Bất hợp lý quy định 1/3 thành viên HĐQT độc lập

Bất hợp lý quy định 1/3 thành viên HĐQT độc lập

(ĐTCK) Vì tính không khả thi của quy định “các công ty đại chúng phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành”, nên Bộ Tài chính đang tập hợp thêm ý kiến trước khi đưa ra phương án sửa đổi.

Doanh nghiệp chưa bị phạt!

Tuy mới gần một năm thực hiện quy định trên theo Thông tư 121/2012 về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, nhưng nội dung này đã bộc lộ rõ tính không khả thi, gây khó cho các DN.

“Việc buộc DN phải đáp ứng quy định có 1/3 thành viên HĐQT không điều hành là không thực tế, không có tính khả thi trong điều kiện thị trường hiện tại. Sau gần một năm cố gắng thực hiện quy định này, đến nay, chúng tôi cũng không có cách nào đáp ứng được, mặc dù đã nhờ một lãnh đạo cũ của công ty vừa nghỉ hưu tham gia HĐQT và không điều hành…”, tổng giám đốc một DN đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội bức xúc và cho biết thêm, các DN đang bị gây khó và thực sự lúng túng, bởi không thực hiện thì vi phạm quy định, còn nếu thực hiện thì chẳng biết tìm cách nào. Để giải tỏa sự bế tắc này, các DN đang rất cần Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sớm sửa đổi quy định bất hợp lý hiện tại.

Bất hợp lý quy định 1/3 thành viên HĐQT độc lập ảnh 1

Quy định HĐQT phải có 1/3 số thành viên độc lập nếu không được điều chỉnh sẽ đẩy nhiều DN đại chúng vào thế khó

Không chỉ các DN nhỏ, mà ngay cả các DN lớn, có chất lượng quản trị tốt, cũng rất khó hội đủ 1/3 thành viên HĐQT độc lập, không tham gia điều hành. Điều này phần nào thể hiện qua con số thống kê mà UBCK vừa công bố. Theo đó, sau gần một năm thực hiện Thông tư 121/2012, hiện trên sàn HOSE chỉ có khoảng 27% DN đáp ứng được quy định có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên không điều hành, 70% DN có sự hiện diện của thành viên HĐQT không tham gia điều hành.

Vẫn biết quy định công ty đại chúng phải có tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT không tham gia điều hành là nhằm cân bằng quyền và lợi ích cho các nhóm cổ đông trong các DN, nhất là hướng tới bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường Việt Nam chưa có đủ lượng các chuyên gia đủ uy tín và năng lực, để tham gia HĐQT với tư cách là các thành viên không điều hành, thì quy định hiện hành là không khả thi. Nếu cứng nhắc áp dụng, dễ dẫn tới DN thực hiện theo kiểu đối phó, hình thức, không mang lại hiệu quả như mong muốn của cơ quan quản lý…

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, quy định bất hợp lý trên chưa ảnh hưởng quả đáng tiếc đối với các DN. Lý do là bởi Thông tư 121/2012 mới được áp dụng gần một năm nay, nên chưa có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, nếu sắp tới cơ quan quản lý không điều chỉnh quy định bất hợp lý hiện hành, mà đưa ra chế tài xử lý các trường hợp DN không tuân thủ, thì sẽ đẩy nhiều DN vào thế khó.

 

Chưa chốt phương án sửa đổi

Sự bức xúc của DN không chỉ được phản ánh tới các Sở DGCK, mà đã lên đến UBCK. Đại diện UBCK cho biết, kể từ khi Thông tư 121/2012 có hiệu lực gần một năm qua, tính thiếu khả thi của quy định tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên không điều hành, là một trong những nội dung UBCK nhận được phản ánh nhiều nhất từ phía các DN. UBCK đang tiếp tục thu thập thêm ý kiến từ phía các DN, cũng như các bên liên quan để cân nhắc phương án sửa đổi quy định trên sao cho hợp lý hơn…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho hay, Bộ cũng đã nhận được phản ánh của các DN về sự bất hợp lý của quy định tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên không điều hành. Mục đích của cơ quan quản lý khi đưa ra quy định này là nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số, cân bằng hơn quyền và lợi ích cho các nhóm cổ đông tại công ty đại chúng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng bộc lộ bất cập, nên Bộ đang lắng nghe thêm ý kiến của các DN, cũng như các bên liên quan trước khi cân nhắc phương án sửa đổi.

Khi trả lời câu hỏi bao giờ Bộ Tài chính sẽ bãi bỏ quy định trên, ông Nghĩa cho biết, đến thời điểm này, Bộ đang thu thập thêm phản ánh của các bên liên quan, nên chưa đưa ra phương án xử lý cụ thể nào. Tuy nhiên, việc xử lý bất cập hiện hành sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng theo hướng vừa tạo thuận lợi cho các DN, nhưng phải đảm bảo có cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số, nhỏ lẻ.