Sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh tăng

Sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh tăng

(ĐTCK-online) Một số CTCK đánh giá, sau các thông tin hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước như nới tín dụng tiêu dùng và bất động sản, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, khả năng tiến xa của thị trường vẫn khá mờ nhạt.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 16/11.

 

Xu hướng giảm vẫn là chủ đạo

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Một phiên giao dịch khá tích cực khi cung co lại dưới sự tác động từ các thông tin hỗ trợ của NHNN, HNX-Index đã tăng giá trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, sau phiên 14/11, HNX-Index rơi khỏi mức 63,5 điểm (mức hỗ trợ rất quan trọng trong dài hạn), việc hồi phục lại ngày 15/11 dễ đặt ra hoài nghi về khả năng hồi phục lại chỉ là để xác nhận việc rơi khỏi mức này.

Nếu sau một vài phiên HNX-Index giằng co dưới mức 63,5 điểm mà không tạo được đột biến sẽ làm tăng niềm tin về sự hoài nghi trên và kích thích vị thế bán. Các dấu hiệu đang ủng hộ cho điều này là:

- Các cổ phiếu ngành bất động sản hoặc có liên quan đến bất động sản đang giảm liên tiếp như HAG, HPG, SJS, ITA, KBC, SCR,… Dù nhóm này không phải là nhóm dẫn dắt trend của thị trường như SSI, BVS, KLS, VND nhưng cũng sẽ vẫn gây áp lực giảm giá lớn.

- Nhóm SSI, BVS, KLS, VND bị chặn bán giá xanh khá cao trong ngày hôm nay mà nếu việc chỉ tạo 1 đáy đảo chiều sẽ khó đem lại sự tin tưởng, nhất là khi VN-Index ngược chiều với HNX-Index (thiếu sự đồng thuận).

Với việc sàn HNX bất ngờ hồi phục nhanh và đột ngột cuối ngày 15/11 thì HNX-Index sẽ có cơ hội thử thách mức cản 63,5 điểm vào ngày 16/11. Xu hướng giảm vẫn là chủ đạo trên thị trường trong thời điểm hiện nay.

 

Nên cơ cấu lại danh mục đầu tư

(CTCK WooriCBV)

Diễn biến trái chiều vào cuối phiên khi đóng cửa phiên giao dịch 15/11/2011, chỉ số VN-Index  giảm 3,87 điểm (0,99 %) xuống 387,87 điểm, HNX-Index  tăng 0,61 điểm (0,98 %)  lên  63,06 điểm. Thanh khoản nếu không tính đến khối lượng giao dịch thỏa thuận thì được giữ ổn định so với phiên trước đó.

Về mặt kỹ thuật, như chúng tôi đã đề cập ở bản tin ngày 14/11 thì khi các mốc hỗ trợ dài hạn bị phá vỡ thì xu hướng chung ở các khung thời gian từ ngắn hạn đến dài hạn đều giảm. Đồng thời đây là giai đoạn đầu của một nền tảng giá bị phá vỡ, nên sự sụt giảm sẽ khá mạnh và chỉ có dấu hiệu tạo đáy dài hạn khi các chỉ số giảm một thời gian và sau đó dao động tích lũy theo một số mô hình như vòng lượn đáy, 2 đáy…vv. Nên cơ cấu lại danh mục đầu tư để chuyển dần sang tiền mặt khi có dấu hiệu phục hồi tại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đối với VN-Index ở các mức 380 và 371 điểm.

Đứng ngoài quan sát và không tham gia giải ngân lúc này là một sự lựa chọn hợp lý.

 

Nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch trái chiều ngày 15/11. Chỉ số VN-Index giảm 3,87 điểm, đóng cửa ở mức 387,87 điểm, giảm 0,99%. Trong đó, có 147 mã giảm điểm, 67 mã tăng và 93 mã không đổi. Việc mất điểm của các mã blue-chips như VIC, MSN, VNM, HPG, VPL cũng như HAG đã tác động xấu đến thị trường ngày hôm qua, làm mất 2,96 điểm của chỉ số VN-Index. Ngược lại, BVH, IJC, DPG, và SBT lại giúp chặn đà giảm của chỉ số này. Đáng chú ý, thanh khoản trên sàn thành phố tăng mạnh so với ngày giao dịch trước đó, đạt 877,7 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 511 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index lần đầu tiên tăng điểm sau bốn phiên giảm liên tiếp, đóng cửa ở mức 63,06 điểm, tăng nhẹ 0,61 điểm (+0,98%). Việc hồi phục của chỉ số HNX-Index lần này là do sự đóng góp của các mã như ACB, SHB, SQC ….

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 8844/NHNN-CSTT về hoạt động tín dụng trong những tháng cuối năm. Trong đó, có quy định cụ thể về việc : (1) đảm bảo cung cấp tín dụng cho nền kinh tế ở mức lãi suất hợp lý; (2) tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng lĩnh vực phi sản xuất. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã loại trừ 4 nhóm bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, trong đó bao gồm các khoản cho vay sửa chữa và mua nhà với mục đích để ở mà nguồn trả nợ là tiền lương và tiền công khách hàng, dư nợ cho vay xây dựng nhà cho người thu nhập khá, lao động các khu kinh tế, …

Đây là tín hiệu tích cực và hành động cần thiết của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc ban hàng Thông tư 35 hướng dẫn công khai các thông tin về hoạt động ngân hàng. Với việc loại trừ các khoản cho vay những người thực sự có nhu cầu về nhà ở và việc các doanh nghiệp bất động sản hạ giá, thị trường nhà ở trong những tháng cuối năm có khả năng chứng kiến sự phục hồi do cầu về nhà ở tăng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với giá trị mua ròng trên sàn thành phố cho phiên thứ 5 liên tiếp, đạt 800 triệu đồng, chủ yếu ở các mã FPT, VCB, và PVD. Trên sàn Hà Nội, giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại tiếp tục tăng từ 3,02 tỷ đồng lên 4,81 tỷ đồng, chủ yếu ở mã PVX với giá trị mua ròng đạt 3,95 tỷ đồng.

Về mặt phân tích kỹ thuật, một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng hồi phục của VN-Index và HNX-Index. Nếu đúng, hai chỉ số sẽ hồi phục về vùng kháng cự 400 và 65 tương ứng. Tuy nhiên, các phiên tăng nhiều khả năng chỉ mang tính chất điều chỉnh. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể bắt đầu cân nhắc mua vào các mã có yếu tố cơ bản tốt.

 

Xu hướng thị trường lúc này chưa thực sự rõ ràng

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/11 với hai màu sắc trái ngược, trong khi HNX-Index thành công duy trì sắc xanh và chốt phiên tăng nhẹ thì VN-Index chỉ lóe xanh được ít phút đầu phiên rồi sau đó suy yếu cùng chiều với các cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản.

Dường như thông tin được cho là tích cực của NHNN, với việc công bố 4 nhóm phi sản xuất sẽ được cho vay để đảm bảo an sinh xã hội, chưa đủ mạnh để vực dậy thị trường khi mà những lo lắng về khó khăn và bất ổn cả từ trong nước và thế giới vẫn còn đó.

Nhìn chung, tâm lý của các nhà đầu tư bị đè nặng bởi sự thận trọng và dè dặt, rất hiêm có nhà đầu tư mạnh dạn mua vào bắt đáy, đà tăng trên sàn Hà Nội chủ yếu do nỗ lực hạn chế bán giá thấp của bên nắm giữ cổ phiếu.

Tính thanh khoản của thị trường theo đó vẫn ở mức thấp đáng lo ngại, sự đột biến về khối lượng lẫn giá trị giao dịch phần nhiều do đóng góp của giao dịch thỏa thuận.

Với bối cảnh như hiện nay chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng với thị trường chứng khoán, xu hướng thị trường lúc này chưa thực sự rõ ràng và nhiều khả năng vẫn sẽ là những biến động giằng co trong biên độ hẹp vào ngày mai, các nhà đầu tư không nên vội vã dò đáy lúc này và cần phải cân nhắc kĩ các rủi ro, trong đó có rủi ro T+4.

 

Tránh các quyết định mua đuổi khi rủi ro T+4 còn ở mức cao

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 15/11 với mức hồi phục nhẹ, tuy nhiên cung giá cao ngay lập tức hiện diện đẩy giao dịch về cân bằng quanh mức tham chiếu. Trong khoảng thời gian nửa sau của phiên giao dịch, hiện tượng phân hóa trên hai sàn lại tái diễn. Trên sàn TP. HCM, nhiều cổ phiếu bluechips bất động sản như HAG, SJS, NTL… chịu áp lực bán khá mạnh ngay cả tại các vùng giá thấp, tương đương với vùng đáy suy thoái năm 2009. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ thanh khoản tốt trên sàn Hà Nội vẫn thu hút được lực cầu bắt đáy và có tín hiệu hồi phục tích cực về cuối phiên.

Chuỗi giảm mạnh 12 phiên liên tiếp của 3 mã HAG, HPG và SJS phản ánh một thực tế rằng cổ phiếu bluechips đang bị cắt lỗ mạnh tay hơn nhiều so với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Theo suy đoán của chúng tôi, lực bán của nhà đầu tư tổ chức có thể là nguyên nhân đằng sau của hiện tượng này.

Giá cổ phiếu bất động sản và ngân hàng có thể đang phản ứng trước những gì sẽ diễn ra trong khoảng thời gian trung hạn sắp tới. 2 nhóm ngành này sẽ là tâm điêm của những bất ổn trên thị trường tài chính, và tiếp tục chi phối xu hướng của chỉ số trong trung hạn.

Tín hiệu hồi phục cuối phiên trên sàn Hà Nội mở ra khả năng hồi phục ngắn hạn của thị trường sau chuỗi ngày giảm mạnh như chúng tôi đã đề cập. Mặc dù vậy, BVSC tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư nên bám theo xu hướng chủ đạo và tránh các quyết định mua đuổi khi rủi ro T+4 còn ở mức cao. Việc bán ra từng phần nên được cân nhắc trong nhịp hồi phục này tại các vùng cản kỹ thuật.

 

Nhiều khả năng sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh tăng

(CTCK EuroCaptial)

Chính sách điều hành tín dụng những tháng cuối năm cho thấy tín hiệu thông thoáng hơn với dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất vật chất. Đối với tín dụng phi sản xuất, chính sách tín dụng hiện tại cũng góp phần giảm áp lực lên thị trường bất động sản. Nhưng với trạng thái căng thẳng thanh khoản hệ thống TCTD, thì nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự gia tăng của nguồn tiền cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Trong các phiên tới, với liều thuốc tinh thần là Văn bản số 8844/NHNN-CSTT vừa công bố và các dấu hiệu kỹ thuật tích cực, chúng tôi đánh giá cao khả năng một đợt điều chỉnh tăng của thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện. Tuy vậy, mức kháng cự trong lần điều chỉnh này khá gần với vùng giá hiện tại và nếu không có thêm thông tin gì mới, khả năng tiến xa của thị trường vẫn khá mờ nhạt.

 

Thị trường sẽ sớm có sự phục hồi trong vài phiên tới

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thông tin NHNN cởi bỏ khái niệm “phi sản xuất” cho 4 nhóm BĐS đã không mang lại hiệu ứng tâm lý tích cực cho thị trường trong phiên giao dịch sáng 15/11. Quan sát diễn biến phiên cho thấy sự hồi phục của HN-Index theo phương diện kỹ thuật nhiều hơn là nhờ tâm lý bi quan đã được cởi bỏ. Áp lực thoát hàng ở các mức giá cao còn khá lớn.

Thị trường ngày 15/11 phản ứng hờ hững với thông tin mở van tín dụng cho 4 nhóm BĐS. Tuy vậy, theo đánh giá của chúng tôi, đây là thông tin khá tích cực. Trước hết, nợ xấu ngành ngân hàng có đến 80% là dư nợ thuộc lĩnh vực phi sản xuất, do vậy, mở van tín dụng cho một số nhóm BĐS có thể sẽ góp phần hạ tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng. Ngoài ra, các dự án sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước 01/01/2012 và các dự án mua nhà trả nợ bằng tiền lương cũng được loại bỏ khỏi danh mục “phi sản xuất” sẽ góp phần khai thông nguồn vốn cho nhiều dự án.

Thông tin từ lĩnh vực BĐS đã giúp cởi bỏ một phần rào cản tâm lý cho NĐT. Bên cạnh đó, về phương diện kỹ thuật, nhiều cổ phiếu đã giảm về mức rất thấp, thậm chí xuyên thủng mức đáy của tháng 8/2011. Do vậy, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ sớm có sự phục hồi trong vài phiên tới.

Với quan điểm thận trọng, chúng tôi khuyến nghị NĐT chỉ giải ngân khi các tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn như thị trường tăng điểm và thanh khoản cải thiện trong bối cảnh nguồn cung được tiết chế. NĐT ngắn hạn mạo hiểm bắt đáy cần cân nhắc rủi ro T+.

