Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khó vay vốn nước ngoài hơn sau vụ Vinashin

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khó vay vốn nước ngoài hơn sau vụ Vinashin

Siết vay nợ nước ngoài của tập đoàn nhà nước

Hoạt động vay nợ nước ngoài, dù là tự vay tự trả, của tập đoàn, tổng công ty sẽ được quản lý theo hướng thận trọng hơn, nhằm bảo đảm an toàn vốn nhà nước cũng như nợ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước hôm qua (11/5) công bố dự thảo nghị định về quản lý vay trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ, một bước tiếp theo nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về bình ổn thị trường ngoại hối cũng như đảm bảo an toàn nợ quốc gia.

 

Với nghị định này, hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả được quản lý thận trọng hơn, đặc biệt là với doanh nghiệp nhà nước như tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô hoạt động lớn, tập trung nguồn vốn vay lớn.

 

Theo ban soạn thảo, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ thể kinh tế quan trọng, nắm giữ khối lượng lớn vốn nhà nước. Vì vậy, mặc dù các doanh nghiệp nhà nước này tự vay tự trả nợ, song vẫn cần chính sách quản lý thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo an toàn vốn nhà nước.

 

Do đó, ban soạn thảo đề xuất các tập đoàn, tổng công ty nhà nước muốn vay nước ngoài phải được cơ quan đại diện vốn sở hữu trong doanh nghiệp phê duyệt phương án huy động vốn vay. Mặt khác, kim ngạch vay phải được Bộ Tài chính đồng ý và xác nhận nằm trong giới hạn an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, phù hợp với quy định hiện hành.

 

Cũng theo dự thảo nghị định, thuộc diện được vay và trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ chỉ có các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, mà không bao gồm cá nhân.

 

Trên thực tế, việc vay vốn nước ngoài của cá nhân được Pháp lệnh Ngoại hối công nhận, như một phần thực hiện cam kết tự do hóa giao dịch vốn. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo nghị định, với điều kiện Việt Nam hiện nay, cho phép cá nhân vay nước ngoài rất rủi ro và có thể góp phần làm trầm trọng hóa tình trạng đôla hóa. Vì vậy, không những chưa đưa cá nhân vào đối tượng được tự vay tự trả của dự thảo nghị định, Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc điều này khi đề xuất bổ sung, chỉnh sửa Pháp lệnh Ngoại hối thời gian tới.

 

Theo ban soạn thảo, trường hợp cá nhân thực hiện các dự án đầu tư hợp pháp cần huy động vốn vay nước ngoài, có thể thành lập doanh nghiệp tư nhân và thực hiện vay nước ngoài như theo các quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

 

Một điểm mới trong dự thảo nghị đinh là bổ sung đồng Việt Nam vào danh sách các đồng tiền được phép vay từ nước ngoài. Theo ban soạn thảo, các văn bản hiện hành không quy định về đồng tiền vay nước ngoài. Nhưng thực tế thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đề nghị được vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam nhằm tránh được rủi ro tỷ giá và sức ép mua ngoại tệ trả nợ khi thị trường ngoại hối căng thẳng.

 

Tuy nhiên, việc mở rộng cho phép giải ngân vốn vay bằng VND là hình thức công nhận quyền sử dụng hợp pháp tiền VND của người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, theo ban soạn thảo, cần thận trọng trong việc quản lý nguồn VND này, tránh những giao dịch tiếp theo của người không cư trú trên lãnh thổ làm ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ.

 

Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy định điều kiện cụ thể đối với việc vay nước ngoài bằng VND trong từng thời kỳ để có cơ sở xem xét và giải quyết các nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp.