“Quên” bảo hộ quyền của nhà đầu tư chiến lược?

(ĐTCK-online) Thực tế thời gian qua cho thấy, những cổ phiếu tốt như Sudico, Bảo Việt, Vinare…, nhưng đem bán vào thời điểm thị trường đi xuống đã cho kết quả thành công không trọn vẹn. Theo luật sư Lê Thanh Sơn, điều hành Văn phòng Luật AIC, thì một mặt Nhà nước nên trao quyền lựa chọn thời điểm CPH cho DN, mặt khác, cần bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL) mới có thể giúp các cuộc đấu giá lớn thành công trọn vẹn hơn.

Ông nhận xét gì về sự tham gia của các NĐTCL vào tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước vừa qua?

NĐTCL đóng vai trò quan trọng, với tiềm lực tài chính mạnh, họ không chỉ giúp quá trình CPH DNNN thành công nhanh chóng, mà còn giúp ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh cho DN thời kỳ hậu CPH, cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khác vào DN. Tiến trình CPH DNNN đã diễn ra được hơn 15 năm, có tới hơn 3.200 DNNN hoàn thành CPH, nhưng chỉ có khoảng 5% DN có sự tham gia của các NĐTCL, còn đa số vẫn là Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Điều này dẫn đến kết quả là mục tiêu CPH của DN chỉ đạt được về mặt hình thức, mà chưa thực sự đem lại hiệu quả cho DN. Nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều bất cập trong quy định của pháp luật, làm hạn chế sự tham gia của NĐTCL trong tiến trình CPH DN.

 

Cụ thể những bất cập là gì, thưa ông?

Một hạn chế lớn tồn tại từ Nghị định 64 đến Nghị định 187 là quy định “NĐTCL là các nhà đầu tư trong nước”. Quy định như vậy đã hạn chế lực lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tư cách là NĐTCL vào quá tiến trình CPH DNNN. Hiện nay, Nghị định 109 đã khắc phục được hạn chế trên, nhưng hãy thử nhìn 3.200 DNNN đã CPH mà không tận dụng được tiềm lực của NĐTCL nước ngoài sẽ thấy, sự bất cập của cơ chế ảnh hưởng như thế nào đến khả năng chuyển đổi sở hữu và phát triển tại DN.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung cơ bản để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tiến trình CPH là sự bảo hộ của pháp luật đối với quyền lợi của họ. Tại Điều 38, Nghị định 187 có quy định chi tiết quyền lợi của NĐTCL, nhưng tại Nghị định109 thay thế Nghị định 187, các nhà làm luật tuy có đề cập đến NĐTCL, nhưng lại quên không nêu qui định cụ thể bảo vệ quyền lợi của NĐTCL.

 

Vậy làm thế nào để khuyến khích sự tham gia của các NĐTCL vào tiến trình CPH DNNN trong thời gian tới, thưa ông?

Để thu hút sự tham gia của NĐTCL trong tiến trình CPH, DN trước hết phải xây dựng cho mình một phương án CPH khả thi, trong đó chú trọng việc có một bộ máy quản lý chuyên nghiệp. Các DN cũng phải chủ động xây dựng được một phương án kinh doanh hấp dẫn, nhằm thu hút được sự quan tâm các NĐT nói chung, NĐTCL nói riêng.

Về khía cạnh pháp luật, Chính phủ cần điều chỉnh lại lộ trình CPH đối với các DN lớn của Nhà nước, không nên ấn định thời điểm phải hoàn thành CPH xơ cứng như hiện nay, mà cho phép DN lớn được tự xây dựng lộ trình CPH phù hợp với tình hình thị trường và thực trạng hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, Nghị định 109 cần sớm bổ sung một số quy định cụ thể nhằm mục đích bảo hộ cho các NĐTCL để khuyến khích họ tham gia đầu tư vào các DNNN CPH.