Vì sao góp vốn?

(ĐTCK-online) Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn thành lập CTCK, góp vốn vào quỹ đầu tư không có gì lạ, nhưng việc một tổng công ty góp vốn vào 37 CTCK thì thật sự giật mình.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các các tập đoàn, tổng công ty thích góp vốn vào CTCK, quỹ đầu tư thế? Ngoài việc chạy theo phong trào thì câu chuyện góp vốn này còn có những lý do nào khác?

Nhìn từ các công ty ngoài quốc doanh, khi một DN thành lập một công ty mới kiểu như CTCK, bao giờ các cán bộ chủ chốt cũng được quyền mua một số cổ phần nhất định của công ty mới. Ở những DN này thì số cổ phần mỗi cá nhân có liên quan được mua khá công khai. Chẳng hạn, CTCP Cơ điện lạnh (REE) khi lên phương án thành lập CTCK đã xác định dành 10 - 20% cổ phần của CTCK cho cán bộ quản lý của CTCK (nhưng kế hoạch thành lập CTCK bị hủy).

Nhìn lại các CTCK được thành lập có vốn góp của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể thấy cơ cấu vốn lớn của họ, phần còn lại là vốn của các cá nhân. Nhưng các CTCK này thường chỉ nêu tỷ lệ góp vốn của “tổng” này, “tổng” kia để chứng minh tiềm lực của mình, chứ ít ai biết được tỷ lệ góp vốn còn lại do cá nhân nào đứng tên. Có ý kiến cho rằng, cá nhân đứng tên sở hữu tỷ lệ cổ phiếu nhỏ hơn đó chưa chắc đã sở hữu hết toàn bộ cổ phiếu, mà là đứng tên hộ. Tất nhiên là đứng tên hộ những người có quyền quyết định chuyện góp vốn của tập đoàn, tổng công ty vào CTCK.

Việc góp vốn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào CTCK cho đến thời điểm này chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ những quyết định sai lầm mang tính lịch sử kiểu tất cả mọi người đều sai. Chưa thấy cán bộ lãnh đạo DNNN nào bị khiển trách vì góp vốn thành lập CTCK, bởi thực tế là số vốn góp so với tổng nguồn vốn của tập đoàn, tổng công ty không lớn (tính tổng cộng mới là con số lớn).

Nhưng việc này cũng cần được nhìn nhận dưới góc độ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân. Bởi chẳng có luận chứng nào đủ thuyết phục để chứng minh rằng, tại sao tổng công ty, tập đoàn lại góp vốn vào CTCK này mà không góp vốn vào công ty kia. Tại sao không chọn CTCK này để góp vốn mà phải thành lập mới một CTCK khác. Tiêu chí lựa chọn ở đây phải chăng là đối tác nào đủ tin cậy để gửi gắm cổ phần mà người có quyền quyết định góp vốn được hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới giám sát đến các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Còn các công ty mà vốn nhà nước chiếm cổ phần chi phối trên 51% thành lập CTCK cũng không phải là ít. Nếu tính theo tỷ lệ góp vốn thì vốn nhà nước góp vào CTCK thông qua các công ty cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối cũng đáng kể.

Có lẽ con số này khó thống kê và kiểm soát hơn. Có thể lập luận rằng, ở những công ty cổ phần này, Nhà nước không nên can thiệp sâu vì Nhà nước cũng chỉ là một cổ đông lớn. Nhưng người có quyền quyết định góp vốn vào CTCK lại là người đại diện phần vốn nhà nước. Đương nhiên, khi quyết định góp vốn họ cũng được hưởng quyền lợi cá nhân từ CTCK.

Phải chăng, đó mới là lý do vì sao nhiều DNNN lại thích góp vốn vào CTCK đến thế?