: Cổ phiếu penny nổi sóng

Phiên giao dịch sáng ngày 15/3: Cổ phiếu penny nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dòng bank có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ dòng tiền sôi động. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm thị trường với giao dịch bùng nổ.

Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần thứ 2 của tháng 3, nhưng xu hướng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tích lũy khi VN-Index tiệm cần vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Điều này không có gì bất ngờ bởi trong lịch sử đã có 3 lần giá tiếp cận vùng này là 2007, 2018 và 2021 nhưng mới chỉ có 1 lần vào năm 2018 vượt được một chút rồi rớt lại.

Việc thị trường chưa thể vượt đỉnh cũng như tâm lý nhà đầu tư vẫn khá dao động chưa thực sự quyết tâm hoặc lo ngại việc thị trường điều chỉnh sâu cũng dẫn đến động thái đợi chờ tín hiệu từ sự bứt phá của thị trường. Tuy vậy, trên thị trường vẫn có nhiều mã tăng giá lên vùng đỉnh cũ, thậm chí nhiều mã đã vượt đỉnh cũ tương ứng thời điểm VN-Index chạm mốc 1.200 điểm trong tháng 1/2021.

Và theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được thông tin về vắc xin, cũng như diễn biến giá chứng khoán thế giới hỗ trợ, tuy nhiên tuần qua VN-Index có vẻ như bị dẫn dắt, bị đè liên quan đến câu chuyện nghẽn lệnh tại HOSE. Một khi đã có cách xử lý, thì VN-Index sẽ chạy thôi.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới ngày 15/3, dù giao dịch vẫn khá thận trọng nhưng với sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường mở cửa trong sắc xanh.

Đà tăng không mấy bền vững khi những trụ cột này không phát huy tác dụng. Ngay sau đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán dần gia tăng khiến VN-Index dần thu hẹp đà tăng điểm và khi nhiều mã trong nhóm VN30 đảo chiều, chỉ số này cũng không còn đứng được trên mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index thủng mốc 1.180 điểm chi sau hơn 30 phút giao dịch.

Tuy vậy, lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá tích cực đã nhanh chóng giúp thị trường bật ngược đi lên. Phần lớn các cổ phiếu bluechip đều có được sắc xanh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù không có sự bứt phá nhưng hầu hết các cổ phiếu dòng bank đều giao dịch khởi sắc, đặc biệt mã lớn VCB đảo chiều tăng hơn 1%, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.

Bên cạnh trụ đỡ từ bluechip, điểm nhấn thị trường lại thuộc về các cổ phiếu penny. Hiện bộ 3 gồm FLC, ROS và HQC đều khoe sắc tím với thanh khoản dẫn đầu thị trường cùng lượng dư mua trần chất đống. Điển hình là FLC đứng tại mức giá trần 7.380 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 20,74 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra các mã như ITA, AMD, LDG, HAI, HAG, DLG… cũng giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động.

Thị trường duy trì diễn biến giằng co nhẹ trên mốc 1.180 điểm trong nửa cuối phiên sáng với tâm điểm là dòng tiền đầu cơ chảy mạnh tiếp sức cho các cổ phiếu vừa và nhỏ bùng nổ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 240 mã tăng và 217 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,17 điểm (+0,1%), lên 1.182,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 462,22 triệu đơn vị, giá trị 9.951,94 tỷ đồng, tăng 7,75% về khối lượng và 1,08% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 12/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,18 triệu đơn vị, giá trị 444,88 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn giữ phong độ và trở nên phân hóa mạnh với nhiều mã như BID, HDB, STB quay đầu điều chỉnh với mức giảm trên dưới 1%, trong khi CTG lùi về mốc tham chiếu, còn các mã ACB, VCB, TCB, TPB, VPB, MBB, OCB cũng chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 chính là PLX với mức tăng 3,6% lên 57.600 đồng/Cp. Trong khi đó, các cổ phiếu cùng ngành như GAS, PVD, PVT chỉ nhích nhẹ dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VRE, BVH đóng vai trò cản trở đà tăng của thị trường, nhưng biên độ giảm cũng khá hẹp.

Trong khi nhóm bluechip diễn biến giằng co nhẹ thì tâm điểm thị trường lại xoay vòng về với các mã trong nhóm vừa và nhỏ. Cặp đôi FLC và ROS tiếp tục dậy sóng trên thị trường khi tạm chốt phiên sáng vẫn trụ vững ở mức giá trần và là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE, lần lượt đạt 24,8 triệu đơn vị và 16,52 triệu đơn vị. Đồng thời, FLC còn dư mua trần 3,12 triệu đơn vị và ROS dư mua trần 6,84 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, HQC cũng tăng trần với khối lượng khớp lệnh hơn chục triệu đơn vị, các mã như HAP, AMD, FIT cũng trong trạng thái dư mua trần dù nhiều mã mở cửa vẫn trong trạng thái điều chỉnh.

Trên sàn HNX, đà tăng vẫn khá tốt nhờ dòng tiền chảy mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index tăng 3,61 điểm (+1,32%), lên 277,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 94,83 triệu đơn vị, giá trị 1.438,12 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,49 triệu đơn vị, giá trị 11,79 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí như PVS, PVB và PVC vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Thêm vào đó, các mã lớn khác như VCS, DTK cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu ngân hàng là BAB và SHB tiếp tục là trụ đỡ chính của thị trường. Cụ thể, sau phiên đột ngột hạ độ cao hôm cuối tuần ngày 12/3, cổ phiếu BAB đã bật mạnh trở lại trong phiên sáng nay và hiện đang đứng tại mức giá 35.600 đồng/CP, tăng 6,9%; còn SHB có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với biên độ tăng 2,3% lên 18.100 đồng/CP.

Một mã khác trong nhóm HNX30 cũng đóng vai trò hỗ trợ đà tăng cho thị trường là SLS khi tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá trần 138.100 đồng/CP, tăng 10%.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 30,33 triệu đơn vị, trong khi đứng ở vị trí thứ 2 là KLF chỉ khớp 6,89 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,3% lên 3.100 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng lấy lại đà tăng điểm nhờ dòng tiền sôi động.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,52%), lên 80,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,59 triệu đơn vị, giá trị 538,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,57 triệu đơn vị, giá trị 60,36 tỷ đồng.

Cũng như trên thị trường niêm yết, cặp đôi cổ phiếu dầu khí BSR và OIL vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó BSR giảm 1,8% xuống 16.400 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM, đạt 6,55 triệu đơn vị, còn OIL giảm 1,3% xuống 14.800 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Dù thông tin PVPower thoái toàn bộ 19,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 51,58% vốn điều lệ cùng kế hoạch kinh doanh đi ngang trong năm 2021, nhưng phiên giao dịch sáng nay cổ phiếu PVM vẫn tích cực khi chốt phiên sáng nay tăng 14,4% lên sát trần 30.100 đồng/CP và khớp 1,72 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan