Thu hoạch cà phê

Thu hoạch cà phê

Cà phê Việt Nam: Bao giờ cải thiện “hình ảnh”?

Dù là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu càphê nhưng những người trồng loại cây “kinh tế cao” này vẫn bấp bênh và vẫn chưa thể thoát nghèo. Nguyên nhân chính của việc tăng sản lượng, giảm kim ngạch chính là thói quen lạc hậu trong kinh doanh, sản xuất càphê.

Những con số buồn.

 

Nếu nhìn vào biểu đồ phát triển càphê Việt Nam , chúng ta có thể thấy rằng diện tích càphê trong nước liên tục tăng. Thời điểm cực thịnh lên đến trên 500.000ha. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu lại tỷ lệ nghịch với diện tích. Nghĩa là sản lượng càphê tăng nhưng kim ngạch vẫn “giậm chân tại chỗ”. Sở dĩ có sự “tréo cánh ngỗng” này là do lượng càphê được thị trường tiêu thụ chấp nhận ngày càng ít dần, trong khi giá xuất khẩu lại quá thấp. Cùng một loại sản phẩm, nhưng giá càphê xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn các nước 50 - 70 USD/tấn thậm chí nhiều khi lên tới 1.000 USD /tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2005, càphê Robusta Việt Nam phải loại bỏ chiếm đến 89% của thế giới (tương đương 1, 65 triệu bao). Từ tháng 10-2005 đến tháng 3-2006 càphê Việt Nam bị loại bỏ chiếm đến 88% tổng sản lượng cà phê bị loại bỏ trên thế giới (tăng 19% so với cùng kỳ năm trước)... Những con số này đã minh chứng cho chất lượng càphê Việt Nam đang đi xuống, làm giảm uy tín trên thị trường thế giới.

 

Nhiều bất cập

 

Hiện nay, phần lớn càphê được trồng bằng hạt, do nông dân chọn lọc. Bên cạnh đó, cơ sở chế biến lại xây dựng không phù hợp với quy mô sản lượng thu hoạch trong vùng. Chính thói quen thu hoạch sớm, thu hoạch trái chín lẫn trái xanh của bà con đã khiến 40% càphê khi xay thành bột có vị đắng chát rất khó chịu, kèm theo mùi hôi mốc. Trong khâu thu hoạch, phơi sấy, các hộ gia đình sử dụng hệ thống phơi sấy rất sơ sài, không được đầu tư đúng mức. Hầu hết người trồng càphê đều tận dụng các khoảng sân trống để phơi với các tấm bạt phủ, khi gặp trời mưa, độ khô không được đảm bảo, khiến càphê dễ ẩm mốc. Một số nơi còn dùng biện pháp xát giập, tức là cho càphê vào máy xát rồi mới đem phơi. Chính cách làm này đã tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập dễ dàng. Đó là chưa kể đến việc trồng càphê thiếu tính bền vững, tình trạng độc canh... Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Người trồng càphê quá lạm dụng phân hoá học, nhất là đạm urê”. Một nghịch lý cho thấy, khi càphê được giá thì giá phân bón lại tăng, trong khi đó lượng phân hữu cơ giảm. Khi càphê xuống giá, bà con thường mua một số loại phân hữu cơ rẻ tiền để duy trì sự sinh trưởng của cây. Càphê là loại cây công nghiệp dài ngày, thường được trồng trên đất có địa hình đồi dốc, nên thường xuyên bị rửa trôi chất dinh dưỡng. Vì vậy việc lạm dụng bón phân hóa học sẽ làm thúc đẩy nhanh quá trình thoái hoá, giảm độ phì của đất”. Bên cạnh những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống quản lý chất lượng của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa hòa nhập với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này được thể hiện rõ nhất ở tập quán mua bán sản phẩm theo mẫu, với các chỉ tiêu đơn giản như tỷ lệ hạt đen vỡ, độ ẩm hạt và tỷ lệ tạp chất mà chúng ta đang thực hiện chưa phản ánh đầy đủ bản chất của chất lượng sản phẩm. Vì các nhà xuất khẩu không mua hàng theo chất lượng nên không khuyến khích được người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm của chính mình.

 

Đôi điều cần bàn

 

Vấn đề tiêu chuẩn hạt càphê xuất khẩu được quy định theo các chỉ tiêu khác nhau, tùy theo từng nước. Tiêu chuẩn được sử dụng ở Việt Nam hiện nay là TCVN 4193: 2005. Để tăng cỡ hạt và giảm lỗi càphê nhân, việc chọn giống có năng suất cao, cỡ hạt lớn, đồng đều chất lượng tốt là yêu cầu chung trong thời gian hiện tại. Theo PGS.TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Nông học (Trường đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh): “Mùa thu hái càphê kéo dài hơn 2 tháng do quả chín không đồng đều, nên khi hái quả xanh sẽ làm giảm năng suất hạt trên 30%. Khi thu hoạch trên diện rộng, cỡ hạt thường kém đồng đều, cần áp dụng các cỡ sàn phân loại theo tiêu chuẩn quốc tế, như cỡ sàn số 18 (tức 7mm), sàn 16 (6,3mm). Độ chín đều của hạt góp phần làm tăng hương vị khi rang và pha chế”. Đối với việc sử dụng phân, Hiệp hội Càphê hữu cơ (ORCA) vừa đưa ra một số loại thuốc hoá học cần lưu ý khi sử dụng như: Acephate, DDT, Dizinn, Furadan - Carbonfuran, Malathion, Oxamyl, Terbufos, Thiodan Endosulphan, Timet -Forato... để đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép trong hạt càphê nhân. Sử dụng phân bón cho càphê là yêu cầu cần thiết để tăng năng suất, chất lượng hạt vì càphê là cây lâu năm, chu kỳ sinh trưởng rất cần cung cấp đủ dinh dưỡng, nhất là đạm, lân, kali, nguyên tố vi lượng qua các tháng. Dư lượng nitrát cũng cần được quan tâm phân tích, vì nếu lượng nitrát cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Một vấn đề rất quan trọng mà người sản xuất càphê Việt Nam cần hết sức quan tâm, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa nấm mốc và nhiễm Ochratoxyn A. Chuyện tưởng chừng “biết rồi, nói mãi, khổ lắm” nhưng đến nay người trồng càphê vẫn chưa thực hiện một cách triệt để, đó là dư lượng thuốc trừ sâu. Cần phải đặt vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu trên sản phẩm lên vị trí hàng đầu trong việc chuẩn bị hàng xuất khẩu, đảm bảo những lô hàng không có dư lượng thuốc vượt quá mức cho phép. Hy vọng, những người trồng càphê, nhà quản lý có thể rút ra được những điều phù hợp để áp dụng, nhằm giúp càphê Việt Nam thoát khỏi cảnh “cô bé lọ lem” trên thị trường thế giới.