Tiếp tục tăng giá điện - nên chăng?

Tiếp tục tăng giá điện - nên chăng?

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục nghiên cứu phương án tăng giá điện. Việc tăng giá giúp cải thiện việc thu hút đầu tư vào ngành điện, hóa giải cơn thiếu điện được dự báo đến 2020. Nhưng tăng giá điện liệu có khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát khó khả thi? Chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Đàm Xuân Hiệp, Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

 

Thưa ông, tăng giá năng lượng phải chăng là một trong những nguyên nhân của lạm phát?

 

Thực ra, lạm phát có nguồn gốc từ 1 trong 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu:

 

Lạm phát từ các yếu tố mang tính chất tiền tệ, về bản chất là do cung tiền tệ lớn hơn cầu tiền tệ. Điều này đồng nghĩa với tổng lượng tiền có trong lưu thông lớn hơn tổng lượng giá trị (của hàng hoá trên thị trường).

 

Lạm phát do nguyên nhân chi phí, nghĩa là giá đầu vào các sản phẩm và dịch vụ tăng kéo theo sự gia tăng giá đầu ra. Giá năng lượng (giá điện) nằm trong nhóm nguyên nhân này.

 

Lạm phát do lệch pha của cung và cầu, được hiểu là sự khác nhau về mặt thời gian của quá trình cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ. Thực chất là giá trị các hàng hoá đa phần được hình thành từ các hoạt động kinh tế trong quá khứ, lạm phát lại là hiện tượng của thì hiện tại.

 

Như vậy, nguyên nhân của lạm phát không thể nói là chỉ do tăng giá năng lượng hay giá điện.

 

Vậy ông có cho rằng việc kiềm chế lạm phát đang được áp dụng là phù hợp?

 

Đối với các nguyên nhân thuộc nhóm thứ nhất, ta có thể thắt chặt tiền tệ nhằm giảm lượng cung tiền, hoặc tăng lượng cung hàng trên thị trường hoặc đồng thời giảm cung tiền và tăng cung hàng hóa. Hiện Chính phủ đang tích cực áp dụng các biện pháp về thắt chặt tiền tệ, đây là cách làm dễ dàng thực hiện và quan trọng hơn là nó có tác dụng tức thì. Còn việc tăng cung hàng hoá đòi hỏi phải có thời gian (để cung ứng hàng hoá) và thường tốn kém hơn rất nhiều do phải có một lượng hàng hoá dự trữ.

Giá điện không tăng là rất phản thị trường vì từ lâu đã là một nguyên nhân gián tiếp làm nạn thiếu điện đang ngày càng trầm trọng, bởi nó không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh điện ở Việt Nam .

 

Đối với các nguyên nhân thuộc nhóm thứ hai, Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá một số sản phẩm như than, điện, xi măng, sắt thép... mặc dù là biện pháp có vẻ... hơi thô và bị phê phán là mệnh lệnh hành chính nhưng đã có tác dụng hạn chế được lạm phát. Quan sát thực tế thì giá các mặt hàng đó vẫn tăng do chúng ta không có khả năng kiểm soát giá (trừ giá điện). Trái lại, cách tinh tế hơn và mang màu sắc thị trường nhiều hơn là dùng lượng dự trữ và tung ra lưu thông đúng lúc. Như trên đã nói, cách này gây tốn kém nên chỉ áp dụng cho mặt hàng thực sự thiết yếu.

 

Thuộc nhóm nguyên nhân thứ hai, quyết định tăng lương tối thiểu vào thời điểm này cũng làm giá cả bị đẩy lên, đặc biệt là giá cả các sản phẩm thiết yếu. Có vẻ như không thể tránh khỏi cách này vì không thể bỏ qua yếu tố an sinh xã hội.

 

Với việc dùng hàng hoá dự trữ người ta cũng đồng thời khắc phục được lạm phát thuộc nguyên nhân thứ ba. Nhưng theo tôi các biện pháp kiềm chế lạm phát hiện nay chủ yếu tập trung khắc phục nhóm nguyên nhân thứ nhất. Hai nhóm nguyên nhân còn lại không có hiệu quả.

 

Vậy quan điểm của ông về vấn đề tăng giá nhóm các mặt hàng thiết yếu?

 

Tôi thấy cần lưu ý hơn một số điểm mang tính kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình đẩy lùi lạm phát trong đó có vấn đề tăng giá nhóm các mặt hàng thiết yếu.

 

Đó là biện pháp để tăng khối lượng giá trị các hàng hoá và dịch vụ nhằm cân bằng với lượng tiền tệ có trên thị trường. Khi đó, sẽ có 3 trường hợp, hoặc là tăng khối lượng hàng hoá, hoặc phải tăng giá, hoặc đồng thời kết hợp cả hai. Nhưng trường hợp thứ nhất, như đã nêu ở trên, sẽ tốn kém và chậm phát huy tác dụng, mặc dù đây là cách được xem là bền vững. Ta chỉ nên áp dụng cách này cho hàng hoá thiết yếu. Nếu khối lượng các hàng hoá dịch vụ không tăng hoặc tăng không đáng kể thì ta áp dụng trường hợp thứ 2 là tăng giá cả hàng hoá. Trường hợp thứ 3 có thể hiểu theo 2 cách: cách 1 xét cho một hàng hoá cụ thể, ta tăng khối lượng (nhờ có lượng dự trữ) vừa kết hợp tăng giá của hàng hoá này; cách thứ 2 là xét trên tổng thể nhiều hàng hoá thì một số hàng hoá sẽ tăng khối lượng, một số khác thì tăng giá.

 

Trong trường hợp này, người ta chỉ tăng giá các hàng hoá nào mà không có khả năng tăng khối lượng. Như vậy xét trong 4 mặt hàng công nghiệp thiết yếu mà chính phủ đề nghị không tăng giá đợt này là than, điện, xi măng và sắt thép thì chỉ có điện là không có khả năng tăng về khối lượng đủ lớn vì hiện tại điện đang rất thiếu và lại là hàng hoá không dự trữ được. Nói khác đi, muốn nền kinh tế đạt được ổn định, ta nên tăng giá điện, thậm chí là tăng sớm. Sắt thép, nếu không có lượng dự trữ đủ thì ta cũng buộc phải tăng giá (nếu không muốn tăng nhập khẩu). Riêng than và xi măng, theo nhìn nhận của tôi, quyết định chưa tăng giá có thể phù hợp vì điều chỉnh khối lượng 2 sản phẩm này là hoàn toàn khả thi. Tương tự như vậy đối với lương thực, vì nó cũng thuộc loại thiết yếu và vì ta có khả năng điều chỉnh khối lượng tương đối nhanh nhờ có dự trữ. Hàng hoá sức lao động cũng hoàn toàn tương tự.

 

Mặc dù vậy, những điểm tôi vừa nêu chỉ mang tính ngắn hạn. Sau đó hãy để cho thị trường tự nó điều tiết theo qui luật cung cầu và qui luật giá trị. Nếu kéo dài sự can thiệp sẽ làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương, do vậy sẽ không thể không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, để đảm bảo phát triển nền kinh tế ổn định và bền vững, không chỉ có lương thực, thiết nghĩ Chính phủ nên xem xét chiến lược dữ trữ dài hạn một vài loại sản phẩm thiết yếu khác.

 

Thế còn giá điện thì sao, điều gì sẽ xảy ra nếu tăng giá điện?

 

Thường thì lạm phát không chừa bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào. Vì vậy, nếu giả sử có một sản phẩm không thay đổi giá, thậm chí là hạ xuống, cũng không cải thiện được bao nhiêu tình hình chung. Từ đó, thấy rằng quyết định không tăng giá điện chưa hẳn là quyết định sáng suốt, thậm chí sẽ làm cho nó bị tổn thương nhiều hơn sau cơn bão lạm phát. Quan trọng hơn là mọi chi phí cho sản xuất điện đều tăng còn giá đầu ra thì không được phép thay đổi.

 

Giá điện không tăng là rất phản thị trường vì từ lâu đã là một nguyên nhân gián tiếp làm nạn thiếu điện đang ngày càng trầm trọng, bởi nó không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh điện ở Việt Nam . Ngành điện đã phải mua lượng điện khá lớn với giá cao từ các nhà máy độc lập hay nhà máy BOT nằm ngoài Tập đoàn điện lực để bán cho khách hàng với giá hạ hơn.

 

Có lẽ cũng vì giá điện không tuân theo quan hệ cung cầu đã từ lâu không khuyến khích người dùng tiết kiệm điện. Bất luận trong trường hợp nào, hãy để ngành điện được hoạt động theo quy luật thị trường. Đành rằng đây là một quyết định khó khăn, vì nhiều người và nhiều DN sẽ chịu ảnh hưởng. Nhưng thực tế, như xăng dầu chẳng hạn, nó hầu như liên quan đến rất nhiều người dân và nhiều DN, sau một thời gian được bù giá, nay xăng dầu cũng buộc phải tăng giảm giá theo qui luật thị trường.

 

Mặc dù vậy, theo tôi, Nhà nước không cho phép tăng giá 100 số đầu tiên và xem đó là lượng nhu cầu thiết yếu, từ số 101 trở đi sẽ áp dụng theo mức giá phải đủ lớn để mọi người có ý thức tiết kiệm. Đối với giá điện cho công nghiệp có thể không tăng hoặc tăng nhẹ để các DN không khó khăn. Riêng khu vực dịch vụ có thể phải tăng nhiều nhất.

Theo DĐDN

Tin liên quan:

*Thiếu điện nghiêm trọng trên cả nước

*Ngành điện cần công khai giá thành và chi tiêu

*Giá tăng-điện sẽ vẫn thiếu?

*Giá điện "nhấp nhổm" tăng giá

*Chưa đặt vấn đề tăng giá điểm và giá than thời điểm này

*"Chưa có chỉ đạo về ngưng tăng giá điện"

*Đề xuất tăng giá điện lúc này là không phù hợp

*Cục Điều tiết điện chưa đồng ý phương án tăng giá điện của EVN