Thị trường sẽ quay lại xu hướng lình xình

Thị trường sẽ quay lại xu hướng lình xình

(ĐTCK-online) Tuy cho rằng, cơ hội đi tiếp của thị trường trong ngắn hạn vẫn còn, nhưng theo các CTCK, mức biến động là không lớn và nhiều khả năng, thị trường sẽ quay lại xu hướng lình xình, giằng co trong biên độ hẹp.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/8.

 

Xu hướng trung hạn vẫn là xu thế giảm giá

(CTCK EuroCapital)

CPI tháng 8 được công bố tuy đạt mức thấp 0,93% so với tháng trước nhưng không gây bất ngờ đối với thị trường. Mức CPI đó được dự báo và phản ánh trong biến động giá chứng khoán và thời điểm thông tin được công bố sáng ngày 24/8 cũng là lúc lực bán tăng mạnh hơn. Mức lợi nhuận cao (từ vùng đáy, nhiều cổ phiếu đã tăng trên 20%) kèm với sự thỏa mãn thông tin thúc đẩy áp lực chốt lời và điều này khiến quá trình giảm điểm gia tăng.

Trong ngắn hạn, phân tích kỹ thuật chỉ ra khả năng 2 chỉ số thị trường sẽ còn một đợt tăng ngắn hạn lên xấp xỉ đỉnh giá ngày 23/8. Nhưng cần lưu ý xu hướng trung hạn vẫn là xu thế giảm giá và do đó đợt tăng giá tới (nếu có) cũng sẽ khá ngắn (rủi ro T+ cao), không phù hợp để mua vào. Đồng thời, nhà đầu tư có thể tranh thủ sự hồi phục của thị trường, cân nhắc bán ra.

 

Cơ hội đi tiếp con sóng ngắn hạn vẫn chưa biến mất

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Phiên giao dịch ngày 24/8 ghi nhận áp lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechips sàn HOSE trong suốt thời gian khớp lệnh liên tục và đặc biệt mạnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Điều đáng chú ý là áp lực bán chủ yếu xuất phát từ khối ngoại và nhiều khả năng áp lực này đến từ các quỹ đầu tư chỉ số ETF.  

Với cách bán mạnh tay của khối ngoại như trong phiên  này, nhiều khả năng họ không có ý định “thoát” từng phần ở vùng giá hiện tại. Nói cách khác, áp lực bán từ nhóm này được coi là bất thường và có thể sẽ biến mất trong những phiên tiếp theo. Cơ hội đi tiếp con sóng ngắn hạn vẫn chưa biến mất, do vậy chúng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với một tỷ trọng ở mức trung bình.

 

Thị trường sẽ lình xình, giằng co trong biên độ hẹp

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị sắc đỏ chi phối trong phiên giao dịch ngày 24/8 khi cả HNX và VN-Index đều ghi nhận phiên đi xuống thứ 2 liên tiếp của mình với mức giảm tương đối. Không chỉ có vậy, tính thanh khoản của thị trường cũng tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thận trọng đã trở lại chi phối tâm lý của các nhà đầu tư, theo đó giao dịch diễn ra khá cầm chừng và dè dặt trong một bầu không khí có phần ảm đạm và lình xình. Về cuối phiên, thông tin tích cực lạm phát cả nước trong tháng 8 chỉ tăng 0,93% đã chính thức được công bố, nhưng tác dụng của nó với diễn biến của thị trường trong phiên 24/8 dường như không đáng kể, có thể là do đã được dự đoán trước và phản ánh nhiều trong các phiên giao dịch vừa qua.

Theo chúng tôi, để các nhà đầu tư có thể hồ hởi và hào hứng trở lại thì thị trường cần phải có thêm thông tin hỗ trợ, mà gần nhất có thể là gói giải pháp của NHNN trong việc hạ nhiệt lãi suất. Như vậy, nếu như không có bất ngờ nào xẩy ra, phiên giao dịch ngày 25/8, nhiều khả nắng sẽ lại bị chi phối bởi những diễn biến lình xình, giằng co và đi ngang trong biên độ hẹp hoặc giảm điểm.

 

 

Thị trường đang đầu cơ quá đà

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thị trường bùng lên mạnh mẽ vào đầu ngày rồi nhanh chóng suy yếu, thậm chí trong 30 phút cuối cùng của phiên giao dịch còn bị bán mạnh. Đây là biểu hiện của một thị trường đang đầu cơ quá đà và bị một bộ phận thị trường phản ứng lại. Nhu cầu điều chỉnh giảm là thực tế cho vị thế hiện tại.

Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như KBC, VSP, HQC,… vẫn còn đang tiếp tục tăng giá mạnh mẽ và thanh khoản của thị trường bắt đầu co lại khi cả cung/cầu cùng giảm trên 2 sàn. Viễn cảnh này dễ dẫn đến sóng tăng hiện tại sẽ chưa dễ dừng lại ngay, vẫn còn rất nhiều thành phần kỳ vọng vào uptrend. Mức độ giằng co sẽ còn tiếp tục trong một vài phiên tới cho đến khi nào làn sóng đầu cơ cổ phiếu một tuần qua nguội đi.

Hiện HNX-Index có mức cản ở vùng quanh 70 điểm.

 

Đề phòng thị trường có diễn biến tiêu cực như giai đoạn trước

(CTCK WooriCBV)

Tiếp tục điều chỉnh phiên thứ 2 liên tiếp, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 4,6 điểm (1,15%) xuống 396,68 điểm, HNX  giảm 0,35  điểm (0,5%) xuống 69,08 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ bên HNX và không thay đổi đáng kể bên HOSE.

Áp lực bán gia tăng mạnh vào các mã có vốn hóa lớn trên HOSE như VIC, MSN, BVH và các mã đầu cơ bên HNX như BVS, KLS, VND, SHN.

Số mã giữ được giá trở lên trong phiên 24/8 chiếm phần ưu thế hơn so với tổng số mã giảm giá. Đa số chỉ có các mã đã tăng nóng thời gian qua quay đầu điều chỉnh.

Về mặt kỹ thuật, đây là phiên thứ 2 điều chỉnh đối với sàn HNX. Đường giá đã sắp tiếp giáp một nền tạo đà tăng giá trước đó hình thành bởi 2 cây nến có độ dài xấp xỉ nhau. Do đó, có thể coi đây là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đối với chỉ số HNX-Index lúc này. Nếu như sau khi tiếp giáp giá tăng trở lại thì xu hướng cũ vẫn tiếp tục, và ngược lại. Ngưỡng hỗ trợ sâu hơn ở đáy cũ khoảng mức 65,5 điểm.

Hiện tại nên cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng bán những mã đã điều chỉnh quá 1/3 mức lợi nhuận trước đó, và tiếp tục giữ những mã còn lại. Nếu thị trường tiếp tục đà hồi phục có thể cơ cấu lại những mã có sức bật tốt hơn, đồng thời cũng đề phòng thị trường có diễn biến tiêu cực như giai đoạn trước.

 

Thị trường có vẻ lạc quan nhưng mức biến động không lớn

(CTCK Mirae Asset)

Xu hướng thị trường dường như đang đi theo kịch bản 2 như đã đề cập ngày 23/8: VN-Index giảm mạnh và khả năng nhận được hỗ trợ từ biên giữa của Bollinger Bands và SMA10. Với kịch bản lạc quan thì khả năng VN-Index sẽ tăng trở lại sau khi chạm biên giữa của Bollinger Bands và SMA10. Bollinger Bands đang có dấu hiệu co thắt lại nên VN-Index khó có những biến động mạnh và sẽ dao động trong biện độ 380 – 410 trong 2 phiên cuối tuần.

Trong khi đó, chart ngày của HNX đang bị ảnh hưởng bởi áp lực chốt lời của các NĐT ngắn hạn, tuy vậy tín hiệu kỹ thuật của HNX với chart tuần đang tốt lên với Sto cho mua, Par đảo chiều sang trạng thái mua và phân kỳ tăng giá ở vùng quá bán (Oversold) với tín hiệu RSI.

Theo Mirae Asset, kịch bản có vẻ lạc quan nhưng mức biến động không lớn. Qua đó, NĐT có thể xem xét mua vào không quá 20% khi VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 390 - 395. Trong khi đó, tuy xu hướng trung hạn với HNX đang tốt dần lên, HNX rất cần những phiên xác nhận xu hướng ấy. NĐT không nên vội giải ngân ở thời điểm này.

 

Cắt lỗ nhỏ, chốt lời sớm

(CTCK ACB - ACBS)

TTCK Việt Nam có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp ngày 24/8. Kết thúc phiên, VN-Index mất 4,60 điểm (-1,15%) về 396,68 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,50%) về 69,08 điểm. Điểm tích cực là khối lượng và giá trị giao dịch giảm nhẹ, không cho thấy lực bán mạnh.

Diễn biến trong phiên cho thấy cả hai chỉ số đều được đẩy mạnh lên sau giờ mở cửa ít phút do tác động của “màu xanh” trên TTCK Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, áp lực chốt lời kéo VN-Index xuống khi VN-Index tiến tới đỉnh trong ngày tại 406,29. Thêm vào đó, tâm lý bi quan quay lại, đẩy VN-Index xuống sâu hơn và đóng cửa dưới tham chiếu. Diễn biến trên sàn HNX tương tự, nhưng lực mua đẩy lên cuối phiên giúp mức giảm của HNX-Index nhẹ hơn.

Về tình hình vĩ mô, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 với mức tăng 0,93% so với tháng 7. Con số này nằm trong dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn khá lớn so với mức tăng 0,68% của TP. HCM, có thể là nguyên nhân khiến giới đầu tư thất vọng, đẩy TTCK xuống.

Ở một khía cạnh khác, việc chỉ số CPI hạ nhiệt có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho cam kết hạ lãi suất cho vay xuống mức 17-19% của tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, một hai tháng hạ nhiệt chưa thể thay đổi lạm phát kì vọng đang ở mức cao. Do đó, chúng tôi cho rằng, các chính sách mới, nếu có, có thể sẽ chỉ nới lỏng rất ít so với hiện tại.

Về mặt kỹ thuật, TTCK có thể sẽ giằng co trong vài phiên tới nhưng chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác nếu TTCK giảm sâu hơn và quay về mức đáy trước đó, VN-Index là 480 và HNX-Index là 66. Chiến lược ngắn hạn, cắt lỗ nhỏ, chốt lời sớm nên tiếp tục được áp dụng.

 

Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại xu hướng lình xình

(CTCK FPT - FPTS)

Nỗ lực đảo chiều bất thành, VN-Index có thêm một phiên giảm điểm mạnh xuống mức 396,68 điểm bất chấp thông tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã hạ nhiệt.

Lực cầu suy yếu trước áp lực bán tăng mạnh tại những mã chủ chốt đã khiến chỉ số không thể duy trì sức tăng đầu phiên. Diễn biến tiêu cực dần về cuối phiên khi lượng bán thoát hàng giá rẻ gia tăng trong khi lượng cầu tiếp tục thoái lui và co cụm. Giao dịch quay trở lại trạng thái lình xình quen thuộc. Thanh khoản tiếp tục dậm chân tại chỗ.

 Mặc dù thị trường vẫn được hỗ trợ bởi những thông tin khá tích cực nhưng dòng tiền vào thị trường chưa có sự cải thiện thực sự. Giao dịch sôi động trong những phiên vừa qua chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn đầu cơ và hoạt động cơ cấu lại danh mục của nhà đầu tư. Theo đó, đà tăng điểm của thị trường không thực sự bền vững.

Mặt khác, diễn biến của giá vàng cũng như bất ổn của thị trường chứng khoán thế giới được dự báo chưa thể sớm có sự ổn định trở lại. Bởi vậy, với tâm lý đầu cơ ngắn hạn chiếm đa số thì khả năng phục hồi của thị trường vẫn khá mong manh. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại xu hướng lình xình, giằng co trong biên độ hẹp trước khi hội tụ đủ yếu tố để hình thành xu thế mới ổn định hơn.

 

Khả năng tăng điểm của thị trường vẫn còn

(CTCK VNDirect - VND)

Phiên 24/8 được coi là phiên điều chỉnh thứ 2 của hầu hết các cổ phiếu dẫn dắt thị trường sau chuỗi tăng 4, 5 phiên liên tiếp trước đó. Xét trên đồ thị HNX-Index, đường kênh xu hướng mà chúng tôi nhắc đến trong bản tin ngày 23/8 vẫn được bảo vệ, vì vậy khả năng tăng điểm của thị trường vẫn còn.

Nếu phiên ngày 25/8 thị trường tăng điểm, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Trong trường hợp giảm điểm, thì cơ hội thoát bớt trạng thái vẫn còn khi thị trường hồi lại vào phiên thứ Sáu hoặc thứ Hai.

 

Phiên giảm điểm là cơ hội để NĐT tích lũy cổ phiếu

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Giá vàng nhanh chóng sụt giảm sau khi tăng nóng vào sáng 23/8 cùng với sự hưng phấn của TTCK thế giới đã tạo đà cho thị trường trong nước tăng điểm trong khoảng 1/3 thời gian giao dịch sáng 24/8. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng VIC khiến mã này giảm giá mạnh đã tác động đến điểm số thị trường và giá tiếp ảnh hưởng tâm lý NĐT. Áp lực bán gia tăng trong khi lực cầu khá yếu khiến các cổ phiếu nhanh chóng giảm giá sau đó.

Mức tăng CPI tháng 8 của cả nước đã chính thức được công bố là 0,93% so với tháng 7 và tăng 15,68% so với tháng 12/2010. Đây là mức tăng thấp nhất trong 11 tháng qua và có thể sẽ là tháng có mức tăng thấp nhất trong năm nay. Bởi lẽ, do tính mùa vụ, CPI khó có thể đạt được mức tăng thấp hơn nữa vào các tháng còn lại của năm và như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 17% của Chính phủ khó có khả năng thực hiện được.

Diễn biến kết quả CPI tháng 8 khả năng sẽ tác động không nhiều đến tâm lý thị trường trong phiên ngày 25/8. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường hiện tại của giá vàng và tỷ giá USD/VND, khả năng sớm phục hồi  trở lại của thị trường sẽ ít có cơ hội xảy ra. Phiên giảm điểm là cơ hội để NĐT tích lũy cổ phiếu.

 

Không nên thực hiện mua vào

(CTCK Dầu khí - PSI)

Diễn biến thị trường vàng và diễn biến tỷ giá hiện đang không có lợi cho TTCK. Các công cụ chỉ báo dòng tiền báo hiệu một phần dòng tiền bắt đầu thoát khỏi thị trường khi HNX-Index tiến sát tới kháng cự 72 điểm. Trong hai phiên sắp tới, thị trường có khả năng tiếp tục dao động giằng co.

Để vượt qua ngưỡng kháng cự 420 điểm với VN-Index và 72 điểm với HNX thì cần có một nguồn tiền tham gia thị trường mạnh mẽ hơn nữa. Ngược lại nếu dòng tiền tiếp tục chiều hướng thoát khỏi thị trường thì có khả năng sẽ xảy ra điều chỉnh mạnh tại ngưỡng này (kết thúc sóng).

NĐT không nên thực hiện mua vào và nên giữ tiền mặt đứng ngoài thị trường. NĐT có cổ phiếu trong danh mục có thể tiếp tục nắm giữ chờ mức giá cao hơn, nhưng cần quan sát tín hiệu thị trường và nên thực hiện bán mạnh nếu thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.