 

 

Rủi ro VN-Index phá vỡ mức đáy cũ hoàn toàn có thể xảy ra

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 15/11 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của VN-Index với mức giảm 3,87 điểm, nối dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ 7 liên tiếp.

Người bán tiếp tục thoát hàng trên diện rộng trong khi sức mua thụ động, dè chừng khiến cho đà giảm vẫn chưa thể ngừng lại. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 387,87 điểm và chỉ cách mức đáy cũ gần nhất hơn 3 điểm. Theo đó, đà rơi của thị trường trong một tuần trở lại đây đang đưa chỉ số tiến về vùng đáy cũ tại 384 điểm và thể hiện một xu thế khá tiêu cực trong bối cảnh thị trường thiếu vắng những thông tin tốt hỗ trợ và tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái bi quan.

Điểm tích cực trong phiên giao dịch này là tín hiệu trở lại của lực cầu bắt đáy trước thông tin về việc NHNN thay đổi một số nhóm đội tượng thuộc bất động sản, tiêu dùng ra khỏi lĩnh vực cho vay phi sản xuất.

Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra quy định về việc công bố và cung cấp thông tin của hệ thống ngân hàng với mục đích minh bạch hóa và nâng cao tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin tích cực kể trên vẫn chưa đủ để có thể kích thích nhà đầu tư quay trở lại với thị trường chứng khoán.

Trước những thông tin tốt, thị trường chỉ phục hồi nhẹ trong khoảng thời gian ngắn ngủi và quay đầu giảm mạnh cho đến hết phiên giao dịch. Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ nhưng chủ yếu là do đóng góp của các lệnh thỏa thuận khối lượng lớn tại một vài mã như MSN, HAG, IJC….trong khi giao dịch khớp lệnh có phần suy giảm. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn khá thận trọng với rủi ro của thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Xét những yếu tố có khả năng tác động đễn xu hướng thị trường trong ngắn hạn, FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng trong những phiên giao dịch tới. Rủi ro VN-Index phá vỡ mức đáy cũ hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có yếu tố đột biến nào xuất hiện.

 

Nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tiền mặt

(CTCK VNDirect - VND)

HNX-Index có phiên bật lại sau khi phá vỡ đường chặn chéo kéo dài từ hai đáy 5 và tháng 8 nhưng khối lượng khớp lệnh vẫn ở mức thấp. Phiên xanh điểm ngày 15/11 chỉ làm cho đà giảm của HNX-Index tạm thời không quá nhanh. Chỉ một số mã chủ chốt tăng điểm trong khi toàn thị trường chưa tìm được sự đồng thuận.

Các mã bluechip trên HOSE vẫn giảm mạnh cho thấy thị trường vẫn đang xu thế chính là giảm điểm. Phiên tăng điểm trên HNX phiên 15/11 không đủ để xác nhận việc đảo chiều xu hướng, chúng tôi cho rằng đây chỉ đơn thuần là phiên điều chỉnh kỹ thuật.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền mặt. Tăng điểm trong ngắn hạn chỉ mang tính chất tạm thời, việc giải ngân trong tình huống hiện tại đối mặt với rủi ro lớn và lợi nhuận kỳ vọng thấp.

 

Rủi ro giảm giá sau T + 4 là khá lớn

(CTCK Dầu khí - PSI)

Sàn Hà Nội có sự phục hồi nhẹ khi chỉ số HNX-Index tăng gần 1% lên mức 63,06 điểm. VN-Index tiếp tục giảm 0,98% nhưng chủ yếu do ảnh hưởng bởi mức sụt giảm ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VPL, VNM...

Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại với giao dịch toàn thị trường giảm gần 20% so với phiên trước đó. Áp lực bán giá thấp trên các mã cổ phiếu ngành bất động sản vẫn còn khá lớn khiến giá một số bluechips thuộc nhóm ngành này tiếp tục giảm mạnh.

Thanh khoản giảm trong một phiên phục hồi nhẹ là dấu hiệu cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Các tín hiệu kỹ thuật cũng chưa có sự chuyển biến tích cực và cơ sở cho một đợt sóng phục hồi đáng kể vẫn còn chưa xuất hiện. Nếu đây chỉ là một sự phục hồi ngắn hạn thì rủi ro giảm giá sau T + 4 là khá lớn.

Do vậy, nhà đầu tư vẫn chưa nên tham gia vào thị trường. VN-Index sẽ gặp kháng cự tại 400 điểm, và HNX-Index có kháng cự gần nhất tại ngưỡng 66 điểm.