Cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Sống chung với khủng hoảng tài chính toàn cầu

(ĐTCK) "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ đã lan rộng nhanh, diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng đang chịu các tác động bất lợi ngày càng lớn hơn, rõ nét và trực tiếp hơn. Tác động từ cuộc khủng hoảng này tới nền kinh tế Việt Nam không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xuất khẩu, mà cả với dòng vốn đầu tư nước ngoài, TTCK, du lịch, kiều hối, với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác".

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đã phát biểu khai mạc, mở đầu cho Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", do Báo Đầu tư và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đồng tổ chức nhằm đánh giá đúng và dự báo mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng, tác động của nó tới các lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động.

Cần đánh giá đúng những tác động

Về cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại Mỹ, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của UNDP và Chương trình Fulbright cho rằng, viễn cảnh giải quyết cuộc khủng hoảng phụ thuộc vào sự phục hồi thị trường bất động sản tại Mỹ với 5 triệu căn nhà rao bán dù chỉ mang giá trị thế chấp là 2.000 tỷ USD, nhưng các công cụ phái sinh kèm theo lên tới 600.000 tỷ USD. Giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, theo ông Pincus, cần có thời gian đủ dài.

Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc VinaCapital đánh giá, trong ngắn hạn, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới Việt Nam sẽ không lớn, do Việt Nam chịu tác động gián tiếp. Tuy vậy, trong dài hạn, tác động có thể có ảnh hưởng khó lường. Nếu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới kéo dài và tăng cường độ thì Việt Nam sẽ cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng cả về kinh tế và tài chính.

Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư dự báo, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2009 sẽ chịu tác động của hai nhân tố: tình hình trong nước và sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Có thể các tập đoàn này sẽ tạm thời thu hẹp phạm vi, đình hoãn một số dự án không có khả năng thu xếp tín dụng. Khi đó, không ít dự án FDI trong nước có nguy cơ bị giãn tiến độ, thu hẹp quy mô...

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM nhìn nhận, so với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng hiện nay có mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam lớn hơn, do Việt Nam đã hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu. Riêng lĩnh vực TTCK, theo ông Trà, Việt Nam có sự liên thông giữa các nguồn vốn quốc tế với sự hiện diện của khối nhà ĐTNN. Hơn nữa, TTCK có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết nên còn phải chịu các tác động gián tiếp do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trên thế giới giảm sút. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng không bình yên khi giá dầu lửa, nguyên vật liệu đã và đang giảm mạnh, các đầu tầu kinh tế lớn của thế giới rơi vào suy thoái. Điều này đã gây tác động tiêu cực tới lợi nhuận của không ít doanh nghiệp, dù đây cũng chính là nhân tố thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp trong nửa đầu năm.

Biến khủng hoảng thành cơ hội

TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, thông tin về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và mức độ ảnh hưởng trong từng lĩnh vực vẫn mang tính chất đơn lẻ, chưa thật đầy đủ, toàn diện, hội thảo sẽ là cơ hội để các học giả, doanh nghiệp đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm hạn chế các tác động, biến thách thức thành cơ hội.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, với lĩnh vực đầu tư, vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương là phải rà soát cẩn trọng dự án đã cấp phép, phân các dự án thành ba loại: triển vọng thực hiện đúng thời hạn; các dự án phải giãn tiến độ hoặc thu hẹp phạm vi; các dự án không có khả năng thực hiện. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tại Mỹ liên quan đến thị trường bất động sản và sự lỏng lẻo tín dụng của hệ thống ngân hàng mang hàm ý tham khảo đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường công tác dự báo trên cơ sở đề ra các kịch bản khác nhau, có các giải pháp thích ứng với từng kịch bản để chủ động trong mọi tình huống. Không nên và không được phép đưa ra những nhận xét thiếu căn cứ khoa học. Bài học bao quát nhất đối với Việt Nam rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ là kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường với năng lực của Chính phủ điều tiết thị trường.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thời gian tới, dòng vốn FDI có thể gặp khó khăn, nhưng dư địa vốn FDI hiện nay còn rất lớn, 144 tỷ USD đăng ký so với con số 53 tỷ USD đã thực hiện là cơ hội để Việt Nam thực hiện các dự án khả thi.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí khuyến nghị, để giảm bớt các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu, các doanh nghiệp nên củng cố dòng tiền mặt, đồng thời định hướng xuất khẩu sang thị trường mới ở Trung Đông và ASEAN, cũng như củng cố mạnh mẽ thị trường nội địa.

Về động thái bán ra nhiều hơn mua vào của nhà ĐTNN trên TTCK, ông Lê Hải Trà cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hầu hết là quỹ đóng, khi huy động vốn đã có tiêu chí đầu tư vào TTCK Việt Nam với thời gian từ 3 - 5 năm. Hiện tỷ lệ phân bổ cho TTCK Việt Nam trong danh mục của các quỹ này khá thấp nên các biến động trên TTCK hiện nay không phải là vấn đề lớn, gây ra sự thua lỗ của các quỹ. Trong khi đó, độ sâu và tính thanh khoản của TTCK Việt Nam ngăn cản nhà ĐTNN rút vốn mau lẹ. Trong mối tương quan, so sánh TTCK Việt Nam với các nước, ông Trà nhận định, dòng vốn tại TTCK Việt Nam sẽ không chảy đi nơi khác, vì Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, có những lúc thăng trầm, nhưng sự phục hồi của một nền kinh tế trẻ năng động sẽ mang lại cơ hội lớn hơn.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho biết, trong năm 2008, VN-Index đã có hai lần suy giảm. Lần thứ nhất là do lý do nội tại, lần thứ hai do các yếu tố bên ngoài. Nếu tạm thời quên suy giảm hiện tại, tập trung vào các nhân tố cơ bản trong nước, NĐT sẽ nhận thấy cơ hội, chứ không phải thách thức. Với cơ quan quản lý TTCK, ông Nam kiến nghị, thời gian tới nên cải thiện công tác phát hành chứng khoán.

Trong tham luận "Biến khủng hoảng thành cơ hội đổi mới chuỗi giá trị cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Đặng Đức Dũng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội lạc quan: Việt Nam đang là đầu tàu trong khu vực với quy mô dân số, tính cách, sự năng động của xã hội, tài nguyên, vị trí địa lý có nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC

Với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra, tôi đánh giá nền kinh tế trong nước không còn được "miễn nhiễm" như cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997, bởi tiến trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Khó khăn càng lớn hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam phải đối đầu với hai yếu tố kinh tế và tài chính song song. Tuy nhiên, về cơ bản, những yếu tố trong thị trường tài chính như lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái thời gian qua đã được kiểm soát khá tốt. Riêng với yếu tố kinh tế, đang xuất hiện các quan ngại về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới. Chính phủ cần phải duy trì một nền kinh tế nội địa vững vàng, giảm thiểu ảnh hưởng của nền kinh tế đối ngoại. Có thể kích cầu nền kinh tế nội địa qua việc đầu tư công với mức độ hiệu suất cao hơn nhiều so với hiện tại, nhưng vẫn phải tránh việc lãng phí để gây lạm phát trở lại.

Khủng hoảng và các tác động thiết nghĩ cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển hay đào thải tự nhiên, đặc biệt trong các nghành nghề có tốc độ phát triển cao, nhưng chưa ổn định hoặc chưa bền vững. Theo tôi, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn trung hạn cho 3 năm tới. Cần cân đối nguồn lực, cân bằng chi tiêu, cắt giảm chi phí và tiếp tục đầu tư những khoản mục cốt yếu cho việc phát triển lâu dài hoặc ít nhất doanh nghiệp cần chuẩn bị cho việc "cầm cự" từ 12 - 24 tháng tới. Nếu có nguồn lực dồi dào, thời gian tới là cơ hội cho các doanh nghiệp thâu tóm và củng cố thị phần. Không có nhiều nguồn lực hoặc nguồn lực đã bị phân tán mỏng trong thời gian phát triển "nóng" vừa qua, do đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn nhìn nhận khó khăn, cắt bỏ những mảng kinh doanh bị thua lỗ để thu hồi lại một phần vốn và một phần nguồn lực còn lại, đừng chần chừ mà để mất thêm thời gian, cơ hội…

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ Trường Thành

Với vai trò là một nhà xuất khẩu, tôi đánh giá các khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là rất lớn. Chắc chắn, lợi nhuận từ xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp sẽ giảm xuống, không chỉ trong nửa đầu năm mà suốt cả năm 2009 do hai yếu tố: nhu cầu tiêu dùng giảm và sức cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Với tình hình hiện tại, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra 3 kịch bản cho nền kinh tế và với mỗi kịch bản sẽ có các giải pháp khác nhau. Theo tôi, thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá nên được nới lỏng dần. Trong cả năm 2008, tỷ giá USD/VND phải trượt giá 10% mới hợp lý. Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại khi đưa về mức 12% thì các doanh nghiệp mới có thể vay vốn để sản xuất, kinh doanh bình thường. Hiện nhiều doanh nghiệp phát triển ra các thị trường mới, ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng như Trung Đông, nhưng tôi nghĩ, Trung Đông là thị trường nhỏ, nhu cầu không lớn nên khi nhiều doanh nghiệp nhắm tới, sự cạnh tranh tăng lên, giá sản phẩm có thể hạ xuống. Vả lại, việc xâm nhập các thị trường mới mất hàng năm trời, chứ không phải đơn giản một sớm một chiều. Tôi cho rằng, các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu như lãi suất, tỷ giá mới là yếu tố quan trọng nhất.