Dù thị trường địa ốc đang chựng lại, một số chủ đầu tư vẫn công bố dự án mới hoặc triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng.

Dù thị trường địa ốc đang chựng lại, một số chủ đầu tư vẫn công bố dự án mới hoặc triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng.

Thị trường bất động sản: Sẽ ấm lại nếu lạm phát giảm

Người có nhu cầu đang tìm mua nhà, doanh nghiệp chuyển sang đầu tư nhà có giá dưới 1 tỷ đồng... Đó là những thông tin được nêu ra tại tọa đàm "Một số vấn đề về thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay", do tạp chí Thị Trường Giá Cả BĐS Và Tài Sản tổ chức ngày 25/7.

Theo tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Đỗ Thị Loan, các tập đoàn kinh doanh BĐS Singapore nhận định thị trường BĐS VN chỉ tạm thời chựng lại và sẽ phát triển trong thời gian tới.

 

Thị trường sớm hồi phục

 

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS Phúc Đức cho biết, khoảng hai tháng qua đã có người mua nhà đất, chủ yếu là người có nhu cầu mua để ở.

 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dù thị trường địa ốc đang chựng lại nhưng chỉ ảnh hưởng đến phân khúc đất nền, căn hộ, còn văn phòng cho thuê, đất khu công nghiệp vẫn còn "cung thiếu cầu". Đối với nhà riêng lẻ hiện nay nhu cầu vẫn còn rất lớn, nhất là nhà ở có giá khoảng 1 tỷ đồng. Ông cho biết đang có dấu hiệu doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang loại sản phẩm này. Có thể đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp không đạt được siêu lợi nhuận như nhà ở cao cấp nhưng nhắm đến đối tượng có thu nhập thấp là nhắm đến nhu cầu bền vững, vốn chiếm thị phần lớn về nhà ở hiện nay.

 

Nhận định về thị trường địa ốc trong thời gian tới, ông Châu kỳ vọng: hiện Chính phủ đang kiềm chế được lạm phát. Với đà này, nhiều khả năng chính sách về tiền tệ sẽ được nới lỏng trong thời gian tới và thị trường BĐS cũng sẽ hồi phục dần. Ông Châu thông tin sáu tháng đầu năm nay vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư. Hiện đã có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài "ép" giá doanh nghiệp trong nước khi chuyển nhượng dự án BĐS, còn liên doanh thì đối tác trong nước chỉ chiếm tỉ lệ vốn rất nhỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước nên liên kết lại với nhau để vượt qua cơn "sóng gió” này.

 

Còn ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng giám đốc Công ty Novahomes cho rằng, đối với doanh nghiệp có đất, việc kêu gọi nhà thầu nước ngoài xây dựng chung cư sau đó trả bằng sản phẩm căn hộ cũng là một cách làm của một số doanh nghiệp hiện nay. Với hình thức này, dù lợi nhuận của chủ đầu tư có thấp hơn nhưng cái được là giảm rủi ro cho doanh nghiệp, đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

 

Sẽ có chỉ số giá BĐS

 

Đề án phát triển thị trường BĐS

 

Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng và sớm trình Chính phủ đề án phát triển thị trường BĐS và đề án tạo quỹ đất của Nhà nước. Trong đó, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thị trường. Đến quý III/2008 tiến hành thí điểm việc công bố chỉ số thị trường BĐS (REMI) - một trong những tiêu chí khoa học, phản ánh xác thực và chính thức diễn biến thị trường đặc biệt này.

 

 Theo chinhphu.vn

Nói về thị trường BĐS hiện nay, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland nhìn nhận tính thanh khoản vẫn còn thấp. Lý do là còn nhiều nhà ở, đất ở chưa có giấy tờ hợp pháp để đưa vào giao dịch, thế chấp ngân hàng. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc hấp dẫn đầu tư, thu hút nguồn vốn. Để thị trường BĐS hấp dẫn hơn nữa, tăng tính minh bạch, ông Hoàng đề xuất nên xây dựng chỉ số giá BĐS. Chỉ số giá này sẽ xây dựng tùy theo khu vực, dựa trên giá rao bán của người dân hằng tuần.

 

Trước mắt công ty đã thử nghiệm xác định giá tại khu nam Sài Gòn (gồm quận 7, 8, một phần huyện Bình Chánh, Nhà Bè) và khu đông Sài Gòn (gồm quận 2, 9). đây là những "điểm nóng" về các dự án mới, thị trường giao dịch sôi động hơn những khu vực khác.

 

Ông Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, một số nước như Mỹ, Pháp... đã có các chỉ số này từ lâu và được xem như "chỉ số chứng khoán" của thị trường BĐS. Theo ông Sơn, việc xây dựng chỉ số giá BĐS mang lại nhiều cái lợi: đó là chỉ số để giúp các nhà quản lý theo dõi, định hướng phát triển thị trường; giúp các ngân hàng tham khảo trong việc định giá cho vay, thế chấp. Đồng thời qua chỉ số này người dân dễ dàng theo dõi biến động giá của từng khu vực cũng như tăng tính minh bạch của thị trường BĐS.

 

Theo ông Sơn, hiện có một số công ty, kể cả công ty nước ngoài, đã làm việc này. Tuy nhiên, mục đích của họ là xây dựng các chỉ số giá để phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty cũng như cung cấp thông tin tư vấn cho các đối tác mà chưa được công khai rộng rãi. Nhược điểm của các chỉ số giá này là chỉ xây dựng theo mức giá rao bán nhà đất, chưa phải là giá giao dịch thật sự nên chỉ số giá còn khoảng cách so với giá giao dịch thực tế. Đó là chưa kể các doanh nghiệp xây dựng chỉ số giá đều gắn với hoạt động kinh doanh của mình nên đôi khi chỉ số giá chưa mang tính khách quan.

 

Ông Sơn đề nghị: nên có chỉ số giá chung cho cả nước và do các cấp có thẩm quyền đứng ra thực hiện. Nếu chưa thể làm rộng rãi thì trước mắt có thể xây dựng chỉ số giá BĐS ở các khu vực trọng điểm của nền kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ...