Xoay tiền đầu tư chứng khoán

Xoay tiền đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Cửa ngân hàng khép chặt, thị trường OTC đóng băng, cổ phiếu niêm yết sụt giảm thảm hại trong khi hàng loạt DN tăng vốn phát hành quyền mua ưu đãi cho cổ đông hiện hữu, bài toán kim tiền trở nên khó giải với nhiều NĐT. Đây chính là cơ hội để một số công ty đầu tư đẩy mạnh hình thức cho vay cầm cố cổ phiếu, mỗi nơi có quy định khác nhau song lãi suất thì biến thiên khôn lường.

Trong vai một NĐT khát vốn, người viết bài liên hệ với CTCP Đầu tư Bắc Kỳ. Danh mục cầm cố của Công ty rất phong phú nhưng chủ yếu ưu tiên cổ phiếu ngân hàng, ngoài ra điều kiện bắt buộc là cổ phiếu có sổ cổ đông hoặc được chuyển nhượng ở Hà Nội, thị giá trên 30.000 đồng/CP. Khoản vay tối thiểu của mỗi khách hàng vào khoảng 100 triệu đồng, lãi suất 1,05% -1,5%/tháng, thời hạn vay có thể kéo dài một năm; thủ tục vay rất đơn giản, khách hàng làm hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu với Công ty, khi đáo hạn trả đủ tiền gốc và lãi thì hủy hợp đồng. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào thỏa mãn các điều kiện trên cũng được cầm cố, khi NĐT đề nghị một danh mục nào đó, Công ty sẽ xem xét hạn mức cho vay và khi giá thị trường giảm một mức nào đó thì NĐT phải nộp thêm tiền vào.

Tại Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Quân Thư, danh mục chấp nhận cầm cố của Công ty khá rộng, nhiều hơn hẳn so với các ngân hàng và CTCK song chủ yếu vẫn là DN hoạt động tốt, cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Nhân viên kinh doanh ở đây cho hay, tại thời điểm này, khách hàng vay đều đều 200 - 400 triệu đồng/người, lãi suất 2,95%/tháng. Khi được hỏi tại sao lại áp lãi suất cao như vậy, họ giải thích, đây là những mã cổ phiếu bị ngân hàng hoặc CTCK từ chối cho cầm cố, Công ty chấp nhận rủi ro thì tất nhiên lãi suất phải cao. Thậm chí, thời điểm này có cao hơn nữa vẫn có người chấp thuận vì đầu năm 2008, nhiều CTCK, ngân hàng nghỉ cho vay cầm cố chứng khoán do đã hết hạn mức. Đề phòng diễn biến khó lường trên thị trường, Công ty chỉ cho vay trong thời gian 3 tháng, nếu khách hàng lại có nhu cầu vay thì sau 3 tháng lại gia hạn tiếp hợp đồng, giá chứng khoán giảm 40% thì phải bổ sung tiền.

Tuy nhiên, không ít người băn khoăn, liệu các công ty đầu tư thực hiện chức năng cầm cố cổ phiếu như trên có hợp pháp, rủi ro với NĐT trong những trường hợp như vậy (nếu có) sẽ là gì?

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nếu các công ty đầu tư thực hiện chức năng huy động vốn từ dân cư và cho vay lại là sai luật, vì những hoạt động như vậy chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng. Còn trường hợp, các công ty sử dụng vốn tự có cho vay và lấy đảm bảo từ cổ phiếu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần là thực hiện các giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự và không trái luật.

Lãnh đạo một công ty đầu tư (thực hiện cho vay cầm cố chứng khoán) cho hay, nguồn vốn DN này giải ngân trong 2 tháng trở lại đây khá lớn, lên tới 20 tỷ đồng, nhu cầu thời điểm này vẫn rất lớn, TTCK lại diễn biến bất lợi buộc công ty phải lựa chọn danh mục cổ phiếu hạn chế hơn.

Giãi bày của vị lãnh đạo trên hoàn toàn có thể hiểu được khi hàng loạt CTCK mới đây ra thông báo về việc tạm ngừng dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết. Đơn cử như FPTS, theo Chỉ thị 03 của NHNN thì hạn mức cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết năm 2007 của hai ngân hàng đang cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết tại FPTS là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Thành đã hết. Các ngân hàng này chính thức tạm dừng dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán kể từ ngày 14/12/2007. Hiện FPTS đang nỗ lực đàm phán với các ngân hàng để có thể tiếp tục triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết.

Trong bối cảnh này, việc nhiều công ty cung cấp dịch vụ cầm cố chứng khoán đang đặt ra câu hỏi, nguồn vốn chảy vào túi họ để cho NĐT vay lấy từ đâu? Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là vốn tự có của DN hoặc vốn của cá nhân góp lại đẩy vào công ty, song nếu như đây là tiểu xảo được hỗ trợ bởi ngân hàng thì lại có lý do để lo ngại. Thực tế, thời gian qua để đối phó với Chỉ thị 03, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để nâng tổng dư nợ tín dụng, đề ra các chương trình dễ dãi như: cho vay tín chấp lên đến hàng trăm triệu đồng, cho vay mua bán nhà đất, triển khai dự án... Hơn ai hết, ngân hàng có trách nhiệm và lo lắng cho chính đồng vốn họ bỏ ra, họ cũng chẳng dại gì “nắm đằng lưỡi” nhưng TTCK diễn biến khó lường, “bơm vốn” cho DN với mục đích sử dụng trên giấy khác so với thực tế cũng hàm chứa không ít rủi ro. Ngân hàng được ví như trái tim của nền kinh tế, khi một vài mắt xích nào đó có vấn đề, trái tim trở lên đau yếu, thử hỏi nền kinh tế có sức khỏe cường tráng?