Thị trường tài chính 24h: Nhiều doanh nghiệp chậm lại, đi lùi kế hoạch kinh doanh 2023

Thị trường tài chính 24h: Nhiều doanh nghiệp chậm lại, đi lùi kế hoạch kinh doanh 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm gần 28 điểm; NHNN tiếp tục hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trở lại; Doanh nghiệp niêm yết lên kế hoạch kinh doanh thận trọng; Khi niềm tin lung lay; IMF: Các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tiếp tục tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/2 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 7,7 USD xuống 1.834,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.840 USD, nhưng cũng nhanh chóng lùi về quanh 1.835 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,30 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.641 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.610 – 23.950 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 24.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lùi bước và về gần 24.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,24 USD (-1,62%), xuống 75,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,21 USD (-1,46%), xuống 81,84 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Nối tiếp đà bán tháo phiên sáng, thị trường tiếp tục giảm ngay khi bước vào phiên chiều về gần 1.060 điểm. Tại ngưỡng điểm này, lực mua bắt đáy túc tắc nhập cuộc, giúp một số bluechip lớn thu hẹp đáng kể đà giảm.

Tuy nhiên, lệnh bán chốt lời mạnh hơn quay trở lại khiến VN-Index rơi nhanh về trở lại sát 1.060 điểm và tiếp tục lao dốc thêm trong những phút cuối, đánh rơi gần 28 điểm khi đóng cửa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HQC ngược dòng thị trường và là cái tên ấn tượng nhất, khi tăng kịch trần +6,8% lên 3.460 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn sàn với hơn 51 triệu đơn vị.

Sắc tím khác còn tại TNT, AMD, TMT và YEG, trong đó, AMD khớp lệnh tốt nhất với hơn 2,74 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 298,47 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/2: VN-Index giảm 27,95 điểm (-2,58%), xuống 1.0543,28 điểm; HNX-Index giảm 4,12 điểm (-1,93%), xuống 209,96 điểm; UpCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,94%), xuống 77,45 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba (21/2), sau khi các dữ liệu đã được thông báo cho thấy hoạt động kinh doanh hồi phục trong tháng Hai làm dấy lên lo ngại Fed có thể có nhiều dư địa hơn để tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.

Theo một cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy, chỉ số PMI hoạt động sản xuất kinh doanh ở Mỹ đã hồi phục lên mức cao nhất trong 8 tháng vào tháng 2 lên 50,2 điểm từ 46,8 điểm trong tháng 1, nhờ lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ và chấm dứt 7 tháng liên tiếp chỉ số này ở dưới mốc 50 điểm.

Các báo cáo kinh tế mạnh mẽ đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể duy trì chiến dịch tăng lãi suất trong suốt mùa hè.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Dow Jones giảm 697,10 điểm (-2,06%), xuống 33.129,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 81,75 điểm (-2,00%), xuống 3.997,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 294,97 điểm (-2,50%), xuống 11.492,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, do áp lực bán trên diện rộng bởi căng thẳng chính trị toàn cầu gia tăng và lo ngại rằng việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ khiến nền kinh tế thế giới chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 1,34% xuống 27.104,32 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 23/1. Chỉ số Topix giảm 1,11% xuống 1.975,25 điểm.

Các cổ phiếu của Bellwether như nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm Recruit Holdings và chủ sở hữu Uniqlo Fast Retailing là một trong những lực cản lớn nhất trên thị trường.

Theo đó, Fast Retailing giảm 1,83% do triển vọng yếu kém từ các nhà bán lẻ Mỹ Home Depot và Walmart làm suy giảm niềm tin. Cổ phiếu Recruit Holdings giảm 2,17%.

Những người tham gia thị trường cũng lo lắng trước dữ liệu lạm phát của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Sáu và ứng cử viên thống đốc ngân hàng trung ương Kazuo Ueda sẽ có phiên điều trần trước quốc hội vào cùng ngày.

Đồng yên cũng chịu áp lực mạnh, cũng như thị trường trái phiếu Nhật Bản sau sự phục hồi bất ngờ trong hoạt động kinh doanh của Mỹ làm tăng dự báo Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn nữa trong năm nay.

Gia tăng căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng của Nga với Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do căng thẳng địa chính trị trước ngày đánh dấu một năm ngày xảy ra xung đột Nga-Ukraine và tình trạng bán tháo ở Phố Wall đêm qua đã kéo lùi thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,47% xuống 3.291,15 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,90% xuống 4.106,95 điểm.

Các thị trường cổ phiếu châu Á đã theo chân Phố Wall chìm trong sắc đỏ, khi sức mạnh đáng ngạc nhiên trong các cuộc khảo sát toàn cầu về dịch vụ của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẩu chiến, đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau về thế giới, xung đột Nga-Ukraine, trong đó, ông Biden hứa sẽ bảo vệ các nền dân chủ và Putin khẳng định phương Tây là mối đe dọa đối với Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc hôm thứ Ba nói với một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin rằng, mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow là “vững chắc như đá”. Tờ Wall Street Journal đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tới Moscow để dự hội nghị thượng đỉnh với ông Putin trong những tháng tới.

Chứng khoán Hồng Kông cũng lùi bước trước những rủi ro địa chính trị gia tăng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,51% xuống 20.423,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,33% xuống 6.832,76 điểm.

Những gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông kéo dài sự suy yếu để mất 1,4% và vẫn là tác nhân kéo lùi thị trường nhiều nhất.

Thị trường ít phản ứng với thông tin, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông, ông Paul Chan cho biết nền kinh tế của thành phố dự kiến ​​sẽ phục hồi 3,5%-5,5% trong năm nay sau khi giảm 3,5% vào năm 2022.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm xuống mức đóng cửa thấp nhất trong một tháng, do lo lắng rằng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 41,28 điểm, tương đương 1,68%, xuống 2.417,68 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/1.

Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất vào cuối ngày, trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách vào thứ Năm.

Một quan chức Bộ tài chính Hàn Quốc cho biết tốc độ suy yếu gần đây của đồng won có phần quá nhanh so với xu hướng của các đồng tiền khác.

Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,61%, SK Hynix mất 2,3% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,31%.

Kết thúc phiên 22/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 368,78 điểm (-1,34%), xuống 27.104,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,38 điểm (-0,47%), xuống 3.291,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,65 điểm (-0,51%), xuống 20.423,84 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 41,28 điểm (-1,68%), xuống 2.417,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- NHNN tiếp tục hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trở lại

Trong hai ngày đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 38.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở. Lãi suất liên ngân hàng vì vậy cũng nhích tăng nhẹ..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp niêm yết lên kế hoạch kinh doanh thận trọng

Dự báo 2023 là năm đầy thách thức, nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn..>> Chi tiết

- Khi niềm tin lung lay

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020 - 2021, nhưng những rủi ro đầu tư bộc lộ qua một số sai phạm lớn xảy ra đầu năm 2022 khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng này..>> Chi tiết

- IMF: Các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát cơ bản không có dấu hiệu rõ ràng quay trở lại mức mục tiêu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan