Trái phiếu lên ngôi

(ĐTCK-online) Bên cạnh thị trường cổ phiếu vốn sôi động nhưng thăng trầm thì một thị trường khác đang chiếm sự quan tâm không nhỏ của giới đầu tư, đặc biệt là NĐT có tổ chức, đó là thị trường trái phiếu. Trong dự báo mới nhất của Ngân hàng ANZ về thị trường vốn Việt Nam, các chuyên gia nhận định, năm 2008 này, cả nhu cầu phát hành và nắm giữ trái phiếu tại Việt Nam đều rất lớn.

Thống kê cho thấy, nhiều phiên trong tháng 3 tại sàn Hà Nội, NĐT giao dịch gần 1 triệu đơn vị mỗi phiên; còn tại sàn TP. HCM, số lượng trái phiếu được giao dịch lên tới 5 triệu đơn vị/phiên. Một số phiên đấu thầu trái phiếu gần đây, NĐT tham dự và đăng ký tham gia rất đông.

Lợi thế lớn nhất của trái phiếu là lãi suất ổn định, giá cả ít biến động. Mặc dù giá trái phiếu dao động không đáng kể, nhưng với NĐT tổ chức nắm giữ khối lượng lớn thì lợi nhuận thu về do chênh lệch giá cũng không hề nhỏ.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giao dịch trái phiếu của các nhà ĐTNN tăng 55% trong năm 2007. So với lãi suất 4 - 5%/năm ở nước ngoài, lãi suất 8,5%/năm của trái phiếu chính phủ Việt Nam được coi là rất hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh VND đang lên giá so với USD. Khi trái phiếu đáo hạn, chuyển từ VND sang USD sẽ có lợi, như thế nhà ĐTNN mua trái phiếu được lợi cả đôi đường.

Năm 2008, thị trường trái phiếu được nhìn nhận sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2007, Chính phủ phát hành trên 50.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thì năm nay, con số này ít nhất cũng đạt quy mô tương đương. Còn với doanh nghiệp, nếu như năm 2006, lượng phát hành mới chỉ là 9.000 tỷ đồng thì năm 2007 đã tăng lên 36.000 tỷ đồng.

Theo bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc khối tư vấn doanh nghiệp CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), hiện có khá nhiều doanh nghiệp quan tâm tới kênh huy động vốn bằng trái phiếu. Đặc biệt, nếu như năm 2007, những doanh nghiệp có nhu cầu tìm vốn qua kênh này thường là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tên tuổi, thực hiện dự án quy mô lớn với nhu cầu huy động mỗi đợt từ 500 tỷ đồng trở lên thì năm nay, một số công ty cổ phần cũng tìm đến hình thức này.

Đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu sẽ giúp giảm chi phí lãi so với việc đi vay và phát hành cổ phiếu. Nếu huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu, doanh nghiệp thường hứa hẹn phải trả tỷ lệ cổ tức khoảng 12 - 15%/năm, thậm chí 20%/năm; muốn đảm bảo mức cổ tức này thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tối thiểu cũng phải đạt 20% vốn điều lệ. Nếu chọn phương án vay ngân hàng thì doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất bình quân 11-15%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn trên 1 năm. Trong khi đó, chọn kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, lãi phải trả cho trái chủ lớn nhất chỉ khoảng 10,5%/năm đối với kỳ hạn 5 năm. Hơn nữa, lãi suất trả cho trái chủ hàng năm được tính như một khoản chi phí của doanh nghiệp (trong chi phí thuế) nên doanh nghiệp giảm được áp lực về chi phí vốn.

Thị trường cổ phiếu đang xuống dốc, phát hành cổ phiếu còn gây hiệu ứng pha loãng làm giảm thị giá cổ phiếu, tạo ra gánh nặng cho cổ đông. Vì vậy, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang là phương án win - win. Do quy mô mỗi đợt phát hành trái phiếu ít nhất cũng khoảng 300 tỷ đồng nên để tạo thuận lợi cho việc phát hành, có công ty chứng khoán chào gói dịch vụ “hợp vốn”, có nghĩa là gộp 3 - 4 doanh nghiệp cùng tham gia phát hành một đợt.

Những tín hiệu về việc ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất đã rõ ràng, trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2008 của hệ thống ngân hàng được khuyến nghị chỉ ở mức 30%. Diễn biến này có thể dẫn tới tình trạng khoảng quý III trở đi, nhiều ngân hàng thừa vốn khả dụng, tìm đến kênh đầu tư trái phiếu có thể là một sự lựa chọn.

“Bên cạnh số ít doanh nghiệp đã tham gia phát hành trái phiếu, tới đây sẽ có nhiều công ty tham gia lĩnh vực này”, ANZ nhận định. Hiện tại, quy mô của thị trường trái phiếu còn quá nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng 3 - 6% GDP (những nước có TTCK phát triển, giá trị trái phiếu chiếm 60 - 80% GDP). Với những động thái từ doanh nghiệp, cộng với nỗ lực xây dựng thị trường trái phiếu chuyên biệt của cơ quan quản lý, hàng hoá trên thị trường trái phiếu hứa hẹn phong phú hơn, giao dịch thứ cấp sôi động sẽ tạo bàn đạp cho giao dịch sơ cấp và hỗ trợ cho các đợt phát hành thành công.

Tổ chức phát hành

Giá trị

(tỷ đồng)

Lãi suất

Ngày phát hành

Đáo hạn

Vinashin

500

10%

5/1/2007

5/1/2012

Vinashin

1.000

10,5%

18/1/2007

18/1/2017

Lilama

500

9,6%

5/3/2007

5/3/2012

Vinashin

3.000

9%

13/4/2007

13/4/2017

Vnsteel

400

9,5%

10/5/2007

10/5/2012

Lilama

1.000

9,2%

6/6/2007

6/6/2017

CII

500

10,3%

9/7/2007

9/7/2014

BIDV

3.000

8,15%

23/7/2007

23/7/2012

Techcombank

1.750

8,6%

31/8/2007

31/8/2012

Vinashin

3.000

9,4%

20/9/2007

20/9/2017

CTCK Thăng Long

300

9%

22/9/2007

22/9/2009

ACB

2.250

8,6%

25/9/2007

25/9/2012

VNECO

500

10,05%

28/9/2007

28/9/2012

Vincom

1.000

10,3%

22/10/2007

22/10/2012

Sacomreal

500

9,8%

31/10/2007

31/10/2012

CK Thăng Long

200

9%

27/11/2007

27/11/2009

Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc

400

9%

28/11/2007

28/11/2022

SCB

1.400

8,5%

2/12/2007

5/12/2009

Sacomreal

500

10%

10/12/2007

10/12/2012

Vinacomin

1.500

9,5%

11/12/2007

11/12/2017

SATRA

1.000

9,6%

15/12/2007

15/12/2012

ACB

1.920

8,7%

20/12/2007

10/12/2010

Minh Phú

200

9,98%

21/12/2007

21/12/2012