Cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Quyền lợi cổ đông nhỏ:Bắc thang lên hỏi ông giời!

(ĐTCK-online) Không còn là những “nghị gật” trong mỗi kỳ họp ĐHCĐ, NĐT giờ đây có bản lĩnh và kiến thức hơn nhiều, họ cũng muốn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cho doanh nghiệp phát triển và có trách nhiệm với đồng vốn do mình bỏ ra. Luật Doanh nghiệp cũng đã có quy định cụ thể về quyền được tham dự ĐHCĐ và biểu quyết của NĐT, dù tỷ lệ cổ phần họ sở hữu tại DN là bao nhiêu. Thế nhưng trên thực tế, quyền cơ bản nhất này lại bị nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm, gây thiệt thòi lớn cho cổ đông.

Điều 79 Luật Doanh nghiệp có quy định: “Cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết”. Và đương nhiên, Điều lệ và các quy định do công ty soạn thảo không được trái với quy định của pháp luật.

Luật thì cụ thể, rõ ràng như vậy, thế nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp lại cố tình phớt lờ quyền cơ bản của cổ đông. Trong thông báo về nội dung họp ĐHCĐ 2007, Công ty cổ phần Momota viện dẫn căn cứ theo Nghị quyết ĐHCĐ 2006 quy định: cổ đông sở hữu số cổ phần chiếm tỷ lệ từ 0,1% vốn điều lệ (tương đương 12.000 cổ phần phổ thông) được tham dự trực tiếp các kỳ đại hội. Cổ đông sở hữu ít hơn 0,1% vốn điều lệ có thể tập hợp thành nhóm cổ đông nắm giữ bằng hoặc lớn hơn 0,1% vốn điều lệ để cử người đi dự họp theo mẫu giấy ủy quyền. Trong trường hợp không có người đại diện ủy quyền tham dự đại hội, cổ đông có thể ủy quyền cho một trong số các thành viên HĐQT công ty. Tức là, nếu anh là cổ đông nhỏ, anh “phải” nhờ người khác đại diện quyền lợi hộ!?

Tương tự, tại CTCP XNK thủy sản Hà Nội, Lãnh đạo công ty viện dẫn theo quy định của Điều lệ công ty, cổ đông sở hữu 0,3% vốn điều lệ trở lên (vốn điều lệ của doanh nghiệp là 100 tỷ đồng) tính đến thời điểm chốt danh sách cổ đông thì mới được tham dự ĐHCĐ. Cổ đông sở hữu ít hơn 0,3% vốn điều lệ có thể ủy quyền bằng văn bản cho cổ đông hoặc người khác có đủ năng lực pháp lý và hành vi để đủ số vốn sở hữu theo điều lệ quy định để tham dự đại hội. Điều đáng nói là khi CTCP XNK Thủy sản Hà Nội soạn thảo Điều lệ công ty, đã có thành viên trong tổ soạn thảo phản đối quy định này. Khi bản dự thảo Điều lệ công ty được đưa ra cuộc họp ĐHCĐ lần thứ nhất để thông qua, nhiều cổ đông thiểu số đã không biểu quyết thông qua nhưng cổ đông Nhà nước, cổ đông lớn chiếm đa số sở hữu, vẫn bảo lưu ý kiến và giơ tay thông qua bản điều lệ này.

Không biết kêu ai, cổ đông nhỏ làm đơn gửi tới UBCK nhờ can thiệp, thế nhưng ngay cả khi cơ quan này có công văn đề nghị doanh nghiệp giải trình và yêu cầu thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp thì Công ty vẫn phớt lờ. Cổ đông nhỏ đành ngậm ngùi đứng ngoài với bao bức xúc mà không biết bày tỏ với ai!

Trong mùa họp ĐHCĐ năm nay, có thể liệt kê rất nhiều trường hợp phân biệt đối xử như trên, nhưng cổ đông nhỏ kêu cứ kêu, việc công ty làm công ty cứ thực hiện, bất chấp việc làm đó có trái luật hay không. Đem vấn đề này hỏi một chuyên gia về Luật Doanh nghiệp, ông nói, luật quy định như vậy nhưng lại không có cơ quan giám sát thi hành luật và không có chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Hệ quả là cổ đông muốn bảo vệ quyền lợi của mình phải đưa vấn đề ra giải quyết tại tòa án kinh tế, mà việc cùng nhau ra toà không khéo “chưa được vạ thì má đã sưng”.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần thông cảm với doanh nghiệp bởi khi quy mô lớn, số lượng cổ đông lớn… không dễ tổ chức ĐHCĐ cho tất cả cổ đông đều có thể tham gia họp, trong khi tiếng nói của họ hầu như không ảnh hưởng gì tới việc ra quyết định của công ty. Đơn cử như những công ty mà cổ đông Nhà nước sở hữu trên 65% vốn điều lệ, chỉ cần những vị đại diện này ngồi lại với nhau bỏ phiếu thông qua thì mọi cổ đông khác có phát biểu gì chăng nữa cũng không có giá trị gì! Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào cũng lộng quyền như vậy, môi trường kinh doanh sẽ  trở nên méo mó, cổ đông thường không muốn gắn bó với doanh nghiệp lâu dài mà thay vào đó chủ yếu là những nhà đầu cơ mua đi, bán lại cổ phiếu trong ngắn hạn. Luật Doanh nghiệp đã có quy định nhằm bảo vệ NĐT nhỏ lẻ, hà cớ gì doanh nghiệp lại bỏ qua quyền cơ bản nhất của NĐT mà các cơ quan thực thi luật lại bó tay, không xử lý được vì thiếu chế tài